Nữ sinh 19 tuổi chi 157 tỉ đồng mua cổ phiếu C4G, trở thành cổ đông gần lớn ở Cienco4
Sau khi HĐQT Cienco4 'chốt' phân phối 15,7 triệu cổ phiếu, ngay trong ngày 9/5, bà Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 2004) đã 'chồng đủ' 157 tỉ đồng để hoàn tất thương vụ.
CTCP Tập đoàn Cienco4 (Mã CK: C4G) vừa hoàn tất đợt chào bán 112,3 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên 3.370,7 tỉ đồng.
Theo đó, công ty này đã chào bán thành công 96,6 triệu cổ phiếu cho 6.587 nhà đầu tư. Đối với 15,7 triệu cổ phiếu chưa phân phối hết, Cienco4 đã chào bán cho 1 nhà đầu tư cá nhân, là bà Nguyễn Thị Thảo.
Sau đợt phát hành này, bà Nguyễn Thị Thảo trở thành cổ đông gần lớn của Cienco4, với tỷ lệ sở hữu 4,66%. Trước đó, bà Thảo không phải là người có liên quan đến công ty và cũng không nắm giữ cổ phiếu C4G nào.
Sự xuất hiện của cổ đông gần lớn Nguyễn Thị Thảo ở Cienco4 có nhiều chi tiết đáng chú ý.
Theo các tài liệu công khai, sau khi Hội đồng quản trị (HĐQT) Cienco4 thông qua việc chào bán 15,7 triệu cổ phiếu cho bà Nguyễn Thị Thảo, ngay trong ngày 9/5, bà Thảo đã 'chồng đủ' 157 tỉ đồng để hoàn tất giao dịch. Động thái của Cienco4 và bà Nguyễn Thị Thảo cho thấy sự chuẩn bị của các bên.
Bà Nguyễn Thị Thảo có tuổi đời còn khá trẻ, khi theo tìm hiểu của VietTimes, tân cổ đông gần lớn của Cienco4 sinh năm 2004 và đang là sinh viên của một trường đại học trên địa bàn Tp. Hà Nội. Nó khiến thị trường hình dung đến kịch bản, bà Thảo 'ra mặt' cho nhóm nhà đầu tư đứng sau muốn sở hữu cổ phần Cienco4 chào bán.
Kể từ đầu tháng 5/2023 tới nay, giá cổ phiếu C4G vận động quanh vùng từ 11.000 - 13.500 đồng/cp, cao hơn mức giá mà Cienco4 chào bán (10.000 đồng/cp). Mặt khác, Cienco4 là một trong những 'ông lớn' ngành xây lắp, được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng đầu tư công của Chính phủ.
Thực tế, Cienco4 từng hoàn tất phát hành cổ phiếu để tăng vốn theo kế hoạch nhờ sự tham gia vào 'phút chót' của các thể nhân.
Vào tháng 3/2022, Cienco4 đã phân phối 1,6 triệu cổ phiếu C4G chưa chào bán hết cho 3 nhà đầu tư cá nhân, gồm ông Nguyễn Duy Thế, ông Trương Hoài Vũ và bà Đồng Thị Thanh Minh, qua đó tăng vốn điều lệ lên mức 2.245,5 tỉ đồng.
Trong đó, các ông Nguyễn Duy Thế và Trương Hoài Vũ đều sinh năm 1988. Đáng chú ý, danh sách nhân sự của Cienco4 từng ghi nhận một thành viên có tên Trương Hoài Vũ, nhưng chưa rõ đó có phải là nhà đầu tư đã mua vào cổ phần C4G nêu trên hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Các 'tay chơi' lớn ở Cienco4
Sau đợt chào bán kết thúc hôm 9/5, Cienco4 ghi nhận tới 19.232 cổ đông trong nước và nước ngoài, trong đó có 2 cổ đông lớn 'ra mặt', là CTCP New Link (tên cũ là CTCP Tập đoàn VPA) và CTCP Chứng khoán VNDirect, với tỷ lệ sở hữu lần lượt ở mức 10,37% và 7,72% vốn điều lệ.
Cơ cấu cổ đông của Cienco4 có thể còn cô đặc hơn thế. Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) của Cienco4, tổ chức hôm 24/4, ghi nhận sự tham dự của 55 cổ đông và người đại diện theo ủy quyền, đại diện cho 150,6 triệu cổ phần, tương đương 67,02% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Kết thúc quý 1/2023, Cienco4 ghi nhận doanh thu thuần đạt 460 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 40,9 tỉ đồng, tăng lần lượt 7,6% và 26,7% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 10,2% kế hoạch doanh thu và 12,4% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2023
Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Cienco4 đạt 8.346,9 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 39%, đạt 3.260,5 tỉ đồng, chủ yếu là các phải thu về cho vay ngắn hạn (1.486,2 tỉ đồng).
Giá trị hàng tồn kho đạt 884,3 tỉ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đạt 866,2 tỉ đồng, tập trung chủ yếu công trình Bến Thành Suối Tiên (254,3 tỉ đồng) và các công trình khác (396,1 tỉ đồng).
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Cienco4 đạt 5.812 tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đạt 3.550,6 tỉ đồng, chiếm 42,5% tổng nguồn vốn./.