Nữ sinh An Giang tự tử tại trường: Bài học nào với Ban giám hiệu?
Để không xảy ra những sự việc học sinh bị kỷ luật sai phương pháp dẫn đến tự tử, giáo dục phải nhấn mạnh quyền trẻ em và phải đưa vào những quan điểm mới như giáo dục phải bình đẳng, dân chủ, học sinh phải được tự do biểu đạt, được trao đổi giữa thầy và trò.
Liên quan vụ nữ sinh An Giang tự tử tại trường do bị phê bình, kỷ luật, bêu tên dưới cờ, ngày 6/12, Sở GD&ĐT An Giang đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương. Đồng thời yêu cầu làm rõ hành vi bà Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 liên quan đến sự việc xảy ra tại trường và việc đăng thông tin trên mạng xã hội để xử lý.
Sở GD&ĐT An Giang chỉ ra một số sai sót như trường tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với quy định của ngành. Có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành khi lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc học sinh tự tử.
Trước đó, hiệu trường Trường THPT Vĩnh Xương thông báo học sinh N.T.N.Y (lớp 10A4) đã vi phạm một số nội dung như: phản ánh với gia đình sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ với nhà trường và gia đình, gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; Sử dụng điện thoại để ghi âm giáo viên trong giờ học.
Dù tại cuộc họp gia đình học sinh nhận ra những sai sót của con và hứa sẽ dạy dỗ, điều chỉnh nhưng học sinh vẫn không nhận lỗi của mình. Do đó, trường đã yêu cầu học sinh phải tự viết bản kiểm điểm và cấm túc hàng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1/12 đến 12/12 tại trường. Đồng thời, trường đã nêu họ tên học sinh vi phạm nội quy dưới cờ.
Từ sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc kỷ luật học sinh vi phạm là cần thiết. Tuy nhiên, nhà trường đã sử dụng biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh.
Ở góc độ giáo dục, một số giáo viên cho rằng, ngay trong thông tư mới cũng đã bỏ hình thức phê bình học sinh trước trường. Trong vụ việc trên, không chỉ việc bêu tên trước cờ mà cách chỉ ra lỗi vi phạm của nhà trường cũng chưa thuyết phục, chưa khiến học sinh tâm phục nên đã có những hành động viết thư tuyệt mệnh và tự tử.
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp, nguyên Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP HCM cho rằng, sự việc này có những nguyên nhân.
“Một nguyên nhân quan trọng là giáo dục của Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của những quan điểm, cách hành xử theo kiểu truyền thống của Nho giáo xa xưa. Tức là giáo dục không đưa vào những quyền của trẻ em. Khi tiếp cận các tổ chức giáo dục quốc tế, người ta đưa ra một số công ước về quyền của trẻ em như quyền được học, quyền được lựa chọn người dạy, trường học và các quyền trẻ em được đòi hỏi như quyền được tham dự, quyền biểu đạt bản thân mình một cách tự do, quyền về bất đồng ý kiến và có quyền được mắc lỗi, bởi về nhận thức, trẻ em còn hiểu biết có hạn và hành vi không dự tính được những hậu quả, do đó mắc lỗi là chuyện bình thường” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp nêu ý kiến.
PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp cho rằng, nếu học sinh mắc lỗi là do người lớn, tức là bố mẹ với nhà trường.
“Ở Việt Nam, quan điểm truyền thống, chưa coi trọng quyền của học sinh mà chỉ nhấn mạnh một chiều. Giáo dục vẫn nặng về vâng lời, con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy cô, quan điểm như vậy là rất lạc hậu. Bởi vì có lúc thầy cô, bố mẹ cũng sai, chưa hẳn đã phù hợp, đáp ứng nhu cầu của học sinh và trẻ em. Rõ ràng phải nhấn mạnh quyền trẻ em và xây dựng quan điểm, phải bỏ đi quan điểm truyền thống và đưa vào những quan điểm mới như giáo dục phải bình đẳng, dân chủ, học sinh phải được tự do biểu đạt, được trao đổi giữa thầy và trò, con cái với cha mẹ. Như vậy mới đi đến sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ”- PGS. TS Tiệp cho biết.
Đồng thời ông nhấn mạnh, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều quan điểm lạc hậu so với thế giới. Do đó, khi trẻ tiếp xúc được giáo dục mới, xã hội hiện đại dẫn đến những xung đột giữa học sinh và thầy cô giáo.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là vấn đề học thêm. Bởi vì cô giáo bắt học sinh phải học thêm 4 môn và nộp phí 1,2 triệu. Việc này nhằm tăng thêm thu nhập cho giáo viên nhưng thực ra là cưỡng bức học sinh học thêm.
“Học sinhY. này là học giỏi nhưng em chỉ học thêm môn Anh văn mà cứ bắt em phải học các môn còn lại. Như vậy là giáo viên chủ nhiệm có sự cưỡng bức. Khi cưỡng bức không được sinh ra thay đổi đối xử và có kỳ thị đối với nữ sinh này.Từ đó, đưa ra một số lý do không chính đáng để nhắc nhở như em mặc áo dài mỏng và coi đó để phê bình. Ngay việc học sinh ghi âm khi trao đổi với cô giáo thì đó là quyền của học sinh. Thực tế cô giáo đã có sự o ép nên học sinh ghi âm để bảo vệ quyền của mình, vấn đề là học sinh không công khai nên mạng cho nhiều người khác biết thì hoàn toàn không sai” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp phân tích.
Do đó PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tự tử của học sinh là do cưỡng bức với mục đích không chính đáng của giáo viên và việc bêu rếu trước cờ. Đây là hành vi sỉ nhục bởi kỷ luật chỉ công bố trong phạm vi rất hẹp. Nhà trường mà hành xử như vậy là vi phạm đến quyền của trẻ, đẩy học sinh vào trạng thái bị trầm cảm.
“Đây là sự bạo hành về mặt tinh thần, để lại những di chứng về mặt tâm lý, rất khó khắc phục, đeo đuổi suốt đời người. Học trò sẽ nhìn nhận về cô giáo, nhà trường rất xấu. Hình thức kỷ luật này vi phạm rất lớn quyền con người, vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT. Do đó, Sở GD&ĐT An Giang phải kỷ luật cô giáo, nhà trường và công khai. Đồng thời, giáo viên và nhà trường cần phải có thư xin lỗi đối với em Y và học sinh toàn trường để không mắc phải lỗi tương tự” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp đề nghị.
Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy khi trao đổi với PV Kiến Thức bày tỏ sự không đồng tình với việc nhà trường kỷ luật học sinh sau đó bêu tên dưới cờ.
Theo chuyên gia Lê Thị Túy, thời gian qua, nhiều luồng ý kiến vẫn tranh luận xung quanh hai phương án kỷ luật học sinh là đánh mắng và sỉ vả. Một số ý kiến cho rằng, các phương pháp giáo dục này mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến khác cho rằng các phương pháp giáo dục này không hiệu quả, phản giáo dục và tán thành chủ trương của Bộ GD&ĐT hiện nay là không nêu gương xấu như việc phạt học sinh ở trước lớp, trước trường. Khen thì được công khai nhưng không được phạt học sinh trước mặt các học sinh khác. Đến nay chưa thống nhất ý kiến và còn đang tranh luận rất nhiều về việc này.
Bà Lê Thị Túy không tán thành việc lãnh đạo Trường THPT Vĩnh Xương kỷ luật học sinh bằng phương pháp bêu tên trước cờ.
“Đó là phương pháp sỉ nhục học sinh rất phản cảm. Nếu phê bình và nhắc nhở lại khác còn đây là sỉ nhục. Nếu nhắc nhở thì phải chỉ ra lỗi vi phạm, động viên học sinh khắc phục và cố gắng. Không chỉ riêng việc bêu tên trước cờ, nhiều giáo viên và phụ huynh cũng hay sử dụng phương pháp sỉ nhục như “em không biết xấu hổ à, tại sao em khác làm bài tốt mà em lại như vậy”, bảo em nữ hơn em nam, học sinh này hơn học sinh khác khiến các em tự ái. Ngay cả phụ huynh học sinh hay so sánh “con nhà người ta” dẫn đến việc học sinh bị ức chế” – bà Túy nêu ý kiến.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy chia sẻ chính kinh nghiệm của bà trong phương pháp dạy con chính là “mướp leo giàn”.
“Khi gieo hạt mướp xuống đất, một thời gian sau cây mướp được khoảng 1 gang tay thì tay mướn vươn ra. Khi đó, có que cắm, tay mướn bám vào và vươn lên giàn. Khi lên giàn rồi sẽ leo khắp giàn và cho chúng ta ăn quả. Trẻ em có ưu điểm, có khuyết điểm, có dại dột và khôn ngoan, gia đình phải có trách nhiệm để giúp các em vươn lên. Mặt tốt thì biểu dương, những gì chưa tốt thì phải nhắc nhở, động viên. Đồng thời bản thân mình phải làm gương” – bà Lê Thị Túy chia sẻ.
Chuyên gia Lê Thị Túy cho rằng, cần phải lên án phương án giáo dục đánh đập hay sỉ nhục. “Khi học sinh mắc lỗi, có thể phạt một cách nghiêm khắc tùy theo lỗi vi phạm nội quy. Nhưng việc đánh đập, động chạm vào thân thể học sinh hay sỉ nhục ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của học sinh thì cần phải phản đối. Phải trân trọng học sinh và chỉ bảo nếu học sinh mắc sai phạm nhưng không được làm học sinh xấu hổ trước bạn bè dễ dẫn đến các em có những hành động tiêu cực” – bà Túy nêu ý kiến.
Mời độc giả xem thêm video Thầy giáo dâm ô 3 học sinh tiểu học lãnh án tù chung thân