Nữ sinh Bách khoa tốt nghiệp loại xuất sắc được doanh nghiệp săn đón
Với tấm bằng kỹ sư xuất sắc, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có được công việc đáng mơ ước ngay khi vừa ra trường.
Áp lực tạo ra kim cương
Gần 1 năm qua, Nguyễn Thị Thanh Nhàn cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Dệt, Khoa Dệt May – Da giầy & Thời trang, Trường Vật liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội công tác và giữ vị trí Quản lý chất lượng của phân xưởng tại Công ty TNHH CNKT Ngân Hà – công ty con của Tập đoàn Texhong, chuyên sản xuất các loại sợi cao cấp. Đây là công việc đáng mơ ước của bất kỳ sinh viên nào khi vừa tốt nghiệp ra trường.
Thành quả này không phải là sự may mắn mà là kết quả của một hành trình cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của em trong suốt chặng đường học tập ở bậc đại học.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, cô gái trẻ nói rằng, khó khăn lớn nhất mà em gặp là những năm đầu tiên của bậc đại học. Khi mới bước chân vào trường, việc thích nghi với những môn học mới, thời gian biểu thay đổi, môi trường mới,… khiến em đối mặt với không ít áp lực, khó khăn.
“Có áp lực thì mới tạo ra được kim cương, có lẽ, sinh viên Bách Khoa nào cũng sẽ trải qua những tiết Giải tích, Đại số khó nhằn, bản thân em vào năm đầu tiên, cũng đã nhiều lần rơi lệ. Lần em nhớ nhất là học môn Giải tích, sau tiết học ấy, em cảm thấy như mình chẳng học được gì, chẳng hiểu gì, trong khi các bạn vẫn lên bảng làm được bài.
Với em bài nào cũng như mới, cảm xúc tiêu cực chi phối em, sự tuyệt vọng trào dâng, tối đó em đã nghỉ dạy gia sư, gọi điện về cho mẹ, khóc như mưa, muốn bỏ cuộc. May mắn, bố mẹ động viên để em tiếp tục, tự học nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn.
Em tự nhủ, mình là khoản đầu tư đắt tiền nhất của cha mẹ, nên em phải cố gắng nỗ lực hết mình để không làm nhà đầu tư của em phải thất vọng” – Thanh Nhàn trải lòng.
Áp lực có, căng thẳng có nhưng Thanh Nhàn tự nhận xét, bản thân là một người trẻ, có khả năng thích nghi, không nản lòng và luôn cố gắng suy nghĩ tích cực. Đặc biệt, em may mắn có gia đình, bạn bè, thầy cô trong khoa luôn đồng hành, sẻ chia, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của em trong quá trình học tập và đưa ra lời khuyên phù hợp.
“Đó cũng chính là những thuận lợi, những suôn sẻ mà em may mắn nhận được” – Thanh Nhàn tự hào nói.
3 điều giúp học tập tốt hơn
Đỗ được Đại học Bách khoa Hà Nội vốn không hề dễ dàng, việc duy trì kết quả học tập và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc lại càng khó hơn. Dù vậy, khi được hỏi về bí kíp học tập, Thanh Nhàn cười và nói rằng, đối với em, không có bí quyết gì quá lớn lao. Em chỉ có ba điều cần lưu tâm để việc học tập thuận lợi, đạt kết quả như mong đợi.
Đầu tiên, mỗi sinh viên lên lớp và chuẩn bị tài liệu đầy đủ: Phải đi học đủ; chuẩn bị sách vở, các tài nguyên/bài giảng sẵn trên mạng. Tuần đầu tiên các thầy/cô thường giới thiệu môn học này gồm những vấn đề gì và các tài liệu sử dụng cho môn học… trên cơ sở đó, tìm những tài liệu để học. Việc học trên lớp quan trọng nhất là biết thầy cô nhấn vào những kiến thức nào, phần nào là trọng tâm.
Điều thứ 2, Thanh Nhàn đề cập đến, là cần có những người bạn đồng hành. “Học theo nhóm là 1 phương pháp rất hay. Cuối tuần, nhóm em thường lên thư viện để học tập, hoặc có bài nào thấy hay sẽ gửi lên nhóm chia sẻ cho nhau” – Thanh Nhàn nói.
Điều cuối cùng, học tập cần có kế hoạch nhưng nên linh hoạt. Đặt mục tiêu vừa phải, không nên chạy theo tiêu chuẩn của người khác.
“Khi có phương pháp phù hợp và đạt được học bổng, sẽ sinh ra cảm xúc tích cực, và cũng sẽ bị “nghiện” cảm giác đó. Việc không ngừng học tập biến bản thân trở nên tốt hơn và ở phiên bản tốt hơn bạn sẽ nhận lại những kết quả tốt hơn” – Thanh Nhàn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên.
Cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Dệt, Khoa Dệt may – Da giầy & Thời trang, Trường Vật liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng dành lời khuyên tới các em sinh viên: “Thầy, cô trong khoa và các page của khoa là kênh thông tin lớn để em sinh viên có thể tìm kiếm việc làm. Thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm, đã làm trực tiếp, có nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp, nên sẽ có nhiều cơ hội việc làm để giới thiệu cho các bạn sinh viên. Hoặc các bạn cũng có thể thông qua kì thực tập để lựa chọn công việc cho mình".
Lấy dẫn chứng từ chính bản thân mình, sau kì thực tập, ở lại làm cho công ty, Thanh Nhàn chia sẻ: “Nhà tuyển dụng họ chủ yếu nhìn vào năng lực. Các bạn sinh viên nên chú trọng vào kiến thức nền, xây móng thật chắc để có 1 ngôi nhà kiên cố; bên cạnh đó trau dồi thật tốt kĩ năng mềm, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ như Tiếng Anh và Tiếng Trung”.
Trước quan điểm, ý kiến cho rằng, ngành dệt may không hot, khó xin việc, Thanh Nhàn nói rằng, ngành hot hay không tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Bạn có đủ những chỉ tiêu mà nhà tuyển dụng đưa ra, có đủ năng lực làm việc thì công ty sẽ nhận bạn.
“May mặc luôn là nhu cầu thiết yếu nên không bao giờ thiếu việc. Hãy cố gắng từ những điều nhỏ nhất. 5 năm đại học là thời gian tốt nhất, phù hợp nhất để chuẩn bị cho tương lai sau này, vì vậy hy vọng các bạn hãy tận dụng thật tốt” – Thanh Nhàn bày tỏ.
Nhắc đến Thanh Nhàn, cô Cao Thị Hoài Thủy - giáo viên chủ nhiệm, lớp Kỹ thuật Dệt, Khoa Dệt May – Da giầy & Thời trang, Trường Vật liệu, Đại học Bách Khoa Hà Nội nói: Nhàn là sinh viên xuất sắc của khoa, em không chỉ luôn nỗ lực học tập, phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình bởi vậy, điểm CPA của em rất cao 3,62. Quá trình đi thực tập, em được doanh nghiệp đánh giá rất cao. Đồng thời, em cũng tích cực tham gia hoạt động Đoàn, ngoại khóa. Em là một trong số ít sinh viên của khoa được kết nạp Đảng từ khi còn là sinh viên”.