Nữ sinh bị dè bỉu ngoại hình vì mâu thuẫn với thợ ảnh
Dù thợ ảnh đã muốn khép lại sự việc ồn ào này nhưng hậu quả là hình ảnh của nữ sinh trong câu chuyện trên đã bị chia sẻ sang nhiều trang mạng khác với lời lẽ miệt thị nặng nề.
Thợ chụp ảnh mâu thuẫn với nữ sinh, dân mạng hùa vào chê bai ngoại hình thậm tệ
Được quan tâm nhất lúc này trên MXH là câu chuyện giữa một nữ sinh lớp 12 và thợ chụp ảnh kỷ yếu tên N.Q.
Theo đó, N.Q cho biết anh được thuê với giá 600k để chụp kỷ yếu, song khi trả ảnh nữ sinh cảm thấy không ưng ý nên muốn bồi thường. Tuy nhiên, cách nói chuyện và ứng xử của nữ sinh khiến thợ chụp ảnh không vừa lòng. N.Q quyết định "phốt".
Khi đăng tải bài viết, thợ chụp ảnh đã công bố cả ảnh chân dung, kèm theo một số thông tin cá nhân của nữ sinh khiến cô trở thành tâm điểm "tấn công", chế nhạo, hùa theo chỉ trích một cách nặng nề. Phản ứng tiêu cực từ cộng đồng khiến nữ sinh này phải khóa Facebook. Rất nhiều tài khoản giả nữ sinh được lập ra trong 1 đêm với mục đích câu view.
Sau khi bài đăng trở nên viral trên MXH, N.Q bất ngờ xóa bài, cho biết nữ sinh trong câu chuyện đã nhắn tin xin lỗi.
N.Q viết: "Mình chia sẻ câu chuyện cá nhân lên MXH không nhằm mục đích chỉ trích hay bêu xấu ai cả. Một phần cũng là do lỗi của mình chưa đủ khả năng làm hài lòng khách hàng, đặc biệt là bạn nữ kia. Sai sót của mình, mình sẽ cố gắng cải thiện bản thân hơn và mình cũng đã nhận được lời xin lỗi từ bạn ấy. Mình xin phép gỡ bài và kết thúc câu chuyện".
Dù thợ ảnh cho biết mình muốn khép lại sự việc ồn ào này nhưng hậu quả là hình ảnh của nữ sinh trong câu chuyện trên đã bị chia sẻ sang nhiều trang mạng khác, bị đem ra chế ảnh bôi nhọ và không ngừng đối mặt với hàng loạt comment lên án cực kỳ nặng nề.
"Sai thì sửa, nhưng đừng dồn người khác đến đường cùng"
Trong lúc sự việc trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng, góc nhìn của Dương Hạnh (sinh năm 2000, đến từ Hà Nội), một tác giả trẻ, đã khiến nhiều người chú ý.
Hạnh đồng ý cách ứng xử và lời nói của nữ sinh trong câu chuyện là thiếu chuẩn mực, song việc tự ý công khai hình ảnh của người khác lên MXH của thợ ảnh để "phốt" cũng như việc dân mạng hùa theo body shaming nữ sinh là "nhân danh công lý để miệt thị người khác". Tình huống khiến Dương Hạnh nhớ đến một nội dung tương tự đã đọc trong "Thiện ác và Smartphone" của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Chia sẻ của Dương Hạnh khi nhìn về sự việc trên được nhiều người dùng MXH chia sẻ lại, như một cách thể hiện sự đồng tình.
Lược trích quan điểm của Dương Hạnh: "Sai rồi thì mình sửa nhưng đừng dồn người khác đến đường cùng, rồi ngày mai khi thức dậy em mở điện thoại ra thấy hình ảnh mình được hàng loạt Fanpage lớn nhỏ đăng, hàng loạt bình luận chì chiết thậm tệ, chê bai về ngoại hình của em thì em sẽ buồn như thế nào? Nhiều người lấy mác "nhân danh công lý nhưng lại miệt thị người khác trên mạng xã hội".
Bạn nghĩ rằng những bình luận đó chỉ là vu vơ, trêu đùa, mạng xã hội là ẩn danh nhưng đằng sau hình ảnh, vụ việc bạn đang chỉ trích đó là một người có da thịt thật. Mình không hiểu sau khi lăng mạ người khác một cách thậm tệ như vậy thì nhiều người có thấy vui sướng hay hả hê gì không?
Còn nạn nhân ấy họ sẽ vô cùng đau đớn, thậm chí có những bạn vì không chịu được áp lực dư luận ảnh hưởng đến tâm lý nặng nề. Đôi khi một câu nói của ai đó đã khiến bạn phải suy nghĩ cả ngày... đằng này là hàng trăm nghìn câu nói thì bạn nghĩ bạn sẽ tổn thương như thế nào?
Chính vì thế hãy dừng ngay lại hành động làm xấu công khai người khác trên mạng xã hội đi".
Dương Hạnh chia sẻ thêm, cô từng nhiều lần bị công kích chỉ vì bênh vực nạn nhân của miệt thị ngoại hình, khi lên tiếng bênh vực nữ sinh trong câu chuyện, Hạnh cũng gặp tình huống tương tự nhưng cô vẫn sẽ lên tiếng.
MXH không phải nơi phân xử đúng sai
Khi câu chuyện này được nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, nó không còn đơn thuần là chuyện mâu thuẫn giữa một nữ sinh và anh thợ ảnh nữa, đó là cách mọi người ứng xử với nhau trên MXH. Đã có rất nhiều câu chuyện đáng tiếc xảy ra khi ai đó bị tấn công và những điều bạn tưởng mình đang "nói đúng mà", "phải lên tiếng không để vụ này chìm" lại là thông tin một chiều, khiến người khác lao đao.
"Mọi người luôn nghĩ mạng xã hội là ảo nên thoải mái tự cho mình cái quyền phán xét người khác. Mình thấy có rất nhiều vụ việc bị bạo lực ngôn từ đã khiến cho nạn nhân bị stress đến mức kết thúc cuộc đời này. Lúc đó thì dân cư mạng sẽ vào thương tiếc như không có chuyện 'bạo lực ngôn từ trên mạng' nào đã xảy ra nhưng đã muộn...", Dương Hạnh chia sẻ.
Cùng chung quan điểm với Dương Hạnh, nhiều người theo dõi câu chuyện giữa nữ sinh và thợ chụp ảnh cho rằng tự ý đăng hình người khác lên để phê phán đã là hành động kém văn minh. Bởi không thể chỉ vì tình huống cá nhân khiến bản thân không hài lòng mà tự cho phép mình được công khai chỉ trích ai đó.
“Vấn đề nào cũng cần nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Người đăng bài chưa chắc đã là người đúng hoàn toàn. Trong trường hợp này, mình thấy bạn nữ sinh sai vì thái độ khi làm việc, nói chuyện với người lớn. Còn bạn chụp ảnh sai vì cố tình đẩy câu chuyện này đi xa khi đăng đàn công khai để mọi người vào chỉ trích. Cuối cùng, thợ chụp ảnh là người được lợi vì có thêm lượng người theo dõi còn bạn gái lại trở thành nạn nhân bị công kích, bạo lực ngôn từ. Mình nghĩ ai cũng nên cẩn thận và có trách nhiệm trong từng câu chữ trên MXH vì đây không phải nơi để kết án bất cứ ai mà mọi người tự cho rằng họ sai”, Minh Phương (23 tuổi) chia sẻ.
Cũng đọc các thông tin về việc này, Dương Anh (25 tuổi) bày tỏ: “Nhiều người dùng MXH đang đánh tráo khái niệm. Một người sai về phát ngôn hay thái độ y như rằng sẽ bị miệt thị ngoại hình nặng nề và liên lụy đến gia đình. Họ cứ bình luận thỏa thích vì nghĩ bản thân đang nói “lẽ phải”. Câu chuyện này lẽ ra nên dừng ở việc xin lỗi hoặc bồi thường riêng tư là xong rồi, không nhất thiết phải đăng công khai như vậy”.
Còn đối với Thanh Bình (25 tuổi) cho rằng việc tranh cãi trên MXH chỉ làm nâng cao quan điểm vì ai cũng có ý đúng và sai.
“Nếu như cả hai bên bình tĩnh trao đổi, thỏa thuận thì có lẽ sẽ tốt hơn trong trường hợp này. Vì khi có vấn đề xảy ra, mỗi người sẽ có một quan điểm, góc nhìn khác nhau. Việc đăng tải công khai gây ảnh hưởng đến cả hai bên, ai cũng bị chỉ trích và đẩy sự việc đi quá xa đến mức không cần thiết”.