Nữ sinh cầu cứu đặc cách tốt nghiệp vì lâm bệnh hiểm nghèo trước ngày thi
Đó là trường hợp của em Phan Hiểu Phi, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TPHCM. Phi được bệnh viện Truyền máu Huyết học chẩn đoán suy tủy xương, 5 ngày phải truyền máu 1 lần và tủy phải đặt hàng ở nước ngoài để mang về Việt Nam ghép...
Cầu cứu đến báo Tiền Phong, ông Phan Văn Bình (sinh năm 1967) và bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1969) là cha mẹ em Phan Hiểu Phi cho biết, căn bệnh đến với Phi rất bất ngờ, ngay trước kỳ thi đại học nên khiến Phi bị sốc bởi 12 năm đèn sách những không thể tốt nghiệp cùng chúng bạn...
"Mẹ ơi, mình còn đau được rồi đừng bắt anh Hải phải chịu"
Bà Nguyễn Thị Mai kể, cách đây khoảng 3 tuần, trên người Phi bỗng nhiên nổi nhiều vết bầm. Ban đầu là những vết bầm tím ở chân, tay rồi sau đó xuất hiện thêm nhiều vết bầm đỏ. Ít ngày sau, Phi phát hiện mình thường hay chảy máy chân răng…
Nhiều dấu hiệu bất thường cộng lại khiến gia đình lo lắng, ngày 12/6, Phi được đi bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám. Do lượng máu bị tụt giảm bất thường, Phi được yêu cầu nhập viện gấp để truyền máu, đồng thời mời các bác sĩ ở bệnh viện Truyền máu Huyết học sang chẩn đoán. Sau truyền máu, Phi khỏe lại nên em xin bệnh viện được ngoại trú để tiếp tục đi học hè, ôn thi ở trường, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Đến chiều ngày 20/5, khi con đang học ở trường thi tôi nhận được điện thoại của bệnh viện yêu cầu phải đưa con vào nhập viện gấp bởi việc thiếu máu có thể gây nguy hại đến tính mạng bất cứ lúc nào. Lúc đó tôi rất sợ và khóc nhưng vẫn kìm nén để động viện và đưa Phi vào nhập viện ngay trong chiều”, bà Mai nhớ lại.
Theo bà Mai, Phi được chẩn đoán mắc căn bệnh suy tủy xương, để điều trị thì phải ghép tủy. Thế nhưng, ngặt nổi gia đình Phi không ai có tủy phù hợp với Phi. Phương án tiếp theo là sử dụng tế bào gốc. Thủ tục để lấy tế bào gốc từ Đài Loan về đây là khoảng 400 triệu. Cộng với chi phí phẫu thuật 500 triệu, số tiền này quả thực quá lớn. Thời gian chờ từ 1 đến 3 tháng với kinh phí lên đến gần 1 tỷ. Trong thời gian này, Phi phải tái khám liên tục và trung bình 5 ngày phải truyền máu 1 lần để bổ sung tiểu cầu, bạch cầu… Kinh phí cho mỗi lần truyền máu là 15 triệu đồng.
“Dù đau ốm nhưng con bé rất thương anh Hai. Khi lấy tủy xét nghiệm, trong cơn đau đớn, Phi van xin rằng “Mẹ ơi đừng lấy tủy của anh Hai mà tội ảnh, một mình con đau được rồi” vì sợ anh Hải sẽ phải trải qua đau đớn như mình”, bà Mai nói trong nước mắt…
Bà Mai tâm sự thêm rằng Phi là một cô gái dũng cảm. “Từ ngày biết bệnh, con thường hay hỏi: “Sao bác sĩ không cười, con bệnh nặng lắm hay sao”; “Con còn sống được mấy tháng nữa vậy mẹ…” khiến tim tôi tê tái. Ở một thời đại công nghệ như thế này thì không có gì giấu được, chỉ cần cái điện thoại lên mạng là biết hết cả. Nhưng bệnh của con hoàn toàn có thể chữa được, tôi chỉ mong sao có tủy sớm để ghép cho con, chờ con khỏe mạnh để đi học đại học theo đuổi đam mê của mình…”, bà Mai nói.
Hoàn cảnh gia đình Phi cũng đang trong cơn ngặt nghèo khi cách đây hơn 1 năm, mẹ Phi bị tai biến, dù không bị liệt nhưng một nửa người bên phải bị mất gần 70% sức lực. Ba Phi thì làm nghề sửa xe máy nên thu nhập rất thất thường, anh trai Phi mới tốt nghiệp, hiện đang là huấn luận viên Wushu, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải bản thân…
Không đầu hàng số phận
Phi nhập viện khi chỉ còn cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 4 ngày. Ngày 22/6, Trường THPT Nguyễn Thái Bình nơi Phi đang theo học tổ chức lễ trưởng thành và tri ân, bạn bè ai nấy đều vui vẻ, tưng bừng còn Phi phải nằm trên giường bệnh.
Trò chuyện với Phi, cảm nhân em là một cô gái nhỏ nhắn nhưng đầy cá tính và mạnh mẽ. Tôi hỏi Phi rằng: “Em có buồn khi hai sự kiện lớn trong quãng đời đi học là lễ trưởng thành và thi tốt nghiệp THPT Quốc gia mà em không thể tham dự dù chỉ cách có mấy ngày không?”.
Dù đeo khẩu trang, nhưng tôi vẫn thấy được Phi cười qua ánh mắt, cô bé trả lời: “Em buồn nhưng không sao cả, em đã nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ và đã trúng tuyển vào hai trường rồi. Các thầy cô đang làm hồ sơ để xin xét đặc cách cho em tốt nghiệp nữa là xong”.
Phi cho biết thêm, mấy ngày diễn ra kỳ thi, em vẫn theo dõi đề thi trên mạng và tự giải khi nằm trên giường bệnh. “Trong kỳ thi này, em nộp hồ sơ vào 3 trường gồm ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến và ĐH Văn Lang, cả 3 trường này em đều chọn ngành Quản trị khách sạn vì em rất yêu thích ngành này”, Phi nói.
Cô Phạm Thị Đức, giáo viên chủ nhiệm Phi cho biết, Phi là một học sinh ngoan nhưng rất cá tính, nghe tin Phi lâm bệnh, ai cũng bất ngờ, đặc biệt là trước kỳ thi khiến cho thầy cô, bạn bè càng thương xót. “Thế nhưng Phi có một nghị lực rất cao, trong những ngày chưa có kết quả khám bệnh, nhưng Phi vẫn đến lớp để ôn thi dù tôi khuyên em nên ở nhà để bảo vệ sức khỏe", cô Đức nói.
Cũng theo cô Đức, Phi có học lực khá, tổng điểm kết thúc năm học của Phi là 7.4 điểm, hạnh kiểm tốt nhưng tiếc là trong hai môn Văn và Toán, Phi không có môn nào trên 6.5 điểm nên không được danh hiệu học sinh Khá. “Đây là một thiệt thòi của Phi vì trong các điều kiện để xét đặc cách tốt nghiệp có yêu cầu thí sinh phải có học lực khá, hạnh kiểm tốt… Chúng tôi rất mong cấp trên xem xét đặc cách cho Phi”, cô Đức chia sẻ.
Thầy Huỳnh Khương Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình cho biết, trường hợp của em Lâm Hiểu Phi nhà trường đã làm đơn xin cứu xét lên Sở để đề nghị xét đặt cách tốt nghiệp cho em. “Nhà trường cũng làm Thư ngỏ kêu gọi giáo viên, học sinh, cựu học sinh nhà trường ủng hộ em Phi và gia đình vượt qua khó khăn…”, ông Dũng nói.