Nữ sinh Đà Lạt trở thành giảng viên đại học tại Thụy Sĩ

Một hành trình dài đầy nỗ lực không ngừng trên con đường học tập để một nữ sinh Trường Chuyên Thăng Long - Đà Lạt giành được những học bổng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Đại học Harvard danh giá của Mỹ và trở thành nhà nghiên cứu - giảng dạy tại một trường đại học ở Thụy Sĩ.

Tiến sĩ Trần Anh Thảo

Tiến sĩ Trần Anh Thảo

Đó là Tiến sĩ Trần Anh Thảo, sinh 1989, người Đà Lạt, một cựu học sinh Trường Chuyên Thăng Long - Đà Lạt và hiện nay đang làm việc tại Đại học Geneve (University of Geneva) tại Thụy Sĩ.

Chúng tôi gặp Anh Thảo trong dịp cùng gia đình nhỏ của chị về thăm mẹ tại Đà Lạt trong dịp Tết 2025 vừa qua. Gia đình mẹ Anh Thảo có một quán cà phê ven hồ Tuyền Lâm, Phường 3, Đà Lạt nhìn ra một quang cảnh rất đẹp. Với nụ cười tươi và chất giọng nhẹ của người Đà Lạt, Anh Thảo kể lại hành trình đi học với những trải nghiệm của mình, từ thành phố hoa Đà Lạt về TP Hồ Chí Minh đi học, qua Hàn Quốc học, rồi đến những giảng đường lớn ở châu Âu, đến Đại học Harvard hàng đầu thế giới ở vùng Đông - Bắc nước Mỹ. “Hồi nhỏ đi học thì như nhiều học sinh khác cũng có ước mơ được đi du học, nhưng cũng chỉ là mơ ước thôi. Phải đến khi vào những năm học trung học phổ thông, rồi học đại học thì thấy rằng nếu học tốt ở trường, cộng với giỏi ngoại ngữ thì mình sẽ có cơ hội”, Anh Thảo nói.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Anh Thảo chọn vào học Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên - TP Hồ Chí Minh. “Chọn ngành đó vì bản thân thích 2 môn học Sinh, Hóa. Và cũng vì Đà Lạt là nơi có công nghệ sinh học với nông nghiệp công nghệ cao phát triển, gia đình cũng từng canh tác cây dược liệu nên nghĩ rằng nếu học xong sau này có quay về Đà Lạt thì mình sẽ tìm được một công việc phù hợp”, Anh Thảo tươi cười.

Nhờ thành tích học tập tốt, giỏi ngoại ngữ, khi tốt nghiệp đại học, Anh Thảo đã tìm được học bổng bậc cao học cho mình tại Đại học Quốc gia Jeju, Hàn Quốc. “Hàn Quốc về cơ bản có rất nhiều nét tương đồng với Việt Nam về mặt văn hóa, rất nhiều người Hàn Quốc thích du lịch Việt Nam, thích Đà Lạt. Hồi đó, chọn học ở nước này vì thuận tiện cho việc đi lại, về nhà cho gần. Đây cũng là một trường đại học rất tốt của Hàn Quốc”, Anh Thảo cho biết.

Hoàn tất chương trình cao học với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Đại học Quốc gia Jeju, Anh Thảo với thành tích học tập tốt đã nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng nhiều đại học trên thế giới và tiếp tục nhận được học bổng nghiên cứu sinh cho bậc học tiến sĩ, lần này đơn vị cấp học bổng là một ngôi trường lớn ở châu Âu, đó là Đại học Saarland tại Saarbrucken của nước Đức. Tại đây, chị nhận được học bổng toàn phần 4 năm để theo chương trình đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực Kỹ thuật Y - sinh.

Nhưng không dừng lại ở đó, con đường học tập của cựu nữ sinh Đà Lạt này vẫn còn tiếp tục. Sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Saarland, Anh Thảo đã giành được học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (Postdocs) tại Đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ. Harvard là đại học hàng đầu nước Mỹ hiện nay, nơi biết bao người mơ ước được đặt chân vào các giảng đường của ngôi trường này. Tại Harvard Medical School, thành phố Boston, bang Massachusetts, trong thời gian 1,5 năm, Anh Thảo thực hiện nghiên cứu toàn thời gian trong lĩnh vực Y quang học (Photomedicine) bao gồm việc sử dụng Photon trong y học để chụp ảnh hoặc điều trị bệnh.

Sau khi hoàn tất chương trình sau tiến sĩ, Anh Thảo về lại Đức nghiên cứu Y - Sinh học tại Viện Fraunhofer IBMT. Cô cũng từng là thực tập sinh tại Viện Max - Planck Institute tại Đức về Y - sinh phân tử và tham gia học Trường hè tại École Polytechnique (Pháp).

Khi lập gia đình với một chàng trai người Việt sinh sống ở Pháp, vì quê chồng ở một thành phố Pháp nằm gần Thụy Sĩ nên Tiến sĩ Anh Thảo muốn tìm một công việc quanh châu Âu, gần quê chồng càng tốt. Chính vì vậy, chị đã nhận làm việc tại Đại học Geneve của Thụy Sĩ, cách không xa quê chồng. Tại quê chồng có một đường tàu nhanh chạy xuyên biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ nối với TP Geneve, nơi có Đại học Geneve chị đang làm việc. Hằng ngày chị vẫn đi làm và về nhà bằng những chuyến tàu này.

Theo Tiến sĩ Trần Anh Thảo, để chinh phục những đỉnh cao của tri thức tại những đại học lớn trên thế giới, cần phải nỗ lực học tốt ngay từ ghế phổ thông hay tại giảng đường đại học. “Thật ra, học bổng từ các trường đại học lớn trên thế giới dành cho sinh viên quốc tế khá nhiều hằng năm. Có cả học bổng của chính phủ và học bổng của các trường đại học, các viện nghiên cứu, theo nhiều cấp độ học bổng, có học bổng bán phần, có học bổng toàn phần tùy theo khả năng và thành tích học tập của mình. Để nhận được học bổng thì hồ sơ và khả năng học tập của mình cần phải thuyết phục được tổ chức cấp học bổng cho mình”, Anh Thảo cho biết.

Và một điều khác cũng quan trọng không kém, theo Tiến sĩ Anh Thảo, là phải giỏi ngoại ngữ, cụ thể ở đây là tiếng Anh. Như trong trường hợp của Anh Thảo, tại Đại học Quốc gia Jeju của Hàn Quốc, chị theo chương trình giảng dạy tại đây bằng tiếng Anh chứ không phải bằng tiếng Hàn. Tương tự, tại Đại học Saarland của Đức, chị cũng theo chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. “Đã có không ít học sinh, sinh viên người Việt, trong đó có người Đà Lạt, Lâm Đồng giành được những học bổng danh giá của các trường đại học lớn trên thế giới. Điều cần là mỗi người cần có ước mơ và tìm cách hiện thực hóa niềm mơ ước này”.

Trong dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, trong chuyến về thăm mẹ tại Đà Lạt, Tiến sĩ Trần Anh Thảo với một diễn giả trẻ khác cũng từng giành được những học bổng quốc tế danh giá cùng tham gia trong một buổi nói chuyện - truyền cảm hứng với các bạn trẻ “Sharing Talk - Inspiring the Youth” do Trung tâm Phố Bên Đồi tổ chức với sự có mặt của hằng trăm học sinh, sinh viên, thầy cô giáo giảng viên đại học đến từ các Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin, Đại học Kiến trúc, các trường phổ thông tại Đà Lạt. Tại buổi nói chuyện, Anh Thảo đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm của bản thân mình về cách nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ, cách tìm học bổng, học tập và làm việc trong môi trường đại học ở nước ngoài. “Điều quan trọng là phải kiên định trên con đường của mình; khiêm tốn để học hỏi; tò mò để tìm hiểu thế giới bên ngoài”.

Trong một lần trò chuyện trước khi quay lại châu Âu để làm việc, Tiến sĩ Anh Thảo cho biết có thể trong tương lai gần, chị sẽ quay về Đà Lạt và một hướng mà chị quan tâm đó là xây dựng một cơ sở nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực Y sinh mà chị đang làm việc hiện nay.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ban-tre/202502/nu-sinh-da-lat-tro-thanh-giang-vien-dai-hoc-tai-thuy-sy-dfa2bdb/