Nữ sinh đa tài 'ẵm' học bổng 2,1 tỷ đồng của VinUni
Sau khi cùng đồng đội vô địch cuộc thi Vietnam Robotics Challenge năm 2022, Hương Thanh được chọn vào đội tuyển Việt Nam tham dự giải đấu Olympic về robot tự chế lớn nhất thế giới và giành Huy chương Đồng. Cô hiện là sinh viên Trường Đại học VinUni với suất học bổng 70%.
Thành tích cá nhân đa lĩnh vực
Hồi phổ thông, nhờ thành tích nổi bật tại các cuộc thi học sinh giỏi Tin học các cấp, Hương Thanh đã được chọn vào đội tuyển Robotics của trường THPT Nguyễn Gia Thiều, tham dự cuộc thi Vietnam Robotics Challenge năm 2022. Đây là cuộc thi chế tạo robot dành cho học sinh THPT trên toàn quốc với sự tham dự của 48 trường trên toàn quốc.
Sau khi cùng đội tuyển của trường lên ngôi vô địch, cô tiếp tục được chọn là 1 trong 8 thành viên của đội tuyển Việt Nam tham dự FIRST Global Challenge (FGC) năm 2022.
Tại đây, cô và các đồng đội đã giành được Huy chương Đồng tại hạng mục Đổi mới sáng tạo (Innovation in Engineering). Được tổ chức lần đầu tiên năm 2017, FGC được coi là một trong những giải đấu Olympic về robot tự chế lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông trên khắp thế giới.
Ngoài ra, cô còn gặt hái thêm loạt thành tích khi có điểm tổng kết các môn trên 9.0, chứng chỉ IELTS 7.0, trúng tuyển xét tuyển sớm của Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và đạt 26,05 điểm tổ hợp D01 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Khi được hỏi cách để cân bằng giữa việc học và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, Hương Thanh thừa nhận rằng đây vẫn là một câu hỏi nan giải. Theo kinh nghiệm của cô, mỗi cá nhân chỉ nên tham gia một vài hoạt động nhất định, có chất lượng và phù hợp với sở thích, sở trường cũng như định hướng của bản thân. Thêm vào đó, chúng ta cần biết nói lời từ chối khi cần thiết và không nên ôm đồm quá nhiều.
“Các bạn cần phải lý trí để quyết định xem nên ưu tiên cái nào trước. Sổ tay hay các ứng dụng lập kế hoạch trên điện thoại rất hiệu quả trong việc quản lý thời gian. Đối với mỗi công việc, càng chia nhỏ được các nhiệm vụ càng tốt và hãy cố gắng hoàn thành chúng đúng hạn. Khi đó, ta sẽ có hứng để tiếp tục những công việc sau đó”, cô chia sẻ.
Lý do chọn ngành Quản trị kinh doanh
Sở hữu nhiều thành tích liên quan đến các ngành STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học), Hương Thanh từng có dự định theo đuổi ngành Công nghệ thông tin (IT). Tuy nhiên, sau nhiều trải nghiệm, đặc biệt có những lần phải ngồi lập trình (code) tới 2-3 giờ sáng, sức khỏe của cô đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cô quyết định sẽ không trực tiếp theo đuổi các ngành STEAM.
Ngoài ra, cô nhận thấy bản thân là người hoạt ngôn, hòa đồng, vui vẻ và có khả năng kết nối mọi người. “Khi mới lên lớp 10, mình đã chào tất cả những người mình gặp ở trường. Điều đó đã giúp mình quen được khá nhiều bạn bè mới và anh chị khóa trên. Các bạn thậm chí còn gọi mình là ‘Bộ trưởng Bộ Ngoại giao’ nữa”, Thanh nhớ lại.
Cô từng là thành viên ban Truyền thông của đội tuyển Việt Nam tại FGC, chịu trách nhiệm quản lý các tài khoản mạng xã hội, hoạt động tương tác trực tuyến và tài liệu truyền thông của cả đội. Thay vì trở thành một kỹ sư IT, cô muốn trở thành một người tiên phong, truyền cảm hứng và dẫn dắt các bạn trẻ có đam mê tới các ngành STEAM.
Cô cũng là Trưởng ban Truyện ngắn của câu lạc bộ Nguyen Gia Thieu Journal Club nhiệm kỳ 2021-2022 và là cây bút nổi bật trên một nền tảng viết truyện dành cho giới trẻ. Với niềm yêu thích nấu ăn và làm bánh, cô đã tự mở và vận hành một cửa hàng bánh ngọt tự làm (handmade) trực tuyến vào hè năm lớp 10. Công việc này giúp cô học được cách tìm kiếm khách hàng tiềm năng, chăm sóc khách hàng hay cách tối ưu hóa lợi nhuận.
Các giải thưởng và hoạt động trước đó đa số đều liên quan đến STEAM, nên có không ít trở ngại trong hành trình chinh phục học bổng ngành Quản trị kinh doanh. Ngay từ bản nháp đầu tiên của bài luận, người hướng dẫn (mentor) của cô đã hoài nghi: “Em có chắc mình đang ứng tuyển ngành Quản trị kinh doanh không? Bài luận này giống các ứng viên nộp ngành Khoa học máy tính hơn”.
Sau nhiều lần cân nhắc và chỉnh sửa, cô đã tìm ra cách liên kết các giải thưởng, hoạt động ngoại khóa liên quan đến STEAM trước đó và Kinh doanh, để tạo nên câu chuyện riêng biệt của chính bản thân mình.
Thành tích ở cấp độ quốc tế đã giúp hồ sơ của Hương Thanh được vào thẳng vòng phỏng vấn học bổng của Trường Đại học VinUni. Tại vòng phỏng vấn, cô bị bất ngờ bởi nhiều câu hỏi không ngờ tới.
Hội đồng phỏng vấn đặc biệt chú ý tới chữ “A” (Art - Nghệ thuật) của cụm từ STEAM mà cô sử dụng trong hồ sơ. Bởi mọi người thường nghe đến STEM nhiều hơn là STEAM. Hoặc khi giới thiệu bản thân, cô đã nhắc tới việc viết tiểu thuyết như một sở thích cá nhân. Hội đồng phỏng vấn đã ghi nhớ điều này và đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề đó.
Nhận được mức học bổng 70% (khoảng 2,1 tỷ đồng) cho bốn năm học cử nhân, Hương Thanh cho biết: “Thú thực kỳ vọng ban đầu của mình cao hơn, nên khi đọc thư thông báo mức học bổng, mình đã hơi run và đôi chút thất vọng. Tuy nhiên, cảm xúc đó nhanh chóng qua đi. Mình thấy tự hào vì bản thân đã dám thử điều mà trước đó mình chưa từng nghĩ tới”.