Nữ sinh dân tộc thiểu số 'nặng lòng' với những khúc hát dân ca
Lớn lên nhờ những câu hát dân ca Xoỏng, ngay từ nhỏ Lò Thị Nhẹp đã ấp ủ tình yêu và mong muốn góp phần giữ gìn, đưa làn điệu của đồng bào dân tộc Mảng ngày càng vươn xa.
Tự cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm
Lò Thị Nhẹp (lớp 11B1, Trường THPT Nậm Nhùn) là người con dân tộc Mảng đang sinh sống tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Dân tộc Mảng có số dân dưới 10.000 người và chỉ sinh sống duy nhất tại tỉnh Lai Châu. Đây là một trong số những dân tộc rất ít người tại Việt Nam được xếp vào nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù.
Người dân tộc Mảng sinh sống ở thượng nguồn sông Đà, mỗi ngày đều hòa mình vào cây cỏ, sông suối nên con người nơi đây có sự hồn nhiên, phóng khoáng của núi rừng. Cũng từ đây, các làn điệu dân ca được hình thành và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Các bài hát thường được sử dụng trong nhiều phương diện của đời sống: từ các nghi thức tín ngưỡng dân gian đến lễ, tết, ngày hội, trong sinh hoạt cộng đồng… Nó không chỉ thể hiện tình cảm, đời sống tinh thần phong phú mà còn giúp người nghe hiểu hơn về lịch sử, địa lí, môi trường sinh thái tộc người.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nét văn hóa đặc sắc này của người Mảng đang dần bị mai một. Trước tình trạng ấy, cô nữ sinh lớp 11 Lò Thị Nhẹp đã ấp ủ trong mình một dự án lớn lao, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của làn điệu dân ca Xoỏng.
Nhẹp chia sẻ: “Là một người con của dân tộc Mảng, em thấy những nét văn hóa của dân tộc mình rất đặc sắc. Nhưng những người biết hát dân ca còn rất ít, đa số là người cao tuổi, còn các bạn trẻ hiện nay không có nhiều cơ hội để biết đến dân ca Xoỏng. Lại là một dân tộc ít người nên em luôn mong muốn lan tỏa văn hóa của dân tộc Mảng đến nhiều người, em coi đó là một trách nhiệm. Dự án Bảo tồn điệu hát dân ca Xoỏng của dân tộc Mảng với học sinh ở Trường THPT Nậm Nhùn cũng từ đó mà ra đời”.
Thắp ngọn lửa tình yêu văn hóa dân tộc
Để thực hiện dự án, Nhẹp đã liên kết với những bạn bè cùng là người dân tộc Mảng, tìm về các bản làng có những nghệ nhân biết hát dân ca Xoỏng. Nhóm đã cùng nhau ghi chép, quay lại những video về dân ca Mảng sau đó nhờ người am hiểu thẩm định. Cuối cùng, Nhẹp cùng các bạn cùng nhau thành lập đội văn nghệ tại trường, tập luyện và biểu diễn.
Theo nữ sinh lớp 11 ấy, trong quá trình thực hiện, nhóm gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do số người biết hát dân ca Xoỏng còn rất ít lại sống rải rác tại nhiều nơi nên mỗi lần đi lấy tư liệu mất rất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, những bài dân ca đều là tiếng Mảng cổ nên rất khó phát âm, hiểu nghĩa và nhớ lời, do đó quá trình dạy lại cho các bạn trẻ cũng không mấy dễ dàng. “Phải thực sự cảm thấy yêu thích và say mê tìm hiểu, tập luyện thì mới có thể thuộc lời và hát được”, Nhẹp cho biết thêm.
Khó khăn là vậy nhưng với sự quyết tâm của sức trẻ, dự án nghiên cứu của Lò Thị Nhẹp đã được lan tỏa rộng rãi, giúp cho nhiều học sinh trong và ngoài Trường THPT Nậm Nhùn biết đến làn điệu dân ca Xoỏng. Từ đó nâng cao ý thức của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Mảng, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trên miền đất địa đầu của Tổ quốc.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt thời gian dài, dự án Bảo tồn điệu hát dân ca xoỏng của dân tộc Mảng với học sinh ở Trường THPT Nậm Nhùn của Lò Thị Nhẹp và các bạn đã đạt giải Nhì trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật của tỉnh Lai Châu.
“Em tự hào khi biết sự cố gắng nhỏ bé của bản thân đã góp phần bảo tồn văn hóa cộng đồng dân tộc mình. Những điệu hát của dân tộc Mảng truyền từ đời này qua đời khác là những yếu tố văn hóa mang tính cội nguồn cần được bảo tồn, trân trọng. Em ý thức rằng mình cần có trách nhiệm giữ gìn và lan tỏa tình yêu đến các thế hệ trẻ để cùng chung tay bảo vệ và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”, nữ sinh người dân tộc Mảng bày tỏ.
Lò Thị Nhẹp cũng chính là một trong 143 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2023 được tham dự Lễ tuyên dương và nhận bằng khen từ Ủy ban dân tộc.