Nữ sinh Greenwich Việt Nam chinh phục học bổng trao đổi quốc tế, truyền tải giá trị nhân văn qua dự án giáo dục
Phạm Thị Kiều Oanh (sinh năm 2003) là sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị Truyền thông tại Đại học Greenwich Việt Nam, cơ sở Hồ Chí Minh. Nữ sinh nổi bật với hành trình học tập và cống hiến ấn tượng khi sở hữu học bổng Green Talent 70% và đại diện Việt Nam tham gia Greenwich Global Summer School 2023 tại Anh. Cô còn ghi dấu ấn với vai trò diễn giả TEDx, Trưởng Ban Nội dung TEDx tại Huế và giáo viên tình nguyện dự án 'Ước Mơ Xanh'.
Từ tuổi thơ mất mát đến hành trình trưởng thành đầy cảm hứng
Kiều Oanh chia sẻ rằng, cuộc sống của cô từng trải qua không ít khó khăn, nhưng chính những gian nan ấy đã định hình nên con người cô hôm nay. Sinh ra và lớn lên tại một thị xã nhỏ ở Huế, tuổi thơ của Kiều Oanh thiếu cơ hội tiếp xúc với ngoại ngữ hay các tiến bộ hiện đại. Mất mát lớn đầu đời xảy ra khi cha qua đời, cô cùng mẹ chuyển về thành phố sống cùng anh trai và bắt đầu một cuộc sống mới.
Những năm tháng tuổi thơ đầy biến động đã mang đến cho Kiều Oanh không ít thử thách, đặc biệt là khi phải hòa nhập trong môi trường hoàn toàn mới. Cô nhớ về những lớp học tiếng Anh đầu tiên, nơi ngôn ngữ xa lạ trở thành trở ngại lớn đối với một cô bé 7 tuổi. Tuy nhiên, chính sự "xê dịch" cả về không gian lẫn cảm xúc lại trở thành từ khóa quan trọng, giúp cô vượt qua những mất mát, khám phá bài học và nắm bắt cơ hội.
Nhìn lại hành trình đã qua, Kiều Oanh tâm niệm: “Mọi thứ không diễn ra với bạn, chúng diễn ra cho bạn”. Chính những đau thương và sự hy sinh của mẹ đã giúp cô nhận ra giá trị của những điều đủ đầy, biết trân trọng thành quả đạt được và mạnh mẽ đối mặt với thử thách của tuổi trưởng thành. Những mất mát không khiến cô gục ngã mà trở thành động lực để cô không ngừng tiến về phía trước.
Kiều Oanh cho biết, niềm yêu thích truyền thông xuất phát từ những giá trị sâu sắc và khả năng tạo nên những thay đổi kỳ diệu mà lĩnh vực này mang lại. Đối với cô, truyền thông không chỉ là công cụ hướng thông tin ra bên ngoài mà còn giúp mỗi cá nhân kết nối sâu sắc với chính mình. Là người tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục và văn hóa, Kiều Oanh luôn nỗ lực khai thác truyền thông như một phương tiện bền vững, lan tỏa hệ giá trị tích cực đến cộng đồng.
Khi còn là học sinh đội tuyển Văn, Kiều Oanh đặc biệt hứng thú với những triết lý Phật giáo, văn hóa và giáo dục trong các thời kỳ. Đam mê tìm tòi đã giúp cô không ngừng mở rộng hiểu biết và khám phá mối liên kết thú vị giữa những lĩnh vực này, từ đó áp dụng vào học tập, đời sống và cả các hoạt động giao lưu văn hóa sau này. Với Kiều Oanh, mọi trải nghiệm đều là cơ hội để học hỏi và trưởng thành.
Biến mỗi trải nghiệm học thuật thành bước đệm cho những dự án ý nghĩa
Trong suốt ba năm học tại Đại học Greenwich Việt Nam, Kiều Oanh đã không ngừng thử sức và tỏa sáng trong nhiều cuộc thi học thuật, dự án nghiên cứu và các sự kiện cộng đồng. Điều đặc biệt là cô không đặt nặng số lượng hay mục tiêu cụ thể phải đạt được, mà thay vào đó, luôn tìm kiếm giá trị từ những trải nghiệm đa dạng. Với cô, tư duy là yếu tố quan trọng nhất mà môi trường đại học đã định hình – một tư duy cởi mở, kết nối và tìm kiếm sự khác biệt để tạo ra những giá trị bền vững.
Những trải nghiệm của Kiều Oanh không chỉ dừng lại ở giảng đường mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau. Cô đã tham gia tổ chức các sự kiện như TEDx, làm diễn giả, đại sứ truyền thông cho các dự án sinh viên, tình nguyện viên tại các chương trình thúc đẩy du lịch và sáng tạo bền vững như Vietnam Innovation Summit, và đồng hành cùng các hoạt động văn hóa, giáo dục trong cuộc thi sắc đẹp quốc tế Miss Charm. Đặc biệt, cô còn xuất sắc tham gia giải quyết các bài toán thực tế tại cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp toàn cầu Enterprise Challenge.
Những trải nghiệm ấy không chỉ giúp Kiều Oanh mở rộng kết nối với các chuyên gia, thầy cô và bạn bè đồng hành, mà còn mang lại cơ hội để cô thực hiện các dự án ý nghĩa. Một trong những dấu ấn đáng nhớ là nghiên cứu khoa học về "Ảnh hưởng của Chương trình Giáo dục Cộng đồng đối với Trí tuệ Cảm xúc ở sinh viên trong hệ thống FPT Việt Nam" mà cô cùng nhóm đã thực hiện thành công. Với tư duy không ngừng tìm kiếm sự đổi mới và giá trị cốt lõi, Kiều Oanh đã biến thời gian học đại học thành bệ phóng vững chắc cho những hành trình lớn lao hơn trong tương lai.
Đề tài nghiên cứu của Kiều Oanh và nhóm tại RESFES 2024 đã mang lại những kết quả ý nghĩa và nhiều góc nhìn giá trị. Với sự hướng dẫn tận tâm từ cô Phạm Uyên Phương Thảo, nhóm đã hoàn thành nghiên cứu trong 4 tháng và xuất sắc trở thành một trong hai đội đại diện Tiểu ban Quản trị Kinh doanh của Greenwich Việt Nam cơ sở Sài Gòn tham gia chung kết cuộc thi Nghiên cứu Khoa học RESFES do Đại học FPT tổ chức.
Trong quá trình thực hiện, nhóm đã tiến hành khảo sát và phỏng vấn các giảng viên, trong đó có thầy Raul Moretti, người đã chia sẻ một quan điểm sâu sắc: sinh viên ngày nay dễ bị cuốn vào những giá trị mang tính trao đổi (transactional), khiến ý nghĩa thực sự của các hoạt động xã hội có nguy cơ bị mờ nhạt. Góc nhìn này đã khiến Kiều Oanh suy ngẫm nhiều và thôi thúc cô cùng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh giá trị bền vững của giáo dục cộng đồng – không chỉ là trao đổi kiến thức, mà còn là hành trình giúp sinh viên phát triển trí tuệ cảm xúc, sự thấu cảm và khả năng kết nối với cộng đồng.
Qua nghiên cứu, Kiều Oanh mong muốn gửi gắm thông điệp rằng giáo dục cộng đồng là cầu nối quan trọng để sinh viên không chỉ hiểu rõ bản thân mà còn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội. Đây chính là nền tảng để thế hệ trẻ phát triển toàn diện, vượt ra khỏi khuôn khổ của những giá trị ngắn hạn, hướng đến những đóng góp ý nghĩa và lâu dài cho xã hội.
Hành trình khởi xướng dự án túi da thuần chay sau những “trải nghiệm xanh” tại Anh Quốc
Học bổng toàn khóa Green Talent 70% đã mang đến cho Kiều Oanh không chỉ sự hỗ trợ tài chính đáng kể, giúp cô tập trung hoàn toàn vào việc học, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân tại Đại học Greenwich Việt Nam. Đặc biệt, học bổng trao đổi Greenwich Global Summer School tại nước Anh đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình trải nghiệm và khám phá của cô.
Trong chuyến đi kéo dài 15 ngày, Kiều Oanh không chỉ được học hỏi về văn hóa Anh mà còn có cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế, quan sát và trải nghiệm những nếp sống xanh đầy ý thức của người dân địa phương. Một kỷ niệm đáng nhớ là lần cô đến siêu thị và nhận ra túi đựng không được phát miễn phí – thay vào đó, người mua cần tự mang theo túi tái sử dụng hoặc mua túi tại cửa hàng. Chính lối sống trách nhiệm và thân thiện với môi trường này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ để Kiều Oanh ấp ủ ý tưởng xây dựng các mô hình thời trang tái chế và thời trang bền vững tại Việt Nam.
Sau khi trở về, cô đã chia sẻ ý tưởng với nhóm bạn và cùng thầy Phúc – người hướng dẫn nhóm, bắt tay vào phát triển dự án sản xuất túi da thuần chay từ thanh long. Đây là sản phẩm tận dụng rác thải từ các bãi thanh long bị bỏ đi, đồng thời thay thế da động vật bằng nguyên liệu thuần thiên nhiên, hướng tới bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động lên động vật. Dự án không chỉ thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo mà còn mang tầm nhìn xa về việc thúc đẩy các sáng kiến liên ngành trong tương lai.
Lan tỏa giá trị giáo dục qua dự án “Ước Mơ Xanh” tại Hà Giang
Trong vai trò giáo viên tiếng Anh tình nguyện của dự án “Ước Mơ Xanh” tại Hà Giang, Kiều Oanh đã có cơ hội thấu hiểu sâu sắc những khó khăn mà các em nhỏ dân tộc thiểu số đang phải đối mặt. Với hoàn cảnh đặc biệt, các em không chỉ gặp trở ngại khi học tiếng Việt – ngôn ngữ thứ hai của mình – mà còn phải tiếp thu một ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với nhiều học sinh tại vùng núi xa xôi này.
Dẫu vậy, Kiều Oanh luôn cảm nhận được sự nỗ lực không ngừng từ các em nhỏ. Những câu chuyện như học sinh phải đi bộ qua nhiều ngọn núi để đến lớp hay ở lại trường trong những ngày trời mưa khiến cô không khỏi xúc động. Hình ảnh các em chăm chú nghe giảng, lặp lại ngây ngô từng từ cô dạy là nguồn động lực lớn lao giúp nữ sinh không ngừng cố gắng và tận tâm với từng buổi học.
Với Kiều Oanh, giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình gieo hy vọng và khơi dậy niềm tin về một tương lai tốt đẹp. “Mình không kỳ vọng có thể thay đổi mọi thứ, nhưng nếu có thể giúp một em nhỏ nhìn thấy giá trị của ước mơ, điều đó đã là thành công lớn”, cô chia sẻ.
Tham gia dự án “Ước Mơ Xanh” không chỉ giúp Kiều Oanh lan tỏa giá trị giáo dục mà còn giúp cô nhận ra rằng những hành động nhỏ bé có thể tạo nên những thay đổi lớn. Lần đầu tiên được gọi là “cô giáo” bởi những tiếng nói thân thương ấy đã giúp cô xác định rõ sứ mệnh của mình: “Tiếp tục lan tỏa giá trị của giáo dục, để giúp đỡ và thay đổi cuộc đời của nhiều người hơn nữa”.
Biến sợ hãi thành động lực để vươn xa
Khi còn là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Văn Quốc gia, Kiều Oanh từng nhận được một đề bài sâu sắc khiến cô ghi nhớ mãi: “Sợ hãi cũng là một điều hay, bởi khi còn sợ, nghĩa là mình vẫn còn một thứ quý giá gì đó để lo mất”. Câu nói ấy đã giúp cô thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về nỗi sợ - điều mà không ít người trẻ ngày nay đều trải qua.
Theo Kiều Oanh, sự sợ hãi không chỉ là một cảm giác tiêu cực mà còn là minh chứng cho những điều đáng giá mà chúng ta muốn bảo vệ hoặc hướng tới. Đối diện với những trải nghiệm mới hay thử thách chưa từng biết rõ, nỗi sợ chính là dấu hiệu cho thấy phía trước vẫn còn những đỉnh cao để chinh phục, những mục tiêu để phấn đấu.
Thay vì trốn tránh, cô kêu gọi thế hệ trẻ hãy can đảm đương đầu với nỗi sợ. Điều thúc đẩy sự trưởng thành không chỉ đến từ các giá trị giao dịch hay lợi ích ngắn hạn mà là những giá trị chuyển hóa bền vững và sâu sắc hơn. Khi cùng nhau hợp tác và tạo nên những dự án có ý nghĩa thực sự cho cộng đồng, mỗi cá nhân không chỉ vượt qua nỗi sợ của bản thân mà còn trưởng thành, tạo ra sức ảnh hưởng tích cực và giá trị sống động cho xã hội.
Kiều Oanh tin rằng bất kể là một nhà giáo dục, một người trẻ đam mê khám phá hay một sinh viên đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, tất cả đều có khả năng làm nên sự khác biệt. Thông qua giáo dục, tính bền vững và sự kết nối chân thành, chúng ta có thể biến nỗi sợ thành động lực, soi sáng con đường phía trước và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.
“Sợ hãi không phải là giới hạn mà chính là cơ hội để bước ra khỏi vùng an toàn, tạo nên hành trình ý nghĩa của riêng mình và vươn xa hơn trong tương lai”, Kiều Oanh kết lời.