Nữ sinh Hải Phòng chia sẻ bí quyết đạt 27,5 điểm tổ hợp KHXH chỉ sau 40 ngày ôn luyện
Chỉ sau hơn 1 tháng ôn luyện, Vũ Bích Ngọc đã đạt số điểm cao chót vót nhờ mẹo học tập hiệu quả.
Chọn trường, chọn ngành học luôn là vấn đề đau đầu của nhiều học sinh. Bởi điều này quyết định tới công việc tương lai của các em sau này. Vì thế, ngay trong những năm học phổ thông, học sinh đã được thầy cô, gia đình tư vấn để lựa chọn ngành học phù hợp. Dù học khối nào, thi ngành nghề gì thì các em cũng cần dốc hết sức để ôn tập thật tốt, trang bị kiến thức cùng kỹ năng ngay từ khi mới vào cấp 3.
Nhưng vẫn có nhiều trường hợp "quay xe" phút chót của học sinh, nghĩa là các em thay đổi nguyện vọng khối thi/ngành học/trường đại học khi chỉ còn ít ngày nữa là bước vào kỳ thi. Trong trường hợp này, các em không tránh khỏi tâm lý hoang mang và phải nỗ lực rất nhiều để tiếp thu kiến thức trong thời gian ngắn. Đó là câu chuyện của Vũ Bích Ngọc. Vượt lên tất cả, Ngọc đã đạt được 27,5 điểm tổ hợp KHXH chỉ trong 40 ngày ôn luyện.
Vũ Bích Ngọc
Vũ Bích Ngọc (SN 2002), quê Hải Phòng. Hiện Ngọc là sinh viên năm 2 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ngọc chia sẻ thời điểm vào cấp 3, gia đình không đồng ý cho học đại học ở Hà Nội. Vì thế, khi đăng ký khối học tại THPT, Ngọc đã "yên phận" chọn khối A để thi vào một trường Đại học ở Hải Phòng (trường đó chỉ tuyển khối học tự nhiên nên dù học yếu Toán, Vật lý, Hóa học nhưng Bích Ngọc vẫn phải đăng ký).
Đến trước ngày thi đại học khoảng 40 ngày, Bích Ngọc mới quyết định bằng mọi giá phải lên Hà Nội để thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Vì thế, nữ sinh đã "bẻ lái" học sang khối C15 (Toán, Ngữ văn, tổ hợp KHXH). "Áp lực lớn nhất lúc đó là lượng kiến thức rất lớn, em phải học đều cả 5 môn. Trong đó có đến 4 môn phải học lại từ đầu, bao gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nhưng bù lại việc có cơ hội lên Hà Nội để học trường Báo đã giúp em có thêm động lực để cố gắng gấp đôi, gấp ba so với các bạn khác"- Ngọc chia sẻ.
Nhờ chăm chỉ, cố gắng, kỳ tích đã đến khi Bích Ngọc đỗ vào ngôi trường mơ ước từ lâu, trở thành tân sinh viên trường Báo. "Em rất hạnh phúc khi được học tập và thực hành trong môi trường nghiệp vụ năng động, trẻ trung và chuyên nghiệp", nữ sinh hào hứng cho biết.
Từ kinh nghiệm của mình, Bích Ngọc đã chia sẻ chi tiết về các mẹo học tập giúp đạt điểm cao ở bài thi tổ hợp KHXH. Ngọc thi đại học năm 2020 với kết quả Lịch sử 9,25; Địa lý 9,25; GDCD 9 điểm. Ngọc chuyển từ ban A sang ban C và học lại từ đầu trong 40 ngày trước khi kỳ thi diễn ra. Cách học cụ thể của Ngọc, như sau:
1.Lịch sử
Có thể đây là môn khó nhất trong tổ hợp KHXH nhưng lại là môn mình học chắc nhất. Thời điểm bắt đầu học lại Lịch sử, mình đã bỏ qua bước học lý thuyết SGK mà lập tức lao vào làm đề luôn. Đương nhiên là nhận về 0 điểm, 1 điểm, 2 điểm. Nhưng mưa dầm thấm lâu, mình làm xong đề nào, mình học thuộc đề đó (học thuộc kiến thức, không phải học thuộc lòng). Một ngày mình làm 20 đề, bị 20 lần 2 điểm nhưng mình đã học thuộc kiến thức trong 20 đề ấy.
Và mình liên tiếp LÀM ĐỀ, CHỮA ĐỀ, HỌC THUỘC. Sau đó, mình lên dần 3 điểm, 5 điểm, 8 điểm, 9,5 điểm. Lúc này, mình đã nắm được kha khá kiến thức Lịch sử để thi đại học (mình nắm kiến thức trong dạng câu hỏi trắc nghiệm vì gần như đã thuộc tất cả những đề từng làm. Vì thế, mình giải đề Lịch sử đại học trong đúng 10 phút).
Sau đó, mình mới mở SGK và đọc lại từ đầu. Cách học này rất ngược. Người ta học lý thuyết rồi thực hành nhưng mình thực hành trước (đi từ người mù, con số 0 đến lúc thực hành thành thạo, làm theo trí nhớ). Sau đó, mình mới quay lại "đắp" dần lý thuyết trong SGK vào. Cách học này rất hiệu quả với mình. Thầy cô cũng rất bất ngờ trước phương pháp học này nhưng không sao, cứ tự lực đạt điểm cao là được.
2.Địa lý
Không được sai những câu dùng Atlat. Atlat là câu cho điểm. Vì thế, hãy tập xem Atlat, luyện câu hỏi trong Atlat để xem cho nhanh. Vì tìm núi, biển, sông, hồ rất mất thời gian nên gần như không đủ thời gian để vừa tra Atlat vừa tô trắc nghiệm.
Ngoài ra, các bạn cần chú ý học Địa lý theo vùng. Hãy kẻ bảng phân tích theo các vùng như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long,… theo điều kiện tự nhiên, kinh tế,… đã được thầy cô dạy. Điều cuối cùng là phải chăm LUYỆN ĐỀ, CHỮA ĐỀ. "Cần cù bù thông minh", các cụ nói câu này không sai.
3.Giáo dục công dân
Đây là môn dễ sai linh tinh nhất. Môn này không được chủ quan. Hãy HỌC THUỘC LÝ THUYẾT (làm tầm 40 đề là thuộc lý thuyết ngay, vừa làm vừa học thuộc những lỗi sai). Tiếp theo, hãy chăm chỉ LUYỆN CÂU HỎI TÌNH HUỐNG (đôi khi câu hỏi có "bẫy" mà mình chủ quan bỏ qua nên mới sai, hoặc đọc không kỹ. Người ta hỏi ai là người sai thì mình đi tìm ai là người đúng).
Tóm lại, mấu chốt là HÃY CHĂM LUYỆN ĐỀ, CHỮA ĐỀ, HỌC THUỘC CÂU SAI. Hãy làm đều đặn 20 đề Lịch sử, 10 đề Địa lý, 10 đề GDCD thì đừng nói là 27,5 điểm, 30 điểm cũng trong tầm tay của các sĩ tử.
Còn một nguồn nữa, đó là các kênh Youtube miễn phí, hãy lên đó xem thầy cô giải đề đại học và ghi chú lại kiến thức hay quên. Các bạn thí sinh hãy nhớ câu "cần cù bù thông minh" nhé!