Nữ sinh Học viện Báo chí: 'Chưa bao giờ là quá muộn để học cách yêu bản thân'

Lê Trà My hiện là sinh viên năm 2 chuyên ngành Truyền thông Đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từng có khoảng thời gian Trà My bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tinh thần và sau đó là một hành trình dài học cách chữa lành. Cô bạn giờ đây đã biết yêu bản thân và trân trọng những gì mình đang có. Trải nghiệm về hành trình đi tìm giá trị bản thân của cô là nguồn động lực cổ vũ tinh thần cho rất nhiều bạn trẻ đang phải đối mặt với những áp lực vô hình trong cuộc sống.

Trà My là sinh viên chuyên ngành Truyền thông Đại chúng - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Trà My là sinh viên chuyên ngành Truyền thông Đại chúng - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Cái mác “bình thường” theo mình suốt 19 năm cuộc đời

Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình với nền tảng kinh tế vừa đủ, đủ để cho mình ăn học và không thiếu thốn thứ gì. Tuy vậy, mình phải thú thật rằng, ngày còn bé mình đã từng rất ghen tị với bạn bè đồng trang lứa, vì nhà mình…bé quá! Ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 29 mét vuông, nằm trong con ngõ nhỏ của một gia đình với 4 người sinh sống.

Mình nhớ ngày bé, bạn bè ai cũng được xem chương trình “Hai anh chuối mặc Pijama” trên kênh Bibi và cùng nhau bàn tán sôi nổi trên lớp, còn mình chỉ biết lẳng lặng lắng nghe… vì nhà mình không có TV kết nối cáp. Nhận thức được việc điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả, khao khát và ước mơ trong mình dần nhen nhóm. Cô bé mới chỉ 6 tuổi khi ấy đã nhận thức được việc mình cần phải cố gắng để thành công sớm hơn so với các bạn đồng trang lứa.

Sự “bình thường" trở thành nguồn động lực thúc đẩy cô trong cuộc sống.

Sự “bình thường" trở thành nguồn động lực thúc đẩy cô trong cuộc sống.

Thế là cô bé Trà My ở những năm cấp 1 đã biết “lao đầu vào mà học”, dù bố mẹ không thúc ép cũng chẳng hề áp đặt. Bố mẹ mình là dân lao động thuộc thế hệ xưa, chỉ được học hết phổ thông, phải bươn chải từ sớm. Gia đình mình khi ấy không có điều kiện cho mình học thêm ở ngoài nhiều, hầu hết mọi kiến thức mình có được đều đến từ sách vở. Dù bố mẹ chẳng bao giờ chia sẻ, nhưng mình biết ước mơ, niềm hy vọng lớn lao nhất của bố mẹ chính là mình.

“Vùi đầu” vào việc học là vậy nhưng những thành tích đạt được vẫn chưa đủ khiến mình hài lòng. Cấp 1 mình được chọn đi thi học sinh giỏi nhưng chỉ dừng lại với thành tích giải Nhì, giải Ba cấp trường. Giai đoạn chuyển cấp, mình thi đỗ nguyện vọng 1 vào ngôi trường cấp ba mình mong muốn nhưng cũng chỉ là một ngôi trường công lập không chuyên.

 Việc học đã từng là nỗi lo lắng của My suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường.

Việc học đã từng là nỗi lo lắng của My suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 có lẽ là bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Mình vẫn nhớ như in cảm giác ngày nào cũng phải cặm cụi trên bàn học 10 tiếng đồng hồ. Có những lúc mình hoài nghi về năng lực của bản thân, chỉ mường tượng tới viễn cảnh trượt Đại học đã đủ khiến mình muốn bỏ cuộc vì kiệt sức, nhưng rồi sau cùng, thành quả mình đạt được hoàn toàn xứng đáng. Mình đã đỗ chuyên ngành Truyền thông đại chúng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền với một số điểm như mong muốn. Từ đây, mình biết, cuộc sống của mình sẽ bước sang một trang khác. Mình sẽ được theo đuổi ngành nghề mình yêu thích, được làm quen với môi trường mới, và trên cả, đó là có cơ hội được sống hết mình với tuổi trẻ.

Trà My chia sẻ, cô đặc biệt yêu thích chuyên ngành mình đang theo đuổi bởi tính ứng dụng cao và môi trường học năng động.

Trà My chia sẻ, cô đặc biệt yêu thích chuyên ngành mình đang theo đuổi bởi tính ứng dụng cao và môi trường học năng động.

Hà khắc với bản thân liệu có phải là lựa chọn đúng đắn?

Trường Báo là ước mơ, là khát khao, là hy vọng của mình. Với một tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng được cống hiến, khi được trở thành tân sinh viên khóa 41 của trường, mình đã không ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn và thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực như trở thành thành viên ban MC ở CLB Phát Thanh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Điều mà mình những tưởng sẽ không thể nào làm được bởi nỗi sợ khi đứng trước đám đông. Những tiết thực hành trên lớp giúp mình có thêm nhiều trải nghiệm khi được tự tay sản xuất những thước phim ngắn, làm tạp chí và viết bài phỏng vấn… Thế nhưng năm nhất cũng là thời điểm mình rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, đây là khoảng thời gian cả sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của mình đi xuống một cách trầm trọng.

Trà My luôn năng nổ trong các hoạt động của trường lớp.

Trà My luôn năng nổ trong các hoạt động của trường lớp.

Vì tính chất các môn học trên Đại học khác rất nhiều so với môi trường phổ thông, chủ yếu phải tự học và làm bài tập nhóm nên thời gian đầu mình đã rất chật vật. Mình đi theo lối mòn của phương pháp học cấp ba, “cần cù bù thông minh”, học từ 8 - 10 tiếng một ngày. Nhưng vì chỉ học theo cách thức học thuộc lòng mà không hiểu gốc rễ vấn đề nên có học nữa, học mãi, kiến thức cũng không đọng lại. Và thế là mình càng rơi vào bế tắc, học đến mức quên chăm sóc bản thân. Việc ngồi sai tư thế quá lâu dẫn đến hậu quả mình bị viêm xương chậu nhẹ. Tệ hơn nữa, mình đã phải bỏ dở việc học để vào viện chữa trị vì bị viêm tai, xem thường sức khỏe.

Khoảng thời gian ấy, sức khỏe tinh thần của mình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chứng lo âu. Mình phải đối mặt với với vấn đề “peer pressure” - áp lực đồng trang lứa ngay trong chính môi trường học. Mình may mắn vì được học trong lớp toàn những bạn giỏi. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc mình luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ “ mình không giỏi bằng các bạn". Từ trong sâu thẳm, mình luôn có cảm giác mình không xứng đáng để thành công cùng với nỗi sợ rằng mọi người sẽ “phát hiện” ra mình không tài giỏi tới mức ấy. Và thế là nỗi lo âu ấy cứ dai dẳng kéo dài đi với mình hết năm nhất.

Năm nhất là khoảng thời gian sức khỏe tinh thần và thể chất của Trà My đi xuống một cách trầm trọng.

Năm nhất là khoảng thời gian sức khỏe tinh thần và thể chất của Trà My đi xuống một cách trầm trọng.

Để rồi nhận ra khi “nỗ lực phản nỗ lực”

Sự nỗ lực phản nỗ lực đã khiến mình rơi vào trạng thái “toxic productivity” (năng suất độc hại) và “toxic positive” (tích cực độc hại). Đó là khi mình càng học, càng làm lại càng cảm thấy tệ đi. Mình luôn cố gắng lấp đầy khoảng thời gian trống trong ngày và sẽ cảm thấy rất “tội lỗi” nếu mình cho phép bản thân bất kì giây phút nào được nghỉ ngơi. Đó cũng là khi tâm lý mình không ổn định nhưng luôn phải tự lừa dối bản thân rằng “Không sao đâu, tí chuyện này nhằm nhò gì? Mình không thể yếu đuối thế được”. Đã có khoảng thời gian mình chỉ ngủ 5 tiếng một ngày, 19 tiếng còn lại mình như quay cuồng với việc học, làm bài mà mình cho là năng suất.

Vốn là một đứa trẻ suy nghĩ nhiều và có nội tâm phức tạp, phải trải qua giai đoạn này với mình là một điều không hề dễ dàng. Và thế là mình cứ “trượt dài” khi chỉ vừa mới bước qua tuổi 19, mình luôn cảm thấy không hài lòng với bản thân và cuộc sống xung quanh. Có lẽ vì vậy nên càng lớn, mình càng thấy tiêu cực mà quên mất đi chính mình của 13 năm về trước đã từng khát khao một cuộc sống mơ ước như thế nào.

Chậm lại một chút để tận hưởng hành trình mình đang đi

Nhận thức được việc mình đang rơi vào vòng luẩn quẩn của sự độc hại với bản thân, mình biết đã đến lúc mình cần phải thay đổi. Trước đây, mình cho rằng vì mình còn trẻ nên mình có thể ôm đồm và làm tốt tất cả mọi việc. Mình đã bị chủ nghĩa hoàn hảo làm cho kiệt sức để rồi nhận ra ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời, việc học cách sắp xếp cho mình thứ tự ưu tiên và chấp nhận những gì nó có thể đánh đổi là điều vô cùng cần thiết.

Việc sắp xếp lại thói quen sống và học tập đã giúp cho Trà My lấy lại được cân bằng.

Việc sắp xếp lại thói quen sống và học tập đã giúp cho Trà My lấy lại được cân bằng.

Sau vài lần đi bệnh viện và trở về với đống thứ thuốc là những ngày mình chỉ biết ôm mặt khóc rồi tự dằn vặt bản thân. Dần dần mình đã học cách chấp nhận sự “không hoàn hảo” - thứ luôn hiện hữu bên trong con người mình. Mình đã từng sợ cái mác “nhỏ bé” và “bình thường” nhưng giờ đây, mình biết yêu và trân quý chúng.

Tư duy này không đồng nghĩa với việc mình “chấp nhận” cuộc sống hiện tại của mình. Ngược lại, nó đang cho mình cơ hội để ngày một tốt đẹp hơn so với phiên bản mình của ngày hôm qua. Luôn cố gắng, nỗ lực học hỏi để hoàn thiện, soi chiếu bản thân từng ngày nhưng cũng không quên sống cho hiện tại để tận hưởng hành trình mình đang đi.

My cho rằng: “Mỗi khó khăn, thử thách phải trải qua đều là cơ hội để bản thân ngày một tốt đẹp hơn so với phiên bản chính mình của ngày hôm qua”.

My cho rằng: “Mỗi khó khăn, thử thách phải trải qua đều là cơ hội để bản thân ngày một tốt đẹp hơn so với phiên bản chính mình của ngày hôm qua”.

Sau thay đổi tư duy là gì?

Ngồi xuống và viết ra những vấn đề bản thân đang gặp phải, mình dần tháo gỡ từng nút thắt và lấy lại định hướng. Mình rút ra được một bài học lớn khi bị rối loạn lo âu vì “peer pressure” đó là: “Tất cả mọi người đều sẽ luôn phải thua kém một ai đó”! Và thế là mình học được cách so sánh lành mạnh, xác định rõ người mình so sánh chỉ nên là động lực. Khi đó, mình biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn thay vì lấy thước đo tiêu chuẩn thành công của người khác áp đặt lên bản thân.

Mình đã từng đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu, cơ hội để có thể ở bên cạnh những người thân yêu chỉ vì mình quá mải mê “chạy deadline”. Năng suất độc hại đã khiến mình mất cân bằng trong cuộc sống mà quên mất điều quan trọng hơn tất thảy: “Mình cần sống chứ không phải tồn tại”! Sau một vài những nghiên cứu thu thập được trên Internet, mình bắt đầu áp dụng những phương pháp như: có thời gian biểu thực tế, giới hạn thời gian làm việc và vui chơi, dừng lại nếu cơ thể phản ứng, quan tâm đến sức khỏe tinh thần và cuối cùng là không cố lấp đầy khoảng thời gian trống.

Chỉ vì quá tập trung vào công việc mà My đã đánh mất đi những ngày tháng được tận hưởng tuổi trẻ.

Chỉ vì quá tập trung vào công việc mà My đã đánh mất đi những ngày tháng được tận hưởng tuổi trẻ.

Sự thay đổi này kèm thêm những phương pháp học hiệu quả. “Pomodoro Technique” (phương pháp quả cà chua), tập trung trong một khoảng thời gian nhất định và có khoảng nghỉ ngắn thay vì liên tục trong một thời gian dài. Hay bộ đôi hoàn hảo “Active Recall” (chủ động gợi nhớ) và “Spaced Repetition” (lặp lại ngắt quãng) mình đang áp dụng đang giúp mình học một cách thông minh hơn thay vì “học vẹt” như trước.

Những thay đổi trong lối tư duy trên cùng những phương pháp “học cách học” đã thực sự “cứu” mình thoát ra khỏi văn hóa “nghiện công việc” và giúp mình học được cách cân bằng cuộc sống. Mình vẫn tập trung cao độ vào thứ tự ưu tiên của mình đó là việc học và làm, nhưng đồng thời mình vẫn sẽ dành cho bản thân những giây phút thư giãn sau một ngày dài để làm những thứ mình thực sự yêu thích. Đó là lúc mình được tận hưởng hành trình mình đang đi, biết ơn khi mình đang được sống để sống cho hiện tại và luôn hướng tới những điều tốt đẹp nhất.

Có một câu nói mà Trà My vô cùng tâm đắc: “You can have it all. Just not all at once” - “Bạn có thể có tất cả. Chỉ không phải tất cả cùng một lúc.” - Oprah Winfrey.

Có một câu nói mà Trà My vô cùng tâm đắc: “You can have it all. Just not all at once” - “Bạn có thể có tất cả. Chỉ không phải tất cả cùng một lúc.” - Oprah Winfrey.

Mình của hiện tại đã là phiên bản hoàn hảo nhất hay chưa? Chắc chắn là chưa. Nhưng khi nhìn lại mình trong quá khứ, so sánh cô bé My ở phiên bản chỉ 2 năm trước thôi và Trà My ở hiện tại, mình đã đi rất xa. 2 năm trước, mình sẽ chẳng tin khi có ai đó bảo mình sẽ trở thành một MC, sẽ đỗ vào ngành truyền thông của trường Báo, có cơ hội khi viết những chia sẻ này cho chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong. Hành trình đi tìm giá trị của bản thân mà mình trải qua là minh chứng rõ nhất cho thấy chỉ cần chúng ta học cách yêu bản thân mình trước tiên thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng ta.

Cô MC xinh xắn của Câu lạc bộ Phát thanh Sóng trẻ - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Cô MC xinh xắn của Câu lạc bộ Phát thanh Sóng trẻ - Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phương Hiền

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-hoc-vien-bao-chi-chua-bao-gio-la-qua-muon-de-hoc-cach-yeu-ban-than-post1469104.tpo