Nữ sinh năng động đem tiếng Anh về bản, đưa 'Tết Mông xuống phố'
Suốt những năm tháng đại học, Lồ Thị Sáy không chỉ luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân mà còn đem theo ước mơ giúp người dân quê hương có được cuộc sống tốt hơn.
Lồ Thị Sáy đang là sinh viên năm 4 ngành Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện, Sáy cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Thủ đô.
Khi gặp Sáy, ấn tượng đầu tiên là hình ảnh cô gái nhỏ bé với nụ cười tươi sáng, dễ gần. Bên trong dáng vẻ ấy có một nguồn năng lượng tích cực giúp cô theo đuổi và thực hiện mong muốn làm điều gì đó có ích cho quê hương.
Nữ sinh tích cực với hoạt động tình nguyện
Năm 2017, một mình xuống Hà Nội học đại học, Sáy gặp không ít khó khăn. Khác biệt về văn hóa, dân tộc khiến cô gái có phần lạc lõng. Nhưng vốn là người năng động, Sáy tham gia nhiều hoạt động tình nguyện của Đoàn trường và dần quen với môi trường mới.
Cũng bởi tinh thần hăng hái, tích cực, Lồ Thị Sáy bén duyên với Câu lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội lúc nào không hay. Năm 2019, khi Câu lạc bộ có nguy cơ dừng hoạt động, Sáy đã tự ứng cử và được các thành viên tín nhiệm, bầu là Chủ nhiệm.
“Mình thấy tiếc khi một Câu lạc bộ không phải nhỏ, đã được nhiều người biết đến phải dừng lại. Mình muốn Câu lạc bộ là ngôi nhà cho các bạn sinh viên Mông ở Hà Nội tìm đến, giống như mình ngày trước,” cô bạn chia sẻ.
Không chỉ là một Chủ nhiệm Câu lạc bộ đầy tâm huyết, Lồ Thị Sáy còn là một đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năng nổ. Ý thức được trách nhiệm của mình, Sáy kết hợp cùng Đoàn thanh niên xã Hoàng Liên (Lào Cai) tổ chức nhiều đợt thiện nguyện ở quê hương. Các hoạt động ý nghĩa như “Đông ấm,” “Mùa hè xanh,”... nhằm hỗ trợ phần nào trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Những món quà nhỏ như chiếc áo ấm, cuốn sách, quyển truyện, thùng mỳ,... cũng đủ mang tới niềm vui, tiếng cười cho bản làng xa xôi.
Lồng ghép trong chương trình là các tiểu phẩm bằng tiếng địa phương mang ý nghĩa giáo dục về: Nạn tảo hôn, bạo lực gia đình, khuyến khích các em nhỏ tới trường,... Đây là một phần trong kế hoạch đổi mới hoạt động của Câu lạc bộ, góp phần làm đẹp cho quê hương, bản làng của Sáy.
Tháng 1/2021, Sáy và câu lạc bộ sinh viên Mông đã kết nối với các đơn vị, để tổ chức chương trình “Tết Mông xuống phố” tại tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), thu hút hàng nghìn người tham gia. Chương trình là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa những người Mông ở Hà Nội, để các bạn trẻ có dịp ôn lại truyền thống, văn hóa dân tộc mình. Sáy tâm niệm rằng dù có đi xa đến đâu, học cao đến đâu thì con người vẫn phải luôn hiểu biết và có trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. “Tết Mông xuống phố” còn mang đến cho khách tham quan những tiết mục văn nghệ đậm chất dân tộc Mông, món ăn mang hương vị núi rừng, hay món đồ thổ cẩm được làm thủ công cầu kỳ.
Anh Lồ A Ềnh, Phó Bí thư Chi đoàn xã Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai) cho biết: “Sáy là người có kinh nghiệm, nhiệt huyết trong các hoạt động Đoàn tại quê hương. Khi lên Hà Nội học, bạn ấy vẫn luôn nhớ về quê mình, thường tham gia các hoạt động giúp đỡ cho quê hương, đó là một điều rất đáng trân trọng. Phần lớn người dân quê mình còn khó khăn nên khi nhận được món quà nhỏ như bộ quần áo, quyển sách, được học tiếng Anh miễn phí, ai cũng phấn khởi. Nếu có thêm nhiều bạn trẻ như Sáy sẽ là điều thật tuyệt vời.”
Mang tiếng Anh về bản
Được biết, Sáy có thể giao tiếp bằng tiếng Anh từ khi 7 tuổi nhờ những lần cùng bạn bè, anh chị đón khách du lịch nước ngoài. Lên lớp 11, Sáy đã tự tin làm hướng dẫn viên du lịch với vốn ngoại ngữ tự học. Công việc vừa cho Sáy thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, vừa học hỏi thêm kỹ năng giao tiếp. Khi đi làm hướng dẫn viên du lịch ở bản, Sáy luôn chọn mặc bộ đồ truyền thống của người Mông. Sáy bảo, cô muốn khách du lịch biết mình là người Mông, muốn họ biết đến vẻ đẹp của dân tộc mình từ những điều nhỏ bé nhất.
Vốn yêu thích ngoại ngữ và lại được đào tạo ngành sư phạm, cô nữ sinh người Mông mở lớp học tiếng Anh miễn phí để dạy cho các em nhỏ vào dịp hè. Tiếng lành đồn xa, từ những học sinh là các em, các cháu trong gia đình và hàng xóm, lớp học “tại gia” của cô giáo Sáy lớn dần, có lúc lên đến hơn 100 em, đủ các lứa tuổi cấp 1, cấp 2, cấp 3. Để có không gian cho tất cả mọi người, Sáy xin mượn lớp học trong bản để dạy miễn phí vào các buổi tối.
Vừa dẫn tour du lịch, vừa dạy học khiến kỳ nghỉ hè của cô sinh viên ngoại ngữ trở nên bận rộn hơn. “Có hôm dẫn tour về muộn, thấy các em chờ mình trước cửa từ lâu, dù mệt nhưng mình vẫn thấy vui. Chẳng kịp ăn tối mà vào lớp luôn. Học đến 10h tối mà ai cũng vui. Có lẽ đó là cái duyên của mình, mình đam mê dạy các bạn nhỏ, cũng hiểu mọi người yêu mến mình và mong muốn được học,” Sáy chia sẻ.
Năm nay, do dịch COVID-19 nên Sáy không thể dạy học trực tiếp nhưng cô vẫn tổ chức khóa học tiếng Anh online 7 ngày và lớp tin học văn phòng cơ bản, giúp các thanh thiếu niên trong bản có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính khi đi học, đi làm.
Nhận xét về cô bạn người Mông cùng lớp, bạn Nguyễn Quỳnh Nga, Bí thư Chi đoàn lớp QH2017.E7 (Đại học Ngoại ngữ) cho hay: “Sáy là một người vô cùng dễ mến, thân thiện và năng động trong các hoạt động của lớp và Đoàn trường. Mình cũng biết Sáy tham gia dạy học miễn phí và có nhiều hoạt động tình nguyện ở quê hương. Những việc làm của Sáy thật sự ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức về trách nhiệm của giới trẻ đối với cộng đồng”./.