Nữ sinh người Thái đạt điểm 10 môn Địa lí mong làm cô giáo dạy Văn

Tòng Thị Lệ - người Thái vượt hơn 100km rời bản lên thành phố học nội trú. Trong kỳ thi tốt nghiệp em xuất sắc giành 28,75 điểm trong đó 10 môn Địa lí.

Tòng Thị Lệ - học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên (Điện Biên).

Tòng Thị Lệ - học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên (Điện Biên).

Rời bản tìm chữ

Khi màn sương còn phủ nhẹ trên triền núi Tủa Chùa, một cô bé người Thái đã lặng lẽ rời bản làng, mang theo ước mơ học chữ lên thành phố học nội trú. Nữ sinh ấy là Tòng Thị Lệ - học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên (Điện Biên).

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tổ hợp C00, Lệ đạt 28,75 điểm Ngữ văn 9, Lịch sử 9,75 và Địa lí 10 tuyệt đối.

“Em rất vui và hạnh phúc khi biết mình đạt được số điểm này. Em càng không ngờ mình chính là thủ khoa vì các bạn trong trường em đều rất giỏi”, Lệ chia sẻ trong niềm xúc động.

Thành tích ấy không đến từ may mắn mà là kết tinh của một hành trình dài đầy nỗ lực, vượt khó và cả niềm đam mê sâu sắc với tri thức. Nữ sinh người Thái bước vào mái trường dân tộc nội trú trong sự rụt rè, bỡ ngỡ, nhưng ánh mắt luôn ánh lên khát khao được học hỏi và trưởng thành.

“Từ hè lớp 11 em đã chủ động ôn tập kiến thức nền. Sang lớp 12, em học nghiêm túc từng tiết học trên lớp, tranh thủ từng buổi tối, giờ nghỉ trưa, thậm chí học đến 2-3 giờ sáng để luyện đề”, nữ sinh tâm sự.

 Tòng Thị Lệ (bên trái ngoài cùng) và đội tuyển Ngữ văn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên.

Tòng Thị Lệ (bên trái ngoài cùng) và đội tuyển Ngữ văn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên.

Bước vào giai đoạn ôn thi, thử thách lớn nhất với Lệ không chỉ là kiến thức, mà còn là sự thay đổi trong cấu trúc đề thi khi thiên về tư duy thực tiễn và kỹ năng phản biện. Lệ chia sẻ: “Lúc đầu em khá lo lắng vì thấy nhiều dạng bài mới rất khó. Nhưng rồi em nghĩ lại, có đổi mới thì mới có phát triển. Mình phải thay đổi tư duy thì mới theo kịp”.

Thay vì hoang mang, Lệ chọn cách chấp nhận và đối mặt. Em chủ động tìm đến thầy cô khi gặp khó, xem thêm bài giảng miễn phí trên mạng, xin đề từ các anh chị khóa trước và tự mình nghiền ngẫm lại kiến thức. Đặc biệt với môn Địa lí điểm 10 tuyệt đối, Lệ không chỉ học lý thuyết mà còn gắn với đời sống thực tế, vận dụng hiểu biết xã hội để làm bài.

Quãng thời gian học nội trú xa nhà cũng là một thử thách với nữ sinh người Thái. Nhà em cách trường hơn 100 cây số, bố mẹ quanh năm tất bật với nương rẫy, ít có thời gian lên thăm con gái. Nhưng trong trái tim Lệ, gia đình luôn là điểm tựa vững chãi nhất. Những cuộc gọi ngắn ngủi vào mỗi buổi tối trở thành sợi dây kết nối, là nguồn động lực lớn giúp em vững tâm học tập.

“Bố mẹ em luôn bận rộn, nhưng chưa bao giờ quên hỏi han và động viên em. Em nghĩ mình phải nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng bố mẹ”, nữ sinh trải lòng.

Giữa những áp lực học hành và những lần thấy bạn bè có gia đình bên cạnh, Lệ từng tủi thân rất nhiều. Nhưng rồi chính hình ảnh bố mẹ lam lũ giữa đồng, nụ cười của mẹ dù còn dính bụi bếp đã trở thành ngọn lửa âm ỉ thắp sáng trong em ý chí bền bỉ.

Nữ sinh hiểu rằng mỗi lời động viên ấy là cả một tình thương chất chứa, là biết bao kỳ vọng lặng thầm của bố mẹ dành cho đứa con gái học xa nhà. Và em chỉ có một con đường duy nhất để đáp lại: đó là cố gắng hết mình để học tốt, để tương lai không còn phải đánh đổi bằng những mùa nắng cháy lưng trên nương như cha mẹ em đã từng.

Mong ước đứng lớp

Giữa vùng cao Điện Biên, nơi những con đường đến trường còn gập ghềnh đất đá, TòngThị Lệ vẫn ngày ngày miệt mài bước đi với một ước mơ giản dị: trở thành cô giáo dạy Văn. Ước mơ ấy được nhen nhóm từ những năm đầu cấp 2, khi em lần đầu cảm nhận được vẻ đẹp của văn chương qua những tiết học giàu cảm xúc.

Chia sẻ về mong ước đầy giản dị, Lệ nói: “Từ những bài học đầu tiên ở lớp 6, em đã bắt đầu yêu Văn. Cô giáo ngày ấy là người đầu tiên truyền cảm hứng cho em, giúp em thấy Văn không hề khô khan mà rất thú vị và sâu sắc”.

 Tòng Thị Lệ (bên phải).

Tòng Thị Lệ (bên phải).

Tình yêu dành cho môn Văn lớn dần theo từng trang sách, từng năm học, trở thành động lực để em không ngừng cố gắng. Suốt ba năm cấp 3, Lệ luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, là thành viên nòng cốt của đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường. Em lần lượt đạt giải Ba cấp tỉnh ở lớp 11 và giải Nhì môn Văn cấp tỉnh năm lớp 12, với điểm số cao nhất toàn đoàn.

Với những thành tích nổi bật trong học tập, Lệ đã chọn ngành Sư phạm Ngữ văn – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để viết tiếp giấc mơ ấy. Em muốn trở thành người gieo chữ cho các em nhỏ ở vùng cao, nơi bản thân từng bước ra khỏi. Ở đó, vẫn còn biết bao đứa trẻ mơ ước được học tập, được chạm đến thế giới rộng lớn hơn qua từng con chữ.

Mang trong mình hoài bão đẹp đẽ ấy, Lệ luôn tự nhắc mình phải thật vững vàng cả về tri thức lẫn nghị lực. Dù Văn là thế mạnh, em chưa từng lơ là các môn học khác. Lệ học đều và học chắc, luôn chủ động tìm tòi, rèn luyện để hành trình trở thành người gieo chữ thêm phần vững bước.

Nhớ về cô học trò nhỏ năm nào, thầy Vũ Trung Hoàn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên, chia sẻ đầy xúc động: “Ngày đầu Lệ nhập học là một cô bé rụt rè. Nhưng em nhanh chóng bộc lộ tố chất nổi bật trong ba năm học, em luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, là niềm tự hào của đội tuyển Văn”.

Không chỉ học tốt, Lệ còn là gương mặt năng nổ trong các hoạt động Đoàn, tích cực tham gia các câu lạc bộ. Ở đó, em vừa lan tỏa tình yêu văn chương, vừa góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc Thái của chính mình.

“Tôi luôn tin rằng, với tài năng, trái tim nhân ái và sự tận tụy, em sẽ trở thành một cô giáo mẫu mực. Từ đôi tay và tấm lòng ấy, những hạt mầm tri thức và hy vọng sẽ được gieo xuống, nảy nở trên vùng đất Tủa Chùa, Điện Biên”, thầy Hoàn nhấn mạnh.

Liêm Anh - Phùng Ánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nu-sinh-nguoi-thai-dat-diem-10-mon-dia-li-mong-lam-co-giao-day-van-post740361.html