Nữ sinh Trung Quốc yêu cầu bỏ ngày con gái
Ngày 7/3 hàng năm, những biểu ngữ ghi lời chúc đến sinh viên nữ được treo khắp các trường đại học Trung Quốc. Không ít câu chúc khiến nữ sinh khó chịu vì phân biệt, đùa thô tục.
Các sinh viên nữ tại Trung Quốc mở chiến dịch vận động xóa bỏ ngày con gái vì nghĩ dịp kỷ niệm này tạo cơ hội cho hành vi phân biệt giới tính và quấy rối tình dục, theo Sixth Tone.
Trước ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày 7/3 ở Trung Quốc được coi là dịp không chính thức dành tặng cho các cô gái. Dịp lễ này bắt đầu từ những năm 1990, xuất phát từ Đại học Sơn Đông, sau được tổ chức ở các trường đại học khác.
Phân biệt giới tính
Theo thời gian, ngày con gái thành sự kiện phổ biến ở Trung Quốc, tổ chức công phu hơn so với ngày 8/3. Vào dịp này, các biểu ngữ màu đỏ được các nhóm sinh viên nam treo đầy xung quanh sân trường đại học, ghi những câu bày tỏ sự trân trọng với phái nữ, hoặc cả những câu đùa mang nghĩa phân biệt giới tính.
"Hôm nay, khuôn ngực lớn của tôi chờ đón bạn", "Con gái của bạn sẽ có đến 26-27 ông bố từ lớp chúng ta", "Chúng ta đang kỷ niệm ngày con gái nhưng sớm thôi sẽ trở thành kỷ niệm ngày làm cha của bọn tôi". Trong vài năm gần đây, các tấm băng rôn với các thông điệp như vậy khiến nhiều nữ sinh thấy khó chịu, thay vì vui vẻ.
Không ít sinh viên nữ ở Trung Quốc thấy chán nản, cảm thấy dịp 7/3 ít tôn vinh quyền phụ nữ mà thay vào đó là thể hiện định kiến giới và quấy rối tình dục.
Năm 2019, một nữ sinh tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc đã đốt biểu ngữ được treo trong khuôn viên trường vào ngày con gái để phản đối. Năm 2018, nhóm nữ sinh viên thuộc Đại học Sơn Đông đứng trước một số biểu ngữ và trực tiếp chỉ ra câu nói được in là "quấy rối tình dục".
Phản ứng dữ dội vẫn tiếp tục trong năm nay. Joanne, một sinh viên ở Bắc Kinh, đã thiết kế hai tấm áp phích có nội dung “Thay vì nước hoa và son môi, chúng tôi thích bình đẳng, tự do, độc lập và tôn trọng” và “Nói không với phân biệt giới tính”.
"Sau nhiều năm chứng kiến các câu đùa cợt từ nam giới, tôi và các bạn khác từ nhiều trường đã chuẩn bị biểu ngữ cho riêng mình để thúc đẩy các giá trị nữ quyền", Joanne nói với Sixth Tone.
Joanne nói các biểu ngữ thông thường miêu tả phụ nữ là đối tượng tình dục, hoặc vốn dĩ phụ thuộc vào nam giới. “Thành thật mà nói, chúng tôi không xúc động mà chỉ cảm thấy bị xúc phạm", cô nói.
Tính đến thứ 8/3, bài đăng trên nền tảng Weibo với hình ảnh các biểu ngữ của nhóm nữ sinh đã được chia sẻ hơn 34.000 lần.
Trả lại ý nghĩa cho ngày 8/3
Theo Joanne, mục tiêu của chiến dịch là chống lại sự kỳ thị và trả lại ý nghĩa thực sự cho ngày 8/3, mà theo những lời nói đùa biến tướng, ra đời để kỷ niệm những ai mất đi trinh trắng trong ngày con gái.
“Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi quá cực đoan và nói rằng ý định ban đầu của ngày con gái là tốt. Nhưng có thực sự vậy không? Đó còn là sự xúc phạm đến những người tiên phong về quyền phụ nữ, những người đã chiến đấu để có công việc bình đẳng, trả lương công bằng và quyền phá thai", nữ sinh cho hay.
Cùng với Joanne, nhiều cô gái từ các trường đại học trong nước tham gia chiến dịch hưởng ứng trả lại ý nghĩa ngày phụ nữ.
Trên mạng Douban, một nữ sinh chia sẻ hình ảnh bức tường graffiti được dựng trong sân trường, ghi đầy các khẩu hiệu chê bai thói gia trưởng ăn sâu ở Trung Quốc.
Một sinh viên khác cho biết những băng rôn mang nghĩa phân biệt giới tính ở đã được báo cáo với ban giám hiệu và thay thế bằng thông điệp phù hợp hơn.
"Chúng tôi không gây rắc rối. Chúng tôi chỉ hy vọng nhiều sinh viên nam sẽ nhận ra một số trò đùa mà họ coi là buồn cười chỉ khiến phụ nữ khó chịu", bài đăng viết.
Zhang Yinhan, đang theo học ngành nhiếp ảnh tại Đại học Thanh Hoa, nói với Sixth Tone rằng các sinh viên nam mua tặng bạn học nữ món quà nhỏ như hoa và đồ ăn nhẹ vào ngày này.
“Tôi nghĩ rằng việc công nhận những đóng góp của phụ nữ là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, khi các nam sinh sử dụng ngôn từ không phù hợp, điều đó cho thấy rằng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đạt được bình đẳng giới”, Zhang nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-sinh-trung-quoc-yeu-cau-bo-ngay-con-gai-post1191070.html