Nữ sinh trường Báo làm gia sư dạy nhảy
Nhiều gia đình đã chi rất mạnh tay vào việc tìm kiếm những giáo viên, gia sư tốt để bổ trợ các môn năng khiếu cho con em. Xuất phát từ nhu cầu đó, một số công việc gia sư mới xuất hiện, đã trở thành thế mạnh của nhiều sinh viên có đam mê với các bộ môn nghệ thuật, trong đó có nhảy hiện đại.
Lưu Thúy Anh (21 tuổi, Hà Nội) là sinh viên năm thứ ba, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên ngành Báo mạng điện tử. Nhưng cô hiện đang làm gia sư bộ môn Nhảy hiện đại. Đến nay, Thúy Anh đã bén duyên với nghề gia sư dạy nhảy được hơn 3 năm.
Ban đầu, cô được giới thiệu công việc này qua một người bạn cùng câu lạc bộ nhảy ở trường. Vì cũng có đam mê và sở thích với nhảy, cộng với đó là suy nghĩ “đam mê này có thể giúp mình kiếm thêm thu nhập, tự lo một phần nhỏ sinh hoạt cá nhân để giúp đỡ bố mẹ” nên Thúy Anh đã nhận công việc này. Một tuần, cô đứng lớp 5 ca, mỗi ca 1 tiếng, mang lại thu nhập trung bình khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Học viên lớp dạy nhảy của Thúy Anh thường là các bạn nhỏ có độ tuổi từ 5 - 10 tuổi. Thỉnh thoảng, cô cũng đứng lớp dạy hộ vài buổi có học viên là các anh chị và cô bác trung niên (tuổi từ 30 - 40). Chia sẻ về sự khác biệt khi đứng lớp ở hai thế hệ khác nhau, Thúy Anh cho biết: “Trẻ em thì sẽ dễ dạy hơn nhưng lại ít nghiêm túc và ngươit dạy mất sức hơn nhiều so với đứng lớp có học viên lớn tuổi. Nhưng khó khăn khi đứng lớp các chị, các cô là khá áp lực, vì họ biết mình nhỏ tuổi hơn, sẽ khó tính hơn đối với mình”.
Vừa là sinh viên, vừa đi làm thêm, Thúy Anh đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải dạy nhiều ca liên tiếp. Điều này khiến cô đuối sức và khó tập trung trên lớp học.
Không giống như những môn văn hóa khác, dạy nhảy khó hơn và nhảy hiện đại lại càng cần hơn nữa nguồn năng lượng tích cực, khỏe khoắn, sự tươi mới và cảm xúc. Chia sẻ về việc tạo nguồn năng lượng, tinh thần căng tràn để đi dạy sau mỗi giờ học trên trường, Thúy Anh tâm sự: “Mình sẽ nghĩ đến mục tiêu là có thêm thu nhập để giúp đỡ bố mẹ. Cùng với đó, khi lên lớp, mình nhún nhảy theo điệu nhạc cũng khiến mình có thêm năng lượng. Mình là một người rất thích trẻ con nên việc lấy tinh thần, năng lượng để dạy đối với mình không quá khó khăn”.
Vì là môn năng khiếu, học sinh không cần ngồi tập trung một chỗ, không cần tư duy quá nhiều nên thái độ đón nhận, sự hứng khởi, hào hứng với môn nhảy là cao hơn rất nhiều so với những môn học nặng nề, cần tính toán. “Các bạn nhỏ tiếp thu bài rất tốt, vì nhảy hiện đại có nền nhạc "bốc" nên các bạn rất thích và ham. Hầu hết các bạn đều rất hào hứng trong buổi học, nhưng về cuối buổi, các bạn đôi lúc có dấu hiệu uể oải, mất tập trung”, Thúy Anh chia sẻ.
Thúy Anh cho biết, môn nhảy như cô dạy hiện nay vốn đã có từ nhiều năm trước, nhưng giờ phát triển mạnh hơn do nhu cầu và sự phát triển của xã hội. Các phụ huynh có suy nghĩ hiện đại hơn, mong muốn con em mình phát triển theo nhiều hướng, cho con em mình thỏa sức theo đuổi đam mê. Nữ sinh cũng nhận thấy rằng, trong tương lai, các bộ môn năng khiếu như thế này sẽ tiếp tục phát triển và đây cũng là cơ hội cho nhiều bạn sinh viên tìm kiếm việc làm thêm.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-truong-bao-lam-gia-su-day-nhay-post1580395.tpo