Nữ tân binh cảnh sát cơ động ở 'lò luyện thép'
Khóa huấn luyện của lực lượng cảnh sát cơ động được ví như 'lò luyện thép'. Đã vào 'lò luyện thép', nữ cũng như nam, phải tôi rèn cả về thể lực, ý chí, bản lĩnh chiến đấu.
Năm 2023, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tiếp nhận, huấn luyện hơn 15.200 chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân thuộc 61 tỉnh, thành phố trong cả nước (trừ TP Hà Nội và TP.HCM).
Riêng Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1 tiếp nhận hơn 1.500 chiến sĩ, trong đó có 5 nữ tân binh.
Các nữ tân binh được học tập, huấn luyện như những đồng đội nam với thời gian kéo dài 3 tháng. Trong đó, họ học võ thuật, nghiệp vụ điều lệnh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các tình huống giải tán đám đông, bạo loạn...
Tân binh Nguyễn Kiều Trinh cho biết, từ nhỏ đã ao ước được khoác lên mình màu xanh áo lính. Khi vừa tốt nghiệp Cao đẳng Dược Hà Nội, cô gái này đã viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân.
“Trước khi viết đơn tình nguyện, tôi đã tìm hiểu về những khó khăn mà tân binh sẽ gặp phải trong quá trình huấn luyện. Được sự chỉ bảo tận tình của các thầy và sự giúp đỡ của đồng đội, tôi đã khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt chương trình học tập”, nữ tân binh Nguyễn Kiều Trinh nói.
Theo nữ tân binh Nguyễn Kiều Trinh, trở ngại lớn nhất với nữ tân binh đó là thể lực. “Nữ giới không thể khỏe, dẻo dai như các nam tân binh, nhưng trong quá trình huấn luyện tôi luôn nỗ lực để nâng cao thể lực”, nữ tân binh cho biết.
Còn với nữ tân binh Nguyễn Thị Thu Trang, trước đây chỉ biết môi trường rèn luyện của người chiến sĩ Công an nhân dân qua sách báo, phim ảnh, nay đã thấu hiểu hơn nỗi vất vả, sự khổ luyện cả về thể lực, ý chí của người chiến sĩ.
“Đơn cử như các bài tập bắn súng ngắn, trước khi luyện tập trực tiếp với vũ khí, chúng tôi phải rèn luyện được đôi tay đủ chắc, tập trung để ngắm bắn mục tiêu. Khi luyện tập với súng tiểu liên AK, nếu không có thể lực tốt sẽ không vận hành được vũ khí chuẩn xác", nữ tân binh Thu Trang chia sẻ.
Theo nữ tân binh Thu Trang, khi rèn luyện thể lực cũng là tôi rèn ý chí, bản lĩnh. Nhiều khi luyện tập mệt mỏi, các nữ chiến sĩ lại động viên nhau không được bỏ cuộc, cố gắng vượt lên chính mình.
Ngoài gặp thử thách trong rèn luyện thể lực, các nữ tân binh không tránh được những giây phút nhớ gia đình.
Nữ tân binh Mai Hạnh Tâm chia sẻ, khi mới bước vào môi trường kỷ luật trong đơn vị, chị thấy khá khó khăn bởi mọi tác phong, sinh hoạt hàng ngày đều phải thay đổi.
"Chúng tôi thức dậy lúc 5h rồi nhanh chóng xuống sân tập thể dục, đây là việc mà ở nhà ít khi tôi làm. Sau đó, việc gấp chăn màn hay sắp xếp giầy dép cũng phải tuân thủ quy định, ngay cả xuống ăn cơm ở bếp cũng phải có hàng lối, quy củ.
Đôi lúc sau buổi huấn luyện trở về phòng tôi thấy nhớ gia đình, bố mẹ nhưng nỗi nhớ ấy dần vơi đi khi tôi quen với các đồng đội hoặc tham gia các buổi văn nghệ, ngoại khóa ở trung tâm”, nữ tân binh Hạnh Tâm chia sẻ.
Thiếu tá Đinh Tuấn Chính, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1 cho biết, trong quá trình huấn luyện tân binh, các thầy cô trong đơn vị cùng ăn ở, sinh hoạt với các chiến sĩ để các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.
“Chúng tôi dạy cho các em từ những điều nhỏ nhất như gấp nội vụ, sắp xếp chăn màn làm sao cho ngăn nắp đúng quy định. Bên cạnh đó, chia sẻ với các chiến sĩ mới những tâm tư, tình cảm trong những ngày đầu xa gia đình để thực hiện nghĩa vụ”, Thiếu tá Đinh Tuấn Chính cho biết.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-tan-binh-canh-sat-co-dong-o-lo-luyen-thep-2117866.html