Nữ thủ khoa của Đại học Mỏ - Địa chất

Trịnh Ngọc Như Ánh nỗ lực giành học bổng với hy vọng trang trải học phí. Nữ sinh được vinh danh thủ khoa toàn khóa với số điểm 3,72/4.

Trịnh Ngọc Như Ánh (Phù Ninh, Phú Thọ) vui và bất ngờ với danh hiệu thủ khoa. Nữ sinh được thầy cô ĐH Mỏ - Địa chất mời làm MC cho bản tin tuyển sinh.

 Như Ánh - Thủ khoa của ĐH Mỏ - Địa chất.

Như Ánh - Thủ khoa của ĐH Mỏ - Địa chất.

Nỗ lực vượt qua “vỏ ốc vô hình”

Khác hẳn với hình ảnh hiện tại, những năm tháng phổ thông, Ánh vốn là cô bé nhút nhát, chưa từng nghĩ mình có thể nói chuyện trước đám đông.

“Một biến cố xảy với gia đình khiến em không thể tập trung vào việc học và trở nên ít nói. Năm cấp 3, khi dần ý thức được việc phải cố gắng để mẹ không buồn lòng nữa, em nỗ lực với quyết tâm thi đại học”, Ánh kể lại.

Vốn học khối B, để tăng cơ hội đỗ, một tháng trước kỳ thi THPT quốc gia, Ánh quyết định ôn thêm cả môn Lý để dự thi khối A.

“Đó là quãng thời gian vất vả. Em lao vào học, có những ngày, đến 0h, mới về đến nhà để ăn cơm. Một tháng trước khi thi vào đại học, ngày nào, em cũng thức tới sáng lại tiếp tục dậy để chuẩn bị bài vở”, Ánh nhớ lại.

 Ánh năng động trong các hoạt động Đoàn đội.

Ánh năng động trong các hoạt động Đoàn đội.

Nữ sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân với ý nghĩ sẽ không phải lo toan về học phí, do đó, cũng đỡ đần mẹ nhiều hơn.

Tuy nhiên, đạt số điểm 24, Ánh không thể trúng tuyển vào ngôi trường này.

“Nếu là con trai, có lẽ, em đã đỗ rồi. Em khóc rất nhiều khi nhận được kết quả ấy”, nữ sinh nói.

Trượt nguyện vọng 1, Ánh nộp hồ sơ vào ĐH Mỏ - Địa chất. Nữ sinh đặt mục tiêu đạt học bổng tất cả kỳ học để trang trải học phí.

“Thay vì học thuộc giáo trình, em tự ghi âm lại bài giảng rồi lên thư viện nghe để hiểu và viết theo ý mình" - nữ sinh nói.

Trong khi nhiều bạn đỗ vào trường với số điểm cao hơn nhưng mang tâm lý “nghỉ xả hơi” ngay từ năm nhất thì Ánh lại cho rằng, đây chính là thời điểm “vàng” để kéo điểm cho toàn khóa học.

“Hai năm đầu tiên chủ yếu là những môn đại cương khá khó. Nếu không nỗ lực ngay từ những bước đầu, đến năm cuối sẽ không thể gỡ gạc lại điểm”, Ánh nói

Có chiến lược và mục tiêu cụ thể, kết thúc năm nhất, Ánh là một trong số ít sinh viên xuất sắc đạt trên 3,6/4 và giành học bổng Hiệp định 911 của chính phủ Việt Nam và Nga.

Mặc dù được hỗ trợ toàn bộ học phí và tiền sinh hoạt trong thời gian học tại Nga, nhưng Ánh quyết định ở lại học tập trong nước. Nữ sinh nói: “Có rất nhiều người không đi du học và vẫn có thể thành công. Nếu có năng lực thực sự thì dù ở đâu, bản thân cũng có thể tỏa sáng”.

Nhiều thành tích xuất sắc

Bước vào trường, Ánh may mắn gặp người chị khóa trên đã liên tục động viên, giúp đỡ.

“Chị nói, nếu chỉ biết tới việc học, em sẽ trở thành mọt sách. Nhưng nếu tham gia các hoạt động, quãng thời gian sinh viên của em sẽ đáng nhớ và tạo nên bước ngoặt lớn”.

Câu nói ấy đã khiến Ánh hiểu nhiều điều.

“Em tham gia tiếp sức mùa thi và nhiều trải nghiệm khác. Quãng thời gian đó, em cảm tưởng như mình bước sang một trang mới, nhẹ nhàng hơn”, Ánh nói.

Bản thân thầy cô thời phổ thông khi gặp lại Ánh cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi của học trò cũ.

 Quãng thời gian đại học đã khiến Ánh thay đổi nhiều.

Quãng thời gian đại học đã khiến Ánh thay đổi nhiều.

Ở trường, Ánh chủ động đăng ký tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên. Nữ sinh đã lựa chọn đề tài Sản xuất tấm gỗ ép công nghiệp bằng rơm rạ. Nghiên cứu này giúp nhóm của Ánh đoạt được giải nhì, đồng thời được một số doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác sản xuất.

Đến cuối năm 2019, Ánh đoạt giải Nhà vô địch sinh thái trẻ khu vực ASEAN, trở thành đại diện Việt Nam duy nhất tại hạng mục trẻ tuổi.

 Nữ thủ khoa xinh đẹp của trường ĐH Mỏ - Địa chất.

Nữ thủ khoa xinh đẹp của trường ĐH Mỏ - Địa chất.

Tiếp đó, Ánh đề xuất với TS Nguyễn Quốc Phi, Phó trưởng khoa Môi trường về mong muốn thực hiện đồ án với đề tài ISO, vốn chưa có sinh viên thực hiện.

Đây cũng là lĩnh vực nữ sinh mong muốn làm việc sau khi ra trường. Được thầy hướng dẫn kết nối với một công ty chuyên tư vấn về lĩnh vực ISO, Ánh tận dụng thời gian để nâng cao khả năng chuyên môn và làm đồ án. Với sự táo bạo trong lựa chọn đề tài và khả năng phản biện sắc sảo, Ánh đã giành 9,8/10 điểm.

Mong bù đắp cho mẹ

Sau 4 năm, Như Ánh cho rằng môi trường đại học đã cho mình nhiều thứ.

“Ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp, mẹ xuất hiện và ngồi dưới lắng nghe trình bày. Nhìn thấy mẹ, em đã bật khóc. Sau tất cả, cuối cùng mẹ đã có thể cảm thấy vui và hạnh phúc về em”, Ánh nói.

Nữ sinh cho biết cô chưa từng nghĩ mình sẽ thành thủ khoa vì mục tiêu giành học bổng để mẹ đỡ vất vả. Đến bây giờ, mong muốn của em cũng chỉ là bản thân sớm ổn định để bù đắp lại quãng thời gian vất vả của mẹ.

 Trịnh Ngọc Như Ánh trong ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Trịnh Ngọc Như Ánh trong ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Tốt nghiệp đại học, Ánh hy vọng sẽ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực ISO.

“Dù còn chập chững nhưng em vẫn đang đi theo đúng đam mê. Em nghĩ rằng, con đường nào rồi cũng có thể dẫn tới thành công nếu bản thân nỗ lực", nữ thủ khoa ĐH Mỏ - Địa chất bày tỏ.

Thúy Nga / VietNamNet

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-thu-khoa-cua-dai-hoc-mo-dia-chat-post1123515.html