Nữ thủ khoa người Tày đam mê các môn lí luận chính trị
Với niềm đam mê các môn lí luận chính trị, từ một thủ khoa đầu vào nữ sinh người dân tộc Tày đã không ngừng cố gắng để đạt được nhiều thành tích.
Quyết tâm theo đuổi ngành giáo dục chính trị
Hoàng Thị Như Quỳnh, người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Hiện, Quỳnh đang là sinh viên lớp Giáo dục Chính trị K56, Khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên).
Với ước mơ trở thành một cô giáo được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức tới những học sinh thân yêu, khi bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, Quỳnh đã cố gắng, quyết tâm và lựa chọn Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên để xét tuyển với nguyện vọng 1 là chuyên ngành Giáo dục Chính trị.
Quỳnh chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, em đã đi được một nửa chặng đường trên hành trình lập thân, lập nghiệp. Nhìn lại quãng thời gian vừa qua, thật là không dễ dàng bởi thời điểm chúng em học THPT và thi tốt nghiệp là lúc dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Gần như trong suốt 2 năm, chúng em phải học trực tuyến, do đó em cảm thấy có rất nhiều điều bỡ ngỡ.
Đến kỳ học thứ 2, khi nhận được thông báo được quay trở lại trường,em đã vượt hơn 200km từ Yên Bái về thành phố Thái Nguyên để học tập, lần đầu tiên bước qua cánh cổng trường Đại học Sư phạm ĐH Thái Nguyên, trong em đã có những cảm xúc rất lạ, vui mừng vừa hồi hộp đan xen cả lo lắng, choáng ngợp .Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình từ thầy cô, bạn bè em đã nhanh chóng thích nghi và dần quen với môi trường mới.
Cần có phương pháp học tập khoa học
Chia sẻ về quá trình học tập, Quỳnh khẳng định: Việc học ở THPT và bậc đại học khác nhau rất nhiều, thứ nhất là khối kiến thức ở đại học nhiều hơn, kiến thức vĩ mô, hàn lâm hơn, đặc biệt với chuyên ngành học là Giáo dục Chính trị thì câu nói trên thực sự đúng, ngành học đề cập tới những vấn đề lý luận, khối kiến thức khoa học cơ bản có những môn mang tính chất trừu tượng, khối lượng kiến thức khổng lồ gây ám ảnh cho nhiều bạn sinh viên.
Để học tốt những môn học như Triết học, Kinh tế học, Pháp luật học,... bản thân em đã có kế hoạch và phương pháp cụ thể: Đầu tiên cần xác định, xây dựng cho mình mục tiêu học tập ngay từ ban đầu. Kiên định, giữ vững lập trường, tư tưởng. Có rất nhiều trường hợp các bạn sinh viên khi xuống trường học được một kỳ đầu rồi lại bỏ, nghỉ với lý do môn học, ngành học không phù hợp hay đứng núi này trông núi nọ. Cần phải cố gắng quyết tâm cao mới có thể theo đuổi đến cùng mục tiêu mình đã đề ra.
Tiếp theo, việc tập trung chú ý nghe giảng trên lớp rất quan trọng, đặc biệt về nhà phải ôn lại bài học, tự giác làm bài tập, lập các nhóm học tập cùng trao đổi và thảo luận.
Bên cạnh đó, em cũng dành rất nhiều thời gian để đọc sách, tham khảo tài liệu trên mạng internet để thu thập thêm nhiều kiến thức kết hợp, đọc từ thư viện, các nguồn thông tin mạng chính thống.
Song song với đó, học phải đi đôi với hành, tham gia các hoạt động ngoại khóa, thực tế hoạt động và phong trào do lớp, Đoàn, hội, nhà trường tổ chức. Đặc biệt với chuyên ngành Giáo dục Chính trị nên thăm quan các khu di tích lịch sử, khu địa chính trị- hành chính.
Với tính cách chủ động, linh hoạt trong cả học tập và rèn luyện, từ một thủ khoa đầu vào, Hoàng Thị Như Quỳnh, nữ sinh viên người dân tộc Tày đã đạt được một số thành tích như:
- Nhận khen thưởng Sinh viên xuất sắc năm học 2021- 2022
- Giấy chứng nhận tham gia hoạt động CLB sinh viên tình nguyện trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) Chiến dịch “Clean up Việt Nam lần 3” Chiến dịch nhặt rác toàn quốc hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 5/6/2022 tại hồ Xương Rồng, Phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên.
- Tham gia giải bóng đá truyền thống nhà trường năm học 2022-2023 đạt giải phong cách
- Tham gia ngày hội: “ Tết trồng cây 2023”
- Đạt giải Nhì nội dung thi: Dạy học tại hội thi Sinh viên giỏi nghiệp vụ sư phạm năm học 2022- 2023.