Nữ tiến sĩ 'chạy trốn' hôn nhân sắp đặt để theo đuổi nghiên cứu khoa học
Bằng khát khao và niềm tin vào giáo dục, PGS.TS. Parwinder Kaur, Giám đốc dự án 'DNA Zoo Australia' tại trường Đại học Tây Australia (Australia), đã trở thành đại sứ của các chương trình hướng đến thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ.
Parwinder Kaur hiện là người đứng đầu chương trình nghiên cứu hệ gene biến đổi. Mục tiêu của tiến sĩ Kaur là chuyển đổi khoa học cơ bản thành các giải pháp sẵn sàng để sử dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Cô điều hành một phòng thí nghiệm ADN, cùng các cộng sự nghiên cứu sử dụng những công nghệ mới như chỉnh sửa gene CRISPR, gene đơn bào và gene 3D.
Không dễ để đạt được thành công
Để có được vị trí hiện tại, một trong những thách thức lớn nhất của Parwinder Kaur là thuyết phục gia đình rằng, theo đuổi giáo dục là khoản đầu tư tốt hơn so với con đường "kết hôn và của hồi môn". Kaur chia sẻ, cô đam mê nghiên cứu ADN, thích theo đuổi những bí ẩn về sự tiến hóa của sự sống trên Trái đất. Bằng khao khát kiến thức, Kaur sẵn sàng đối mặt với sự cấm cản của gia đình, vượt qua các chuẩn mực văn hóa cứng nhắc và nắm lấy cơ hội để bước chân vào đại học. Cô chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt bằng cách giành học bổng tiến sĩ, rồi rời quê hương Ấn Độ để đến Úc theo đuổi đam mê của mình. "Một sự nghiệp phát triển và tràn đầy đam mê khi làm việc vào mỗi buổi sáng là điều mà tôi luôn mong muốn. Ở đây, tôi theo đuổi sở thích khám phá những bí mật mới của cuộc sống qua lăng kính ADN - bản thiết kế của cuộc sống!".
Đến môi trường mới, Kaur phải đối mặt và vượt qua cảm giác bị cô lập, lịch trình làm việc khắc nghiệt. Nói đến thành công của bản thân, Kaur cho biết, không thể thiếu vai trò của những người cố vấn cả trong và ngoài trường học. Họ giúp Kaur xác định điểm mạnh của mình, giúp cô thấy tự tin để theo đuổi ước mơ đã đặt ra trên con đường khoa học. "Hãy tin tôi. Sẽ có sự khác biệt lớn nếu có người đứng sau nói rằng họ tin bạn làm được. Để biết điểm mạnh của mình, hãy tìm một cố vấn có kinh nghiệm", nữ tiến sĩ chia sẻ.
Tin tưởng vào tiềm năng của trẻ em gái
Khi được hỏi cần làm gì để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nhiều hơn với STEM, Kaur cho biết cần tạo một môi trường tư duy phát triển. Đó là tin tưởng vào tiềm năng phát triển trí tuệ, cải thiện kết quả, nơi những định kiến tiêu cực về khả năng của phụ nữ vẫn tồn tại. Đó là những vấn đề về tư tưởng. Nếu trẻ em gái được lớn lên trong môi trường có thể giúp chúng vươn tới sự thành công trong khoa học, toán học và rèn luyện các kỹ năng không gian, trẻ em gái sẽ có nhiều cơ hội phát triển kỹ năng, thêm phần tự tin và nghĩ đến quyết định theo đuổi lĩnh vực STEM. Những thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Nền tảng cho sự nghiệp STEM được đặt ra từ rất sớm nhưng các nhà khoa học và kỹ sư thường được đào tạo từ các trường cao đẳng và đại học. Ban quản trị nhà trường có thể tuyển sinh và giữ chân nhiều nữ sinh hơn bằng cách áp dụng các chương trình định hướng nghề nghiệp kèm theo các chính sách cân bằng giữa cuộc sống và công việc cho tất cả đội ngũ cán bộ giảng viên, giúp phụ nữ nắm bắt thế mạnh của mình và phá vỡ định kiến.
Năm 2013, Parwinder Kaur nhận Giải thưởng "Khoa học và Sáng tạo" của Viện Hàn lâm Khoa học Úc với các nghiên cứu cung cấp một mô hình mới để giảm dấu chân sinh thái ở động vật nhai lại. Với những phát triển từ dự án "DNA Zoo Australia", cô giành được giải thưởng "AI for Earth" năm 2019-2020 của Microsoft. Kaur cũng đồng sáng lập và đảm nhận chức Giám đốc Khoa học của Ex Planta Pty, công ty phát triển giải pháp kỹ thuật sinh học, hợp chất tự nhiên cho các sản phẩm sức khỏe con người và động vật. Ngoài ra, nữ tiến sĩ này còn là nhà cố vấn tích cực cho bình đẳng giới, đại sứ quốc tế của "Women in Technology WA Role Model" và "GirlsXTech" với nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ.
Nguồn: Women’s Agenda