Nữ Tiến sĩ có bằng độc quyền sáng chế quốc tế phục vụ y học
Người vừa vinh dự nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022 - TS Lê Thị Phương sở hữu bảng dài thành tích và những công trình nghiên cứu khoa học phục vụ y học.
Trước đây, TS Phương chọn ngành Kỹ thuật Hóa học của trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM). Sau khi tốt nghiệp đại học, chị lựa chọn làm việc ở Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân.
Trong 2 năm làm việc ở Viện, bằng sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô ở Viện, chị tích lũy kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu và có cơ hội đến Hàn Quốc để làm nghiên cứu sinh ở ĐH Ajou.
“Hành trình 10 năm ở Hàn Quốc, một chặng đường không hề ngắn, tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ để có được như ngày hôm nay. Năm năm đầu tiên, đây là giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất, tôi bắt đầu làm quen môi trường sống mới cũng như phong cách làm việc mới ở Hàn Quốc, nơi có môi trường làm việc khắc nghiệt nhất thế giới.
Những năm tiếp theo, tôi đã dần quen với cuộc sống và công việc ở nơi đây, đảm nhận công việc của một Post-Doctor, tôi đã có được nhiều thành tựu, bài báo khoa học cũng như công trình nghiên cứu được đăng ký bằng sáng chế, sở hữu quốc gia/quốc tế. Sau đó, tôi quyết định về Việt Nam để tiếp tục hành trình của mình cũng như truyền đạt kiến thức, đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên trẻ”, TS Phương nhớ lại.
Trở về Việt Nam với “gia tài” nghiên cứu đồ sộ: Với hai bằng độc quyền sáng chế quốc tế, ba bằng độc quyền sáng chế quốc gia, 42 bài báo khoa học, TS Phương trở thành nhà khoa học nữ trẻ tuổi có những thành tựu nghiên cứu đáng ngưỡng mộ.
Trong hai bằng sáng chế quốc tế, một công trình chị nghiên cứu về hydrogel tiêm tại chỗ sử dụng các loại cyclodextrin tạo cho gel có tính kết dính cao và các ứng dụng y sinh của các loại hydrogel này (Injectable Tissue Adhesive Hydrogel including Gamma-cyclodextrin and Biomedical Use Thereof). Công trình thứ hai là phát triển phương pháp mới để biến tính bề mặt các thiết bị hỗ trợ bệnh tim mạch (ví dụ như stent, ống ghép mạch máu, ống thông...) với heparin và xúc tác sản sinh nitric oxide trong cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ gây nghẽn tắc mạch máu.
Bên cạnh đó là ba bằng sáng chế quốc gia đã đăng ký tại Hàn Quốc. TS Phương tập trung nghiên cứu vào các loại hydrogel với các đặc tính mới ứng dụng cho nhiều loại bệnh lý khác nhau. Đầu tiên là hydrogel đa chức năng (kháng khuẩn, thúc đẩy quá trình biệt hóa xương) ứng dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp. Tiếp theo là công trình nghiên cứu hydrogel tiêm tại chỗ sử dụng nano đồng như một tác nhân xúc tác cho quá trình sản sinh nitric oxide (một loại khí đóng vai trò như một chất truyền tín hiệu liên quan đến nhiều hoạt động sinh lý và bệnh lý trong cơ thể). Cuối cùng là công trình nghiên cứu các hydrogel trên cơ sở gelatin/chitosan và polyethylen glycol trong các ứng dụng y sinh khác nhau: Hybrid hydrogel and biomedical applications thereof”.
Trong số đó, công trình nghiên cứu hydrogel đã giúp TS Lê Thị Phương được nhận giải thưởng thưởng dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu nổi bật của Hiệp hội Vật liệu Sinh học Hàn Quốc năm 2021.
Hiện nay, chị đang cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo cũng như đưa ra các phương pháp tạo hydrogel đơn giản và hiệu quả hơn, mục tiêu hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý, có thể tiếp cận với mọi đối tượng bệnh nhân, không phân biệt giàu nghèo.
Không chọn các công việc nhẹ nhàng phù hợp với nữ giới mà lại bén duyên với con đường nghiên cứu khoa học và ngành Công nghệ vật liệu mới, nữ tiến sĩ 'bật mí' cách chị tự tạo động lực cho mình: “Càng tìm hiểu về những kiến thức mới, tôi lại càng có hứng thú tìm hiểu, đam mê khám phá, nghiên cứu vật liệu mới để có thể ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống con người.
Hơn nữa, trong thời kì thế giới phẳng như ngày nay, thông tin và tài liệu đã dễ dàng để tiếp cận từ mọi nơi, tới mọi người, điều mấu chốt là phương pháp tìm và chọn lọc thông tin”.
Dành cho các bạn trẻ đã và đang có ước mơ theo đuổi, chinh phục khoa học, TS Phương truyền tải thông điệp: “Các bạn trẻ hãy giữ ngọn lửa đam mê, đồng thời không được xa rời thực tế. Hãy làm việc, cố gắng không ngừng và đừng nản chí khi thất bại, thành công sẽ tìm đến với các bạn đúng thời điểm”.