Nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên được Mỹ cấp bằng sáng chế
Không ai nghĩ rằng ngành công nghệ thông tin lại hợp với phụ nữ. Thế nhưng sự thật đó đã được TS. Dương Thị Thùy Vân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin ứng dụng, trường ĐH Tôn Đức Thắng đúc kết ra từ chính bản thân mình. Học tập luôn thuộc top đầu, trưởng nhóm nghiên cứu robotic, nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên được Mỹ cấp bằng sáng chế… là những gì mọi người có thể hình dung về một nữ tiến sĩ ngành công nghệ thông tin đời đầu 8X.
Tình cờ biết đến TS. Dương Thị Thùy Vân khi được đọc bản giới thiệu về hai robot đa năng phục vụ phòng chống dịch COVID-19 của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Thực sự bất ngờ khi biết trưởng nhóm nghiên cứu là một nữ tiến sĩ.
Rất cởi mở, TS. Dương Thị Thùy Vân chia sẻ khi nhìn hình ảnh binh chủng hóa học của Bộ Quốc Phòng thực hiện công tác khử khuẩn tại bệnh viện Bạch Mai, nhóm đã lên các ý tưởng làm thể nào giảm sự tham gia của con người, nhất là đội ngũ y bác sỹ trong môi trường có tính chất truyền nhiễm. Nhóm đã họp và đưa ra nhiều phương án. Sau đó, hai phương án được lựa chọn là robot làm nhiệm vụ khử khuẩn và robot thực hiện chiếu tia UV. Tuy nhiên, dự án bắt đầu triển khai đúng lúc cả nước thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ cách ly toàn xã hội. Nghĩ lại quãng thời gian 10 ngày để cho ra đời 2 robot như mong muốn ban đầu, theo TS. Thùy Vân đó là một kỳ tích. Vì điều kiện làm việc của cả nhóm lúc đó ở mức tối thiểu nhất có thể. Cả nhóm làm việc không kể ngày đêm trong bối cảnh rất khó khăn.
Bình thường, muốn mua ốc vít, chỉ bước chân ra đường là bao nhiêu cũng có, nhưng những ngày này, các cửa hàng đóng cửa, không thể mua được bất cứ thứ gì để phục vụ công việc, kể cả một con ốc vít. Các chi tiết máy, muốn gia công cũng không có xưởng nào nhận. Sinh viên trong nhóm phải tự phay, tự hàn. Cả nhóm vừa làm, vừa phải nghĩ đến chuyện tìm nguyên vật liệu thay thế. TS. Dương Thị Thùy Vân cũng cho hay, không những thế, vì thực hiện giãn cách xã hội nên cả nhóm đều phải làm việc online. Với nhóm lập trình thì không ảnh hưởng, nhưng nhóm mạch, nhóm cơ khí phải có sự phối kết hợp giữa các thành viên nên cũng phải tìm giải pháp hợp lý nhất mà vẫn giữ được an toàn sức khỏe, theo đúng quy định. “Có nhiều khi, nhóm đã nghĩ đến việc buông xuôi. Nhưng rồi mọi người lại động viên nhau vượt qua. Hai robot của nhóm ra đời trong bối cảnh như vậy. Và có lẽ, bối cảnh đó sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên và cũng là kỷ niệm khó lặp lại”, TS. Thùy Vân cho hay.
Gói trọn với đam mê
10 ngày căng thẳng và quyết liệt đã đi qua. Quay nhìn lại, thấy đó như một kỳ tích. Nhưng với gia đình, thì đó là điều quả thật không dễ gì có thể vượt qua. TS. Thùy Vân cười giòn tan cho biết: kệ chứ, miết rồi cũng quen hết. Từ câu chuyện hai robot đa năng chuyển sang chuyện nghề, chuyện đời lúc nào không hay.
Thế hệ 7X, 8X như TS. Thùy Vân quả thật rất ít nữ sinh chọn ngành công nghệ thông tin. Ngành học lý tưởng của nữ sinh thời đó là sư phạm. Và chị không nằm ngoài quy luật đó vì bản thân chị từ nhỏ đã mơ ước trở thành một nhà giáo để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Năm 2000, cô nữ sinh Dương Thị Thùy Vân với thành tích học THPT tốt nghiệp 10.0 được tuyển thẳng vào các trường ĐH: ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Ngoại thương cơ sở TPHCM, ĐH Luật TPHCM. Nhưng chị chọn ngành công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở 2 để thi cho biết.
Thi thử nhưng đỗ thật. Năm đó, ngành công nghệ thông tin của Học viện hấp dẫn đến mức phải 27 điểm/3 môn mới trúng tuyển và chị nằm trong số 25 thí sinh trúng tuyển vào ngành này. Nhưng yêu sư phạm nên TS. Thùy Vân quyết định lựa chọn ĐH Sư phạm TPHCM, ngành Toán để theo học. Tuy nhiên, học được hơn một tháng thì toàn thế giới xẩy ra sự cố Y2K. Vừa tò mò, vừa muốn thử sức mình, chị quyết định chuyển sang học ngành công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ban đầu còn giấu bố mẹ nhưng sau đó, với thành tích học tập luôn ở top đầu nên khi biết chuyện, bố mẹ chị cũng dần dần chiều theo quyết định của con.
Những ngày ngồi trên giảng đường cũng như đến thời điểm này, TS. Dương Thị Thùy Vân cho rằng, ngành công nghệ thông tin chỉ mang lại cho con người ta sự mê hoặc, chứ không thể mang lại sự giàu có vương giả. Những năm tháng học ĐH, chưa bao giờ chị ngủ trước 2h sáng; còn bây giờ, không mấy khi được ngủ trước 12h đêm. Theo chị, đây là ngành nghề rất hợp với phụ nữ, vốn có sự tỉ mỉ, cẩn thận nên dễ phát hiện các lỗi khi viết lập trình. Nhưng nó cũng luôn khiến cho người ta bận bịu, như chăm con mọn. Có khi đang ăn cơm, cũng phải bỏ bát đũa đứng dậy quay lại bàn làm việc vì phần mềm gặp sự cố; hoặc đang tắm cũng phải dừng lại, mặc đồ ra viết vài dòng code rồi lại vào tắm tiếp vì sợ tắm xong, ý tưởng trôi đi mất. Phụ nữ làm công nghệ thông tin nếu không được gia đình hiểu, thông cảm sẽ rất khó có thể dung hòa. Nhưng có lẽ, TS. Vân thật may mắn khi luôn có gia đình song hành và luôn được cảm thông chia sẻ.
Chị vẫn nhớ năm 2004, tốt nghiệp ra trường, công ty phần mềm nổi tiếng TMA Solution mời về làm mà không cần hồ sơ xin việc hay phỏng vấn. Sau đó, chị lại trúng tuyển cao học ngành công nghệ thông tin tại ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM). Khi nhận giấy báo nhập học cao học, chị xin về ĐH Tôn Đức Thắng làm việc để tiện cho việc học tiếp. Quyết định chấm dứt công việc đang làm cũng khó khăn vì không dễ xin vào làm việc tại công ty này. Nhưng đổi lại, chị được đứng trên bục giảng để viết tiếp giấc mơ thuở trước.
Năm 2010, Dương Thị Thùy Vân tiếp tục học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án tiến sĩ ngành công nghệ thông tin vào năm 2015. Chuyên ngành mà chị theo đuổi là các giải pháp về phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Khi bảo vệ luận án tiến sĩ, chị đã có 8 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus, một kết quả ít ai ngờ tới đối với nữ nghiên cứu sinh trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam. Chỉ sau một năm bảo vệ thành công luận án, TS. Dương Thị Thùy Vân mạnh dạn đăng ký đề tài “Hệ thống điều hòa không khí thông minh” ở Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO).
Năm 2016, USPTO đã công nhận bằng sáng chế cho đề tài này của chị vì rất hữu ích nếu áp dụng trong điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với bệnh nhân hay từng người trong cùng phòng, do mỗi người có cơ địa khác nhau, phù hợp với một nhiệt độ nhất định.
Sau ngần ấy năm gắn bó, chị vẫn luôn cảm thấy lựa chọn của mình là đúng và rất hạnh phúc, hài lòng về điều đó. Yêu sư phạm, đam mê công nghệ thông tin, chị đã thực hiện được 2 điều đó trong công việc hiện tại của mình.
Chị là nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên được Mỹ cấp bằng sáng chế. Đến nay, số lượng bài báo khoa học đăng trên các tạp chí ISI, Scopus của chị đã vượt con số 20.