Nữ tiếp viên hàng không kháng cáo tăng án với tài xế Mercedes
Chị Nguyễn Thị Bích Hường kháng cáo bản án sơ thẩm yêu cầu tăng án với bị cáo Phong và buộc hai Công ty liên quan phải liên đới cùng bị cáo bồi thường.
Ngày 21-12, chị Nguyễn Thị Bích Hường, một trong hai bị hại trong vụ bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong gây tai nạn, đã kháng cáo bản án sơ thẩm.
Trước đó ngày 16-12 TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã tuyên phạt Phong 7 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Tòa cũng buộc Phong phải bồi thường gần 2 tỉ đồng cho hai bị hại là ông Lê Mạnh Thường và chị Hường.
Trong đơn kháng cáo chị Hường viết, đối với phần hình sự mức hình phạt đối với bị cáo là chưa phù hợp, chưa tương ứng với hành vi, hậu quả mà bị cáo đã gây ra. Mức hình phạt như vậy là quá nhẹ đối với bị cáo. Chị Hường kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo.
Đối với phần dân sự, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phải bồi thường cho chị Hường số tiền hơn 1,4 tỉ đồng là phù hợp. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ buộc mình bị cáo Phong bồi thường là chưa đúng.
Bởi vì việc giao chiếc xe Mercedes cho bị cáo sử dụng gây tai nạn còn liên quan đến Công ty TNHH TM Du lịch Vận tải Khang Gia (Công ty Khang Gia) và Công ty TNHH Fumita. Vì vậy, theo chị Hường hai Công ty này phải cùng có trách nhiệm liên đới cùng bị cáo bồi thường cho những tổn thất của hai bị hại.
Theo đơn kháng cáo nguồn gốc chiếc xe Mercedes Phong điều khiển gây tai nạn là của ông Võ Văn Phúc cho Công ty Fumita thuê. Mặt khác chưa xác minh có việc ông Phúc cho Công ty Fumita thuê xe hay không, bởi ông Phúc là cha của ông Minh (người đại diện theo pháp luật của Công ty Fumita) nên việc cho thuê xe chỉ nói miệng, không lập hợp đồng cho thuế xe.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án lại có hợp đồng thuê xe giữa ông Phúc với ông Minh. Vậy hợp đồng này có phải là ký giả sau khi tai nạn xảy ra để chứng minh có việc cho thuê xe giữa ông Phúc với Công ty Fumita hay không? Chưa đủ chứng cứ chứng minh có việc Công ty Fumita cho Công ty Khang Gia thêu ô tô Mercedes là hợp pháp.
Tại tòa, theo lời trình bày của phía ông Phúc thì Công ty Fumita khi thuê xe chỉ được quyền quản lý và sử dụng, nhưng không được cho thuê lại chiếc xe này.
Trong hợp đồng cho thuê xe cũng không có nội dung Công ty Fumita không có quyền cho thuê lại. Thế nhưng Công ty Fumita lại đem chiếc xe Mercedes cho phía Công ty Khang Gia thuê lại.
Khi Công ty Fumita đem chiếc ô tô trên cho phía Công ty Khang Gia thuê lại thì Fumita đã vi phạm quy định Công ty Fumita không được quyền cho thuê lại xe và không có chức năng ngành nghề được phép cho thuê xe.
Mặc khác trong hồ sơ vụ án, trong hợp đồng thuê xe giữa Công ty Fumita và Công ty Khang Gia chỉ đóng dấu, không có chữ ký của người đại diện Công ty Fumita. Do đó, hợp đồng này không có giá trị pháp lý.
Theo đơn kháng cáo hai Công ty này đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hồ sơ báo cáo thuế… để chứng minh có việc thanh toán tiền đối với giao dịch thuê xe.
Hợp đồng này có phải là ký “giả tạo” sau khi tai nạn xảy ra để chứng minh có việc cho thuê xe giữa Công ty Fumita và Công ty Khang Gia hay không?
Khi Công ty Khang Gia cho bị cáo Phong thuê xe Mercedes đã không yêu cầu Phong xuất trình bằng lái xe nhưng vẫn đồng ý cho Phong thuê xe. Công ty Khang Gia cũng không kiểm tra việc Công ty Futima có quyền cho mình thuê xe hay không. Công ty Khang Gia cũng không chức năng ngành nghề được phép cho thuê xe nhưng vẫn cho bị cáo thuê xe.
Theo chị Hường trong các hợp đồng cho thuê xe giữa Công ty Khang Gia có dấu hiệu giả mạo nhưng tòa sơ thẩm chưa làm rõ, không tiến hành giám định chữ ký khiến việc đánh giá chứng cứ chưa toàn diện.
Do đó, cả phía Công ty Fumita và Công ty Khang Gia đều có lỗi trong việc giao xe cho bị cáo Phong điều khiển, các bên phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường là phù hợp.
Cũng theo chị Hường khi gây tai nạn, Phong bị bắt tạm giam nhưng đã cùng mẹ, công chứng viên… làm thủ tục cho bị cáo bán căn hộ, sang tên căn hộ của bị cáo sang cho mẹ nhằm mục đích là tẩu tán tài sản, để bị cáo không phải bồi thường cho tôi sau này.
Việc này là trái pháp luật, nhưng Tòa án án không thu thập chứng cứ này, không áp dụng biện pháp cưỡng chế là kê biên tài sản là căn nhà, để đảm bảo việc thi hành án sau này là không phù hợp.