Nữ Tổ trưởng tổ dân phố nhiệt huyết với công tác hòa giải cơ sở
Đến tổ dân phố (TDP) số 5, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội không ai là không biết đến bà Nguyễn Thị Hảo, bởi bà không chỉ là một người Tổ trưởng TDP đầy nhiệt huyết và trách nhiệm mà bà còn là một người khéo léo, thực hiện rất tốt công tác hòa giải cơ sở.
Người làm hòa giải phải khách quan, công bằng
Bà Hảo năm nay đã ngoài 60 tuổi và đã có 11 năm đảm nhận công tác hòa giải, bà đã cùng các thành viên tổ hòa giải TDP số 5 hòa giải thành công rất nhiều vụ việc mâu thuẫn, góp phần mang lại niềm vui, sự bình yên trong khu dân cư, hạn chế đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, ổn định tình hình cơ sở.
Là một người làm công tác xã hội, bà Hảo luôn quan tâm, thăm hỏi, gần gũi với mọi người nên hiểu được tâm tư, tính cách và nắm bắt được đời sống của các hộ gia đình trong TDP. Cùng với sự khéo léo, ôn hòa, nhẹ nhàng và kiên nhẫn nên chuyện nhỏ, chuyện to trong TDP bà đều nắm được và sớm tìm ra nguyên nhân, phương hướng hòa giải thích hợp. Có rất nhiều mâu thuẫn ở TDP số 5 được bà cùng tổ hòa giải đã hòa giải thành công ngay tại cơ sở.
Bà Hảo chia sẻ, làm công tác hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình, quan tâm chia sẻ, lúc thì lựa chuyện hỏi han người này, khi tâm sự với người kia để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Muốn hòa giải thành công thì cần vận dụng cả lý, cả tình để thuyết phục, có cuộc cần tách riêng từng đối tượng để lắng nghe, phân tích, đánh vào tâm lý đối tượng, có đối tượng am hiểu pháp luật thì mình cũng cần nắm vững các quy định của pháp luật để hòa giải thì các bên mới cảm phục. Đặc biệt, phải luôn khách quan, công bằng không thiên vị và không áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào việc hòa giải tranh chấp.
Luôn trau dồi kiến thức phục vụ công tác hòa giải
Bà Hảo nhớ lại câu chuyện hòa giải giữa gia đình bà T ở TT Cty Thiết bị Thủy Lợi mà bà cùng tổ hòa giải đã thực hiện thành. Được biết, bà T là người phụ nữ rất nhiều chuyện, hễ chuyện gì dù đúng, dù sai, cứ ảnh hưởng đến lợi ích của gia đình bà là ngay lập tức bà gửi đơn ra UBND phường kiến nghị, khiếu nại, đề nghị giải quyết. Cũng vì thế mà bà T không được lòng bà con lối phố, thường xuyên xảy ra xích mích, tranh cãi, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến ANTT khu phố.
Nắm được thông tin, bà Hảo đã cùng tổ hòa giải lên kế hoạch cảm hóa, vừa dùng lý lẽ, vừa dùng tình cảm, phân tích cho bà T hiểu, trong cuộc sống phải có tình làng, nghĩa xóm, ai cũng có lúc gặp khó khăn, tai ương, những lúc như thế mới hiểu được tình cảm con người thật đáng trân quý, đừng vì lợi ích của bản thân mà làm mất đi tình cảm của những người xung quanh… Bên cạnh đó, bà Hảo đề xuất đưa bà T vào sinh hoạt tại các đoàn thể TDP để bà T có cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống và có tinh thần đoàn kết hơn. Đến nay bà T tham gia sinh hoạt rất tích cực, trở thành một hội viên tốt.
Một vụ việc khác là chuyện nhà ông H mâu thuẫn, xích mích với nhà ông K chỉ vì ông K để máng thoát nước mưa xả xuống nhà ông H. Sau mỗi lần mưa to, nước dềnh lên, không thoát kịp, tràn vào ngõ nhà ông H hôi hám, bẩn thỉu. Đã nhiều lần ông H góp ý, yêu cầu ông K dời máng nước sang vị trí khác nhưng ông K không nghe mà còn lớn tiếng dọa dẫm, thách thức ông H dẫn đến hai bên xô xát gây mất an ninh trật tự.
Bà Hảo đã cùng tổ hòa giải nhiều lần đến giảng hòa, yêu cầu hai gia đình bình tĩnh, ngồi với nhau để cùng tìm phương án giải quyết. Lúc đầu ông K không nghe, cứ thấy các cán bộ tổ hòa giải đến là xô chó ra cắn, không cho vào, hất nước bẩn vào người, còn lớn tiếng mắng tổ hòa giải rằng: “Các ông bà đừng can thiệp vào chuyện gia đình chúng tôi để chúng tôi tự giải quyết…”.
Chứng kiến cảnh này nhiều hòa giải viên nản chí, đi về. Riêng bà Hảo nán lại, kiên trì thuyết phục, hai gia đình sống gần nhau cần phải tôn trọng nhau, giữ gìn vệ sinh chung. Từ những lời giảng giải, tâm sự của bà Hảo, ông K dần hiểu ra và hứa sẽ nhanh chóng cải tạo máng nước, làm đường cống thoát nước mưa ra ngõ. Sau đó, hai gia đình còn cảm ơn sự quan tâm, kịp thời can thiệp của bà Hảo và tổ hòa giải, đã giúp họ lấy lại cân bằng, giữ gìn tình cảm hàng xóm.
Sau những lần hòa giải thành, bà Hảo không chỉ lấy đó làm niềm vui, làm động lực mà bà còn tích lũy cho mình thêm kinh nghiệm trong công tác hòa giải. Bà cũng là người luôn trau dồi kiến thức, tham gia các lớp tập huấn, hiểu biết về pháp luật cũng như trong văn hóa giao tiếp ứng xử để phục vụ tốt hơn cho công việc hòa giải của mình.
Những đóng góp của bà được chính quyền địa phương công nhận và khen ngợi. Năm 2019, bà Hảo được nhận Bằng khen của UBMT TP Hà Nội về gương người tốt việc tốt năm 2019 và Giấy khen của Đảng ủy phường Văn Quán vì đã có thành tích trong công tác bảo vệ ANTT đô thị.