Nữ trí thức với phong trào 'Giỏi việc nước, đảm việc nhà'
Trong bối cảnh hiện nay, nữ trí thức có cơ hội được khẳng định vị thế, tuy nhiên, họ cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là áp lực 'vai trò kép' giữa việc nước, việc nhà.
Chiều 8.3, Công đoàn Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm "Vai trò của nữ trí thức với phong trào Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tọa đàm có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa; Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Nữ công, Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Hải Minh.
Chia sẻ về vai trò, sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam, trong đó có vai trò của đội ngũ nữ trí thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, lực lượng đội ngũ nữ trí thức ngày càng hùng hậu. Đây là những người có trình độ, được đào tạo nghiêm túc, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực nào đó, có vị trí khoa học, và có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Để nữ công nhân, viên chức, lao động cùng thi đua phấn đấu trên mọi lĩnh vực, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 1989 và đã trở thành nét đẹp truyền thống, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trên các lĩnh vực công tác, xã hội và gia đình. Đến nay, phong trào trở thành động lực để phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức phấn đấu, phát huy vai trò, tiềm năng trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng gia đình no ấm - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và mục tiêu bình đẳng giới.
Các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nữ trí thức được khẳng định vị thế, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận, có vị thế trong xã hội, gia đình, làm chủ bản thân, có nhiều dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, nữ trí thức cũng đối mặt với nhiều thách thức: áp lực “vai trò kép” giữa việc nước, việc nhà; luôn có sự giằng co “thiên chức” và “xã hội chức”. Công nghệ phát triển, họ cũng có nguy cơ mất việc làm cao. Bên cạnh đó, định kiến giới vẫn là rào cản…
Các ý kiến cũng tập trung làm rõ hơn vai trò của phụ nữ nói chung, nữ trí thức nói riêng trong xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của nữ cán bộ, công chức, nữ công đoàn viên Công đoàn Văn hóa, Giáo dục đối với các hoạt động của Quốc hội, của Ủy ban…
Để phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa đề xuất: cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của nữ trí thức; hoàn thiện cơ chế, luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và đội ngũ trí thức; tạo môi trường làm việc bình đẳng, thân thiện; tăng cường dịch vụ hỗ trợ…
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội ngày càng nhiều áp lực, đòi hỏi nữ trí thức cần nâng cao năng lực, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; hài hòa, cân bằng công việc và gia đình. Mặt khác, gia đình cũng cần thấu hiểu, chia sẻ trách nhiệm với người phụ nữ...
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, trong thời đại trí thức, vai trò của nam - nữ cân bằng, bình đẳng hơn, phụ nữ có cơ hội phát triển trong sự nghiệp, đủ sức cạnh tranh vị trí công tác với nam giới.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh chúc mừng nữ công đoàn viên Công đoàn Văn hóa, Giáo dục; mong muốn thời gian tới, nữ trí thức phát huy tốt nhất vai trò của mình, đóng góp nhiều nhất cho công việc chung, giỏi việc nước, đảm việc nhà.