Nữ trưởng họ Rmah với câu chuyện hiếu học

Dòng họ Rmah người Gia Rai ở xã Chư Mố (H. Ia Pa, Gia Lai) nổi tiếng khắp vùng không chỉ khi có một nửa người trong dòng họ có trình độ từ Trung cấp đến Thạc sĩ mà còn là câu chuyện hiếu học hàng chục năm qua. Sự đùm bọc và giúp đỡ của dòng họ tiếp bước cho nhiều thế hệ trên con đường tìm đến với tri thức khoa học.

Dòng họ Rmah người Gia Rai ở xã Chư Mố (H. Ia Pa, Gia Lai) nổi tiếng khắp vùng không chỉ khi có một nửa người trong dòng họ có trình độ từ Trung cấp đến Thạc sĩ mà còn là câu chuyện hiếu học hàng chục năm qua. Sự đùm bọc và giúp đỡ của dòng họ tiếp bước cho nhiều thế hệ trên con đường tìm đến với tri thức khoa học.

Trưởng họ Rmah H’Đoan cùng cháu gái Rmah H’Thê Rin vừa đạt học sinh xuất sắc cùng nhiều tấm bằng khen của con, cháu trong dòng họ.

Trưởng họ Rmah H’Đoan cùng cháu gái Rmah H’Thê Rin vừa đạt học sinh xuất sắc cùng nhiều tấm bằng khen của con, cháu trong dòng họ.

Giữa cái nắng buổi chiều đang đổ xuống, những đứa trẻ cầm sách vở trên tay tung tăng kéo nhau đi trên con đường bê-tông trong làng Pa Malim (xã Chư Mố, H. Ia Pa) dù đang thời gian nghỉ hè. Hỏi ra mới biết, những đứa trẻ này đang mang sách, vở rủ nhau học nhóm. Đây là điều khá lạ đối với chúng tôi khi về làng, bởi đa phần ở các làng khác, các em đã kéo nhau ra bờ sông hay lên rẫy theo bố, mẹ để vui chơi. Càng ngạc nhiên hơn khi người dân cho biết, đây là những đứa trẻ trong dòng họ Rmah trong làng... Ở ngôi làng còn khó khăn này, dòng họ Rmah không chỉ nối tiếng trong làng mà còn cả cái huyện nghèo Ia Pa này, khi tiếng trong dòng họ có nhiều người làm giáo viên, cán bộ của huyện, của tỉnh Gia Lai.

Tìm đến ngôi nhà giữa làng, bà Rmah H’Đoan dù năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn và phát âm tiếng phổ thông rõ ràng, mạch lạc. Vẫn giữ chế độ mẫu hệ, bà Rmah H’Đoan được xem là trưởng họ Rmah ở trong làng. Trò chuyện với chúng tôi, bà H’Đoan không giấu vẻ tự hào: Dòng họ Rmah ở làng Pa Malim có 6 gia đình với 51 người thì trong đó có 1 người có trình độ Thạc sĩ, 14 người có trình độ Đại học, 5 người Cao đẳng và 7 người Trung cấp. Hiện tất cả đều có việc làm như: giáo viên, cán bộ xã, thậm chí có người làm cán bộ trên tỉnh. Nhằm động viên cũng như thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh và tạo động lực cho con, em trong dòng họ, bà Rmah H’Đoan đã tổ chức quỹ khuyến học dòng họ. Bà H’Đoan tâm sự: “Mình luôn nói với các cháu rằng cố gắng học để có tấm bằng trong tay. Đừng lo ra trường không xin được việc mà mình đi học để lấy kiến thức về cho mình”.

Thế nên, trong dòng họ có con, em đỗ Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học đều được nhận hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu đồng từ nguồn Quỹ này. Và để có nguồn quỹ này, hàng tháng mỗi gia đình trong dòng họ đều tự nguyện đóng góp. Bà H’Đoan cũng chính là người đã “sáng lập” ra nguồn quỹ khuyến học trong dòng họ này cách đây 20 năm.

Thời đó, cái tin cậu học trò nghèo trong dòng họ Rmah Kmlă đỗ đại học khiến cả huyện xôn xao bởi đây là lần đầu tiên có người giỏi như vậy. Thế nhưng, Kmlă nhiều đêm ngồi khóc dưới chân nhà sàn vì gia đình khó khăn, việc đến giảng đường đại học gần như đã dừng lại. Lúc đó, bà H’Đoan đã đứng ra vận động mọi người trong dòng họ người góp gạo, người góp tiền giúp đỡ. Để đến bây giờ, Kmlă đã trở thành thầy giáo và quay trở về lại giúp bản làng, dạy các em nhỏ cố gắng học tập. Cũng từ đó, quỹ khuyến học trong dòng họ Rmah ở làng Pa Malim được hình thành, trở thành nguồn động lực lớn giúp đỡ con, em trong dòng học theo con chữ, trở thành những giáo viên, cán bộ huyện, tỉnh.

Ông Phạm Văn Đức, Trưởng Ban Tuyên giáo H. Ia Pa cho biết: Toàn huyện có 27/256 dòng họ được công nhận là “Dòng họ học tập”. “Sắp tới, UBND huyện và UBND các xã sẽ đưa nhiệm vụ xây dựng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng vào kế hoạch phát triển kinh tế –xã hội hàng năm. Đồng thời, kiện toàn Trung tâm học tập cộng đồng và Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp xã để phong trào khuyến học ngày càng lan rộng trong nhân dân”, ông Đức khẳng định.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_209021_nu-truong-ho-rmah-voi-cau-chuyen-hieu-hoc.aspx