Nữ trưởng thôn người Mông tiêu biểu vùng biên Hà Giang

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Tại mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc này người dân đang cố gắng vươn lên thoát nghèo, phát triển trên cao nguyên đá nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với những cán bộ tận tâm, hết lòng với nhân dân.

Mỏ Phàng một thôn biên giới của xã Thượng Phùng. Từng là thôn chìm trong đói nghèo, hủ tục; trước đây nhiều người trong thôn đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Tuy nhiên vài năm gần đây, vùng đất này đang chứng kiến những đổi thay với những ngôi nhà xây cao tầng, nhà cấp 4 khang trang, những nương đồi phủ xanh bởi cây ăn quả, các loại rau màu và cỏ chăn nuôi gia súc, bà con không còn bỏ quê hương đi lao động trái phép… Nhắc đến sự chuyển biến nơi đây người dân đều nhắc đến nữ Trưởng thôn trẻ tuổi người Mông – Mua Thị Và.

Chị Mua Thị Và (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo xã Thượng Phùng thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân trong thôn Mỏ Phàng.

Chị Mua Thị Và (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo xã Thượng Phùng thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân trong thôn Mỏ Phàng.

Về làm dâu Mỏ Phàng được một thời gian, đến năm 2015 được bầu làm trưởng thôn, khi đó chị Và mới 27 tuổi. Không có kinh nghiệm và chuyên môn, chị Và gặp nhiều khó khăn khi đảm nhiệm công việc của người đứng đầu một thôn. Nhưng khó khăn nhất là làm sao để người dân tin tưởng vào trưởng thôn là phụ nữ trẻ.

Chị Và cho biết: “Lúc đầu chưa được sự tin tưởng của bà con nên cũng khó khăn về tuyên truyền. Bởi 100% người dân trong thôn là người dân tộc thiểu số, trên 90% hộ là hộ nghèo. Nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, đa phần người dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp, không dám xây dựng hay phát triển mô hình vì sợ rủi ro. Để bà con tin tưởng, trước hết mình phải làm gương trước, bà con thấy được kết quả, mình tuyên truyền bà con mới nghe”.

Hàng ngày cứ 5 giờ sáng, nữ trưởng thôn sinh năm 1989 này lại dậy, tất bật nấu cám cho đàn lợn chục con, rồi dọn dẹp nhà cửa. Làm xong việc nhà, chị Và dành thời gian cho công việc của thôn như đi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Chị đã tự đề ra trách nhiệm phải làm sao để người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống ngay trên quê hương. Để làm gương, chị từ bỏ tư duy cũ chỉ cho lợn ăn rau, học hỏi kiến thức chăn nuôi theo hướng hiện đại, phát triển đàn lợn của gia đình, mỗi năm nuôi 2 lứa, thu nhập mỗi năm khoảng 30 triệu đồng. Thành công chăn nuôi đàn lợn của gia đình theo cách mới, chị Và đã cùng các chị em trong thôn tích cực tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình để bà con thay đổi cách nuôi lợn theo hướng mới.

Chị Và tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục.

Chị Và tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục.

Bà Vừ Thị Dia, một hộ gia đình trong thôn được chị Và truyền dạy kinh nghiệm nuôi lợn chia sẻ: “Trước đây lạc hậu, nhà chỉ nuôi 2 con lợn để đủ thịt ăn tết thôi; giờ được trưởng thôn hướng dẫn mà tôi biết cách cho lợn ăn để làm sao nhanh lớn, cách chăm sóc, vệ sinh chuồng để lợn không bị bệnh. Giờ mỗi năm gia đình tôi nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 8-10 con. Lợn lớn, bán đi vừa có tiền, vừa có lợn ăn tết”.

Cùng với việc phát triển kinh tế, chị Và cũng luôn ưu tiên việc nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bởi người dân địa phương còn lạc hậu, ngại đi khám và quen với phong tục sinh nở tại nhà, không đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho cả mẹ và bé.

Trước kia có nhiều người trong thôn thường xuyên vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Điều này tiểm ẩn nhiều nguy hiểm đối với bà con trong thôn, không ít người bị nước bạn bắt giữ. Để ổn định tình hình, chính quyền địa phương, chị Và cùng bà con dân bản tích cực vận động, thuyết phục những người trong thôn trở về nhà, ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương mình.

Một trong những người đã được nữ trưởng thôn này vận động thành công và hướng dẫn tận tình để gia đình yên tâm ở lại quê hương phát triển kinh tế là bà Hờ Thị Chợ. Bà Chợ nói: “Trước kia vợ chồng tôi sang ở bên Trung Quốc, qua tuyên truyền của anh em hàng xóm thì chúng tôi quay lại Việt Nam. Cũng qua tuyên truyền và hỗ trợ của xã, của thôn thì giờ hai vợ chồng ở nhà nuôi lợn, bò để phục vụ cho cuộc sống gia đình. Con cái cũng được đi học đầy đủ”.

 Những ngôi nhà mới khang trang tại thôn biên giới Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang)

Những ngôi nhà mới khang trang tại thôn biên giới Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang)

Là thôn còn nhiều phong tục, hủ tục lạc hậu, để người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh theo Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1-5-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030; chị Và cùng chính quyền địa phương tích cực, nỗ lực tuyên truyền. Lúc trước tổ chức đám ma kéo dài, mổ nhiều trâu bò; giờ người dân chỉ tổ chức 2 ngày, không còn mổ nhiều gia súc, chi phí tiết kiệm rất nhiều.

Thôn Mỏ Phàng có 15 cột mốc, đường biên giới dài hơn 4km. Ngoài việc tuyên truyền cho người dân trong thôn tích cực tham gia quản lý, tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; mỗi tuần 1 lần, chị Và tham gia cùng cán bộ biên phòng, chính quyền xã, đoàn thanh niên và dân quân tự vệ địa phương tuần tra biên giới. Năm 2017, chị Và vinh dự được nhận Bằng khen của Thượng tướng Tô Lâm (nay là Đại tướng) - Bộ trưởng Bộ Công an về việc đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Nghị định số 01/NQLT-BCA-TWHLHPN giữa Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.

Trung úy Trần Ngọc Minh, Đội trưởng đội vũ trang, Đồn Biên phòng Xín Cái, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết: “Chị Mua Thị Và gắn bó với các lực lượng chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương. Chị tích cực tham gia các hoạt động phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên mốc quốc giới cũng như tham gia vận động bà con thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, phòng chống tội phạm như buôn người, xuất nhập cảnh trái phép, bảo vệ giữ gìn an ninh, biên giới quốc gia”.

Chị Và tham gia tuần tra đường biên, mốc giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang).

Chị Và tham gia tuần tra đường biên, mốc giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang).

Nhận xét về chị Và, ông Hoàng Lý Cấu, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Phùng khẳng định: “Thôn Mỏ Phàng có nhiều sự thay đổi trong 10 năm trở lại đây. Để có được sự thay đổi này, cấp ủy chính quyền địa phương rất quan tâm vấn đề quy hoạch nhân sự thôn. Trong những năm vừa rồi có chị Mua Thị Và là cán bộ trẻ nhất ở thôn, điều hành thôn rất là tốt, có sự chuyển biến rõ rệt, đặc biệt về kinh tế và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như ma chay tốn kém kéo dài, xây dựng đời sống văn hóa theo hướng văn minh hiện đại. Đến nay, thôn Mỏ Phàng có 35 hộ khá, giàu, thở thành điểm sáng của xã Thượng Phùng”.

Là đảng viên, nữ trưởng thôn trẻ Mua Thị Và luôn hết lòng với bà con, chị chính là tấm gương tiêu biểu, là điểm tựa vững chắc cho người dân vùng biên bám đất, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ vẹn toàn dải đất biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: KIM THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/dien-hinh-kinh-nghiem/nu-truong-thon-nguoi-mong-tieu-bieu-vung-bien-ha-giang-750482