Nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Thanh Nhã: Sức mạnh tiềm ẩn đằng sau dáng vẻ hot girl
Như mọi đứa trẻ trên khắp Việt Nam, những đứa trẻ ở thôn Ba Lăng (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) luôn chơi bóng đá. Vào mùa đông giá rét hay mùa hè đổ lửa, chúng đều chạy theo quả bóng một cách say mê.
Chỉ có một điều hơi khác ở đây, giữa những cậu nhóc là một cô bé nhỏ thó. Vì quá nhỏ, cô bé ấy sẽ ngã sau một cú va chạm. Nhưng ngay lập tức, cô sẽ đứng dậy và chạy. Khi cô chạy, không ai có thể bắt kịp. Và nếu cô sút, chắc chắn đó sẽ là bàn thắng. Ở trường cô nổi tiếng chạy nhanh, đồng thời có thể thay đổi tốc độ và dừng đột ngột. Trong các bài thi chạy, nếu như chúng bạn phải chạm tay vào tường trước khi chạy trở lại, cô có thể tự phanh rồi thực hiện màn nước rút theo hướng ngược lại.
Cô bé ấy là Nguyễn Thị Thanh Nhã.
Lớn thêm một chút nữa, đám trẻ ở Ba Lăng không còn mệt nhoài vì đuổi theo Nhã nữa. Cứ mỗi buổi học về, Nhã lại bỏ quả bóng vào giỏ xe, cùng chị họ đạp sang Nghiêm Xá. Ở đó cô tập luyện dưới sự hướng dẫn của thầy Kiểm - người đã từng chăm bẵm rất nhiều mầm non bóng đá nữa, bao gồm tiền đạo Phạm Hải Yến của tuyển nữ Việt Nam hiện tại. Từ đôi bata, giày đá bóng đầu tiên được thầy Kiểm tặng, cuộc phiêu lưu với bóng đá của Nhã chính thức bắt đầu.
Nghe có vẻ kỳ lạ, thoạt đầu Nhã không thích bóng đá. Những trận bóng đá trên TV không đủ hấp dẫn để níu chân cô. Nhã đến với bóng đá, đơn giản vì nó là một trò giải trí sau những buổi học. Đến một lúc nào đó Nhã không thể kiểm soát bản thân mình. Cô không thể ngừng chơi, không thể thiếu quả bóng. Cô bị hút vào môn thể thao vốn chỉ dành cho cánh đàn ông. Một ngày hoàn hảo với Nhã là học vào buổi sáng, đá bóng vào buổi chiều, và cô sẽ ghi bàn. Có trái bóng trong chân, cô mới là chính mình, đồng thời cảm nhận đầy đủ về sự tự do. Rồi cô bắt đầu mơ mộng với bóng đá.
Thành thực mà nói, bóng đá nữ không phải cái gì đó xa lạ với những người dân ở đất Hà Tây cũ, nơi sản sinh ra không ít tuyển thủ nữ quốc gia. Vấn đề là nó có dành cho Nhã không? Cô quá mỏng manh, lại quá nữ tính, nhút nhát và mau nước mắt. Thời gian đầu bố mẹ chiều lòng cô con gái, coi như đá bóng là một cách để rèn luyện sức khỏe.
Tới một ngày họ phải đưa ra quyết định, hoặc Nhã sẽ phó thác tương lai cho bóng đá hay theo đuổi sự nghiệp học hành như chúng bạn. Đó là khi cô được thầy Kiểm giới thiệu lên trung tâm huấn luyện ở Hà Đông, đồng nghĩa với việc xa gia đình, xa ngôi trường, bạn bè mà cô luôn gắn bó. Cô sẽ tới một thế giới khác, tự học cách chăm sóc bản thân ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.
Làm thế nào đứa con gái nhỏ hay khóc nhè có thể chống chọi với mọi thứ một mình, bố mẹ Nhã nhiều đêm suy nghĩ với câu hỏi ấy. Ngay cả các thầy cô giáo ở trường làng cũng khuyên rằng Nhã nên chọn con đường bằng phẳng hơn thay vì đánh cược số phận với bóng đá.
Thế nhưng tất cả đều bất ngờ trước sự cứng cỏi và kiên định của Nhã. Cuối cùng bố Nhã, ông Kim Sáng, đã gật đầu dù mẹ, bà Vũ Thị Chi vẫn hoài nghi. Quyết định này thực sự dũng cảm với một gia đình thuần nông luôn phải đối mặt với bài toán sinh kế.
Khi Nhã mới 6 tháng tuổi, ông Kim Sáng xuất khẩu lao động ở tận Libya với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình. Ngày ông về Nhã không nhận ra bố, cứ chực đuổi đi. Mất nhiều ngày nỗ lực dụ khị Nhã mới cho bố bế. Vậy mà chỉ một thời gian sau, ông lại sang Libya thêm lần nữa.
Đó là lý do ông cố gắng bù đắp, chấp thuận để Nhã theo đuổi đam mê và luôn động viên con gái phải mạnh mẽ đi trọn vẹn con đường đã chọn.
Lúc ở nhà, tuy mau nước mắt nhưng Nhã không bao giờ khóc vì bóng đá, kể cả những lúc trở về với cái chân trầy xước. Vậy mà ngày đầu lên Hà Đông, khoảnh khắc bố mẹ rời đi nước mắt Nhã cũng rơi. Cố biết sẽ phải đối mặt với sự cô đơn và bước vào cuộc sống rất khác. Nếu ở nhà, mẹ sẽ là người giặt giũ quần áo. Bây giờ cô phải tự làm điều đó. Và trong ngôi trường mới, vì đến từ một nơi xa lạ lại còi nhất lớp, cô thường xuyên bị bắt nạt. Những lúc ấy, cách duy nhất Nhã có thể làm là gọi điện về cho bố mẹ và nói trong nước mắt: “Con muốn về nhà”.
“Khi đã chọn theo đuổi đam mê, con phải tiếp tục”, câu nói của bố khiến Nhã như có thêm sức mạnh. Chẳng phải cuộc sống bóng đá, mơ ước trở thành cầu thủ là tất cả những gì cô muốn sao? Ý nghĩ bỏ về tan biến nhanh chóng để bây giờ, Nhã đã xa nhà được 7 năm.
Dĩ nhiên cô cũng không bao giờ hối tiếc về con đường đã chọn. Nhã còn đùa rằng về nhà làm thêu còn khổ hơn đi đá bóng. Ngoài mấy thửa ruộng, gia đình Nhã làm nghề thêu nhiều năm nay trong lúc nông nhàn. Xưa thêu tay rất cực, công xá lại thấp. Giờ có dàn máy thêu vi tính, tuy đỡ vất vả hơn nhưng cả nhà cũng bận luôn chân luôn tay. Chính vì thế mà em gái Thanh Hoa, dù rất có tiềm năng nhưng buộc phải ở nhà để đỡ đần cha mẹ thay vì theo chân chị lên trung tâm đào tạo.
Vậy nên Nhã luôn cảm thấy mình may mắn. Và trái bóng đã đưa Nhã đi xa hơn những gì cô hình dung. Khoác áo CLB Hà Nội đã là niềm hạnh phúc, cô còn trở thành tuyển thủ Quốc gia, là một phần của đội bóng giành quyền tham dự VCK World Cup 2023 sẽ diễn ra ở Australia và New Zealand. Không những thế, cô gái nhỏ ngày nào giờ đã trưởng thành.
Những ngày xa nhà, thứ lớn nhất cô học được là sự tự lập để không bao giờ khiến bố mẹ phải lo nghĩ.
Ngày cùng đội tuyển tham dự Asian Cup 2022 ở Ấn Độ, gọi hình ảnh thấy Nhã đeo khẩu trang cả ở trong phòng, bố mẹ hỏi cô nói rằng chuẩn bị đi lấy cơm. Trận gặp Nhật Bản, qua TV nhận thấy con gái không chạy sung như mọi khi, lúc kết thúc bố gọi điện sang Nhã mới kể vừa khỏi Covid-19, gần 10 ngày không được tập nên ra sân 2 lần bị chuột rút.
Mẹ Nhã tâm sự rằng “con gái lúc trên sân rất khác với con gái hồi còn ở nhà”. Ngoài việc ngày xưa bé nhỏ thế nay lại đầy mạnh mẽ khi thi đấu ở những giải tầm cỡ, Nhã bây giờ không những chăm sóc tốt bản thân mà còn biết chăm lo cho người khác.
Những lúc đi xa, Nhã luôn gọi điện về hỏi han sức khỏe gia đình, việc học hành của các em. Ngày về, cô quên mình là một tuyển thủ, xắn tay cùng cả nhà chạy dàn máy thêu vi tính. Tuy thu nhập chẳng bao nhiêu, Nhã vẫn cố mua cho bố chiếc điện thoại mới và một chiếc vòng cổ cho mẹ. Nhìn dáng vẻ hạnh phúc cùng niềm tự hào trong ánh mắt cả hai, Nhã biết mình đã đúng khi kiên trì với bóng đá.
Nhưng ở tuổi 20, hành trình với bóng đá của Nhã vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Trong một cuộc phỏng vấn, tiền đạo trẻ của CLB Hà Nội chia sẻ: “Tôi có chút điểm yếu về kỹ thuật và vẫn đang cố gắng hoàn thiện mỗi ngày. Để khắc phục, tôi học từ các cầu thủ lớn và sửa chữa từ góp ý của Ban huấn luyện, học hỏi nhiều hơn”. Cô còn muốn nhiều hơn từ bóng đá, tìm kiếm thêm những trải nghiệm mới và theo đuổi giấc mơ giành Quả bóng Vàng.
“Mục tiêu của tôi, không gì khác ngoài việc nỗ lực để tốt hơn, đạt nhiều thành tích hơn cùng CLB và ĐTQG, sau đó là đoạt Quả bóng Vàng giống như các chị đi trước”, Nhã nói.
Với cô gái mang dáng vẻ của một hot girl nhưng đầy mạnh mẽ này, mọi thứ đều trong tầm tay.