Nửa chặng đường giảm nghèo bền vững
Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác giảm nghèo, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang đã tập trung các nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo, đem lại kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương.
Khơi dậy khát vọng vươn lên
Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các sở, ngành, địa phương thời gian qua đã có những giải pháp phù hợp tình hình thực tế, đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, giám sát nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền; củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên môn; phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các cấp, ngành; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân; đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm; củng cố đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có phẩm chất đạo đức và năng lực để thực hiện công tác giảm nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh.
Xác định truyền thông luôn đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển KTXH, góp phần giảm nghèo bền vững. Truyền thông đóng góp rất lớn trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mô hình giảm nghèo để lan tỏa trong cộng đồng. Theo đó, tỉnh An Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối thoại với người nghèo và tập trung nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Từ đó, tác động tích cực làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy khát vọng, ý chí vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, các chương trình truyền thông tập trung vào hướng vào sản xuất nông nghiệp theo quy trình sạch, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật... Ngoài nội dung về những mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm sáng tạo, nhân vật điển hình trong sản xuất - kinh doanh... để nhân rộng thì các tin, bài, phóng sự cũng kịp thời nêu lên những khó khăn, bất cập trong công tác giảm nghèo, những khó khăn về đầu ra của nông sản.
Thông qua triển khai chương trình giảm nghèo, nhận thức của các cấp, ngành và người dân tiếp tục chuyển biến mạnh hơn, tạo nên phong trào rộng lớn, đã huy động được các nguồn lực của cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội - từ thiện, các tổ chức quốc tế... để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. “Nhờ hỗ trợ vốn từ chương trình giảm nghèo, gia đình, tôi được vay vốn để mua bán nhỏ. Nhờ đó mà thu nhập cải thiện, có tiền trang trải cuộc sống, không còn túng quẫn như trước”- chị Nhi (ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú) cho biết.
Huy động các nguồn lực chăm lo
Đầu tư của Nhà nước cho chương trình giảm nghèo ngày càng tăng, giúp người nghèo dễ tiếp cận vốn ưu đãi. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến kinh phí thực hiện trên 909 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương khoảng 826,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 82,6 tỷ đồng) và huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho người nghèo (nhất là ở huyện nghèo) từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Theo Ban Chỉ đạo tỉnh, với nỗ lực của các cấp, ngành, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện khá tốt, tiến độ giải ngân cơ bản đạt kế hoạch, phấn đấu cuối năm 2023 giải ngân vốn đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao (kể cả nguồn vốn năm 2022 chuyển sang).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, để đạt được các chỉ tiêu giảm nghèo cần có sự tập trung cao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp. Các địa phương cần chủ động có kế hoạch giảm nghèo cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đặc biệt, trên cơ sở phân loại hộ để có giải pháp giảm nghèo cho từng loại đối tượng và phải căn bản, lâu bền trên cơ sở các chính sách phát triển KTXH của địa phương, nhằm tạo cơ hội cho người nghèo tham gia, để từng bước ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo đến cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong triển khai hiệu quả các chính sách.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách cho phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn lực, bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm chính sách; phát hiện và khen thưởng kịp thời nhằm động viên những nhân tố tích cực và nhân rộng mô hình tốt để nâng cao hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng; đổi mới tác phong, lề lối làm việc và phong cách phục vụ; nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác giảm nghèo ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nua-chang-duong-giam-ngheo-ben-vung-a376493.html