Nửa cuối 2025: Mưa lũ bất thường, rét đậm có thể kéo dài sang đầu năm sau
Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão mạnh, mưa lớn, dông lốc, rét đậm có khả năng xảy ra và gây thiệt hại nếu không có phương án phòng tránh kịp thời. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong các tháng 8–9...
Thời tiết bất thường, cực đoan gia tăng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát hành bản tin cảnh báo khí hậu mùa trên phạm vi toàn quốc, cập nhật xu thế thời tiết từ tháng 8/2025 đến tháng 1/2026. Trong đó, nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm tiếp tục được cảnh báo, như nắng nóng, mưa lớn, bão mạnh và rét đậm rét hại. ENSO duy trì trạng thái trung tính trong suốt thời kỳ dự báo.
Bà Trần Thị Chúc, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong các tháng gần đây, nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm đã liên tiếp xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống tại nhiều địa phương.

Cơ quan khí tượng dự báo mưa lũ còn diễn biến bất thường.
Từ tháng 5 đến đầu tháng 7/2025, dông, lốc, sét và mưa đá đã xuất hiện rải rác ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Nhiều nơi ghi nhận thiệt hại do giông lốc gây ra, như Hòa Bình, Nghệ An, Kon Tum, Kiên Giang…
Ba hình thái bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã hình thành trên Biển Đông: Bão số 1 (WUTIP): mạnh cấp 11, giật cấp 14, ảnh hưởng đến phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Bão số 2 (DANAS): mạnh cấp 12, giật cấp 15, di chuyển ra khỏi Biển Đông. Một ATNĐ khác hình thành ngày 24/6, di chuyển vào đất liền Quảng Tây và suy yếu.
Đặc biệt, nắng nóng gay gắt đã xảy ra nhiều đợt diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Đỉnh điểm là ngày 1–2/6, Hà Nội (trạm Láng) ghi nhận nhiệt độ lên tới 40,6 độ C – mức kỷ lục trong nhiều năm. Tại Nghệ An, ngày 9/5, nhiệt độ đạt 41,2 độ C. Ở Nam Bộ và Tây Nguyên, nắng nóng xuất hiện trong nửa đầu tháng 5, với nền nhiệt phổ biến 35–37 độ C.
Trong khi đó, mưa lớn diện rộng cũng xuất hiện, đặc biệt từ ngày 10–13/6 khi bão số 1 gây mưa to đến rất to tại khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, với lượng mưa phổ biến 250–500mm, có nơi vượt 600mm.
Theo cơ quan khí tượng, theo thống kê, nhiệt độ trung bình trong tháng 5 và 6 tại hầu hết các khu vực phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên, tại khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, nhiệt độ tháng 5 thấp hơn TBNN từ 0,5–1 độ C.
Nửa đầu tháng 7, Bắc Bộ và Trung Trung Bộ tiếp tục có nền nhiệt thấp hơn TBNN do mưa nhiều và mây bao phủ kéo dài. Tổng lượng mưa có sự phân hóa rõ rệt: Tháng 5/2025: nhiều nơi cao hơn TBNN từ 20–80%, thậm chí trên 200% ở một số địa phương vùng núi Bắc Bộ. Tuy nhiên, từ Đà Nẵng đến Gia Lai lại ghi nhận lượng mưa thấp hơn từ 15–70%.
Tháng 6/2025: Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Nam Bộ có mưa ít hơn từ 20–60% so với TBNN. Trong khi đó, Hà Tĩnh – Quảng Ngãi có lượng mưa vượt mức 300–600% do ảnh hưởng của bão.
Nửa đầu tháng 7: Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục mưa ít hơn từ 30–65%. Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ mưa cao hơn 20–80%.
Cảnh giác với các đợt mưa lớn
Bà Trần Thị Chúc cho biết, dự báo khí hậu mùa từ tháng 8 đến tháng 10/2025 ENSO duy trì trạng thái trung tính với xác suất 70–90%. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bình thường của các hình thái thời tiết mùa hè – thu.
Trên khu vực Biển Đông, dự báo có khoảng 6–7 cơn bão và ATNĐ, trong đó 2–3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Mưa lớn tập trung tại Bắc Bộ trong tháng 8–9 và Trung Bộ trong tháng 9–10. Các đợt mưa có thể gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Nắng nóng diện rộng giảm hẳn từ tháng 9, số ngày nắng nóng trên cả nước dự báo thấp hơn TBNN.
Nhiệt độ trung bình phổ biến xấp xỉ TBNN. Tổng lượng mưa trên phạm vi toàn quốc dự báo ở mức trung bình, riêng khu vực ven biển Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Ngãi trong tháng 9–10 có lượng mưa cao hơn TBNN từ 10–30%.
Từ tháng 11/2025 đến tháng 1/2026, không khí lạnh gia tăng, rét đậm có thể xuất hiện. Bước sang mùa đông, không khí lạnh bắt đầu hoạt động mạnh hơn từ tháng 11. Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định: rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra trong tháng 12 và 1/2026, với cường độ tương đương trung bình nhiều năm.
Từ tháng 11 đến tháng 1, khả năng có thêm 2–3 cơn bão hoặc ATNĐ xuất hiện trên Biển Đông, trong đó khoảng 1 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mưa lớn vẫn có thể xảy ra ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và phía Đông Tây Nguyên, nhất là trong tháng 11–12.
Tổng lượng mưa tại khu vực từ Nghệ An đến Lâm Đồng trong tháng 11–12 có khả năng cao hơn TBNN từ 10–25%. Tháng 1/2026, lượng mưa trên toàn quốc phổ biến xấp xỉ TBNN.
Lưu vực sông Mê Kông cần theo dõi chặt lũ lụt và thiếu nước. Tại lưu vực sông Mê Kông, lượng mưa phân bố không đồng đều: Tháng 8 thượng lưu mưa cao hơn 5–10%, hạ lưu thấp hơn 5–10%. Tháng 9 toàn lưu vực mưa xấp xỉ hoặc cao hơn 10%. Tháng 10 thượng lưu mưa thấp hơn 10–20%, hạ lưu cao hơn 10–30%. Tháng 11–12 thượng lưu mưa xấp xỉ, hạ lưu cao hơn 5–15%.
Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão mạnh, mưa lớn, dông lốc, rét đậm có khả năng xảy ra và gây thiệt hại nếu không có phương án phòng tránh kịp thời. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ trong các tháng 8–9. Tình trạng ngập úng tại Trung Bộ và Tây Nguyên có thể xảy ra trong tháng 10–12.
Băng giá, sương muối có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong những tháng cuối năm. Cơ quan khí tượng khuyến nghị các địa phương, cơ quan chức năng và người dân theo dõi sát các bản tin dự báo, cảnh báo khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.