Nửa cuối năm 2024 nên đầu tư vào chứng khoán, bất động sản hay gửi tiết kiệm?
Trong nửa cuối năm 2024, chứng khoán, bất động sản hay gửi tiết kiệm ngân được chuyên gia đánh giá cao?
Chứng khoán, bất động sản có hấp dẫn?
Theo ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân của Công ty CP FIDT, trong nửa cuối năm 2024 chứng khoán đáng để đầu tư nhất. Vì chứng khoán là kênh đầu tư đi trước diễn biến của nền kinh tế, về mặt bản chất nó còn được gọi là thị trường của sự kỳ vọng.
Ông Huấn cho biết, khi kinh tế tăng trưởng thì chứng khoán sẽ tăng trước và ngược lại kinh tế trong xu thế hồi phục như hiện nay là động lực để kinh tế tăng trưởng.
Ông Huấn cho rằng, nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng vì một nền kinh tế phục hồi, thị trường đi lên thì không thể thiếu sự phục hồi của ngân hàng và chứng khoán.
Tiếp đó là nhóm ngành bất động sản, khu công nghiệp. Về mặt dài hạn, nhóm này đang khá hấp dẫn, tuy vậy điểm khó của nhóm này là phải thực sự đầu tư dài hạn. Ông Huấn cũng cảnh báo rằng đầu tư vào chứng khoán nửa cuối năm nay không phải là câu chuyện của chu kỳ 6 tháng, mà tối thiểu phải là chu kỳ 1,5 năm, với người chỉ đầu tư 6 tháng sẽ rất rủi ro.
Ông Huấn nhận định, với kênh đầu tư bất động sản thì ngành bất động sản sẽ phục hồi song song với nền kinh tế. Thậm chí một số phân khúc mang tính chất đầu cơ dài hạn như đất nông nghiệp hoặc dự án vùng ven sẽ đi sau cùng của sự phục hồi.
Theo ông, thị trường bất động sản ở phân khúc nhà phố (khoảng 5 tỷ đồng) đang rất sôi động. Nửa sau 2024 là cơ hội cuối cùng để những ai có nhu cầu ở thực hoặc là muốn đầu tư an toàn thì bước vào phân khúc nhà phố hoặc phân khúc đất ở khu vực trung tâm, đặc biệt là tuyến quận, tuyến huyện của TP.HCM và Hà Nội, hoặc là trung tâm Nha Trang, trung tâm Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, hiện tại lãi suất cho vay mua bất động sản cũng đang rất thấp, phù hợp để sử dụng đòn bẩy tài chính.
Gửi tiền ngân hàng và đầu tư vàng không còn hấp dẫn?
Ông Huấn nhận định kênh tiền gửi trong giai đoạn này không quá hấp dẫn. Dù trong thời gian gần đây đã tăng nhưng lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp, tăng trưởng nằm trong vùng định giá.
Với thị trường vàng, nếu như giai đoạn trước, người có vàng miếng bán để mua vàng nhẫn thì lãi hơn 50% thế nhưng ở thời điểm hiện tại không còn câu chuyện này nữa vì giá hai loại vàng đã tương đương nhau. Việc bán vàng để tích trữ tiền cũng không còn hấp dẫn vì giá kim loại quý đã “giảm nhiệt”.
Các chuyên gia dự báo từ đây cho tới giữa 2025 vàng còn thêm được 10% tăng trưởng nữa, khi mà Fed hạ lãi suất và địa chính trị chưa ổn định. Cho nên vàng vẫn còn dư địa tăng tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đảo chiều.
Theo ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty FIDT, giá vàng nhẫn trơn từ trước tới nay không chênh nhiều và luôn biến động đồng pha với thị trường toàn cầu. Tính từ đầu năm, vàng thế giới đã tăng khá tốt (khoảng 13%), kéo theo giá vàng nhẫn trong nước nhảy vọt. Trong khi đó, vàng miếng có hiệu suất thấp, bình quân hơn 4%. Con số này kém hơn mức tăng của USD (hơn 4,3%).
Ông Huy dự báo rằng chênh lệch giữa vàng miếng SJC và nhẫn trơn sắp tới duy trì 1-3 triệu đồng mỗi lượng và cũng ý rằng, nếu vẫn muốn đầu tư vào vàng, các nhà đầu tư thay vì tập trung dự báo giá vàng thì nên theo dõi chênh lệch giữa vàng miếng và nhẫn trơn để có cách đầu tư phù hợp.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nửa cuối năm 2024 triển vọng nền kinh tế rất sáng sủa. Với nhà đầu tư, nguyên tắc bất di bất dịch là phải đa dạng hóa danh mục, đầu tư vào nhiều kênh khác nhau.