Nửa đầu năm, thu hơn 3 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả

6 tháng đầu năm 2025, ngành hàng rau quả gặp khó khăn xuất khẩu sầu riêng giảm, tuy nhiên, những tín hiệu tích cực gần đây cho thấy, ngànhnày kỳ vọng phục hồi trong mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm.

Xuất khẩu rau quả nửa đầu năm 2025 giảm 9,7% so với cùng kỳ do sự suy giảm của mặt hàng sầu riêng.

Xuất khẩu rau quả nửa đầu năm 2025 giảm 9,7% so với cùng kỳ do sự suy giảm của mặt hàng sầu riêng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 704,8 triệu USD, tăng 14,3% so với tháng 5/2025 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngành hàng rau quả ước thu về hơn 3 tỷ USD từ xuất khẩu, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ xuất khẩu rau quả sụt giảm là do khó khăn trong xuất khẩu trái sầu riêng do bị kiểm dịch ngặt nghèo từ thị trường tỷ dân.

Những tháng đầu năm 2025, ngành hàng rau quả Việt Nam tập trung xuất khẩu các mặt hàng gồm: sầu riêng, thanh long, dừa, xoài, chuối, mít, hạt dẻ cười, chanh leo, hạnh nhân, ớt.

Thống kê từ số liệu của Cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng giảm 57,9%; thanh long giảm 0,9%, mít giảm 27,1%, trong khi kim ngạch xuất khẩu các chủng loại khác tăng khá mạnh.

Dừa trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong các tháng đầu năm nay nhờ nhu cầu từ các thị trường tăng, đẩy giá tăng cao với kim ngạch 216,3 triệu USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ. Giá dừa của Việt Nam đã tăng từ 1,21 USD/kg năm 2022 lên đến 7,26 USD/kg hiện nay, do nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm từ dừa như thực phẩm, mỹ phẩm và nhiên liệu sinh học.

Xuất khẩu xoài cũng ghi nhận tăng 10,4%, đạt 212,4 triệu USD, chanh leo 90 triệu USD, tăng 14,5%, ớt 59 triệu USD, tăng 9,7%, hạt dẻ cười 100,4 triệu USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu suy giảm trong nửa đầu năm, nhưng đã bắt đầu những tín hiệu tích cực hơn cho ngành hàng tỷ USD này, từ đó giúp ngành rau quả có thể kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh trong mùa cao điểm nhờ các vướng mắc sớm được tháo gỡ.

Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam có cơ hội phục hồi trong nửa cuối năm 2025. Nhận định trên dựa vào các yếu tố sau:

Thứ nhất, với các nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, và việc đẩy mạnh đa dạng thị trường, kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm.

Thứ hai, việc giải quyết các rào cản kỹ thuật và quy định kiểm dịch thực vật mới của Trung Quốc sẽ là chìa khóa để phục hồi xuất khẩu sầu riêng và các mặt hàng rau quả khác sang thị trường này.

Hiện, Việt Nam đang ưu tiên cấp mã vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hợp lý hóa các quy trình kiểm tra.

Thứ ba, các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Australia sẽ tiếp tục là trọng tâm để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.

Thứ tư, việc tăng cường chế biến sâu sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu trái cây tươi và giải quyết các vấn đề về bảo quản sau thu hoạch, giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động.

Năm ngoái, xuất khẩu rau quả lần đầu tiên về đích với doanh số 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023. Đây là thành quả cho nỗ lực không ngừng của nông dân và doanh nghiệp, Cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đàm phán mở cửa thị trường, tổ chức sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Kết quả xuất khẩu của nửa cuối năm 2025 hiện phụ thuộc vào nhu cầu thị trường nhập khẩu, khả năng đáp ứng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nhà xuất khẩu nội địa.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nua-dau-nam-thu-hon-3-ty-usd-tu-xuat-khau-rau-qua-d319906.html