Khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ biển
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng biển lớn đứng thứ 27 trong 157 quốc gia ven biển và các quốc đảo. Với hệ sinh thái biển phong phú, Việt Nam có cơ hội lớn biến tín chỉ carbon từ biển thành nguồn lực tài chính bền vững, thúc đẩy kinh tế xanh.
Cơ hội từ carbon xanh lam
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trên thế giới, khái niệm “Blue Carbon - Carbon xanh lam” nổi lên như một trong những hướng đi quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Định nghĩa “carbon xanh lam” ban đầu tập trung vào rừng ngập mặn, đầm lầy muối và thảm cỏ biển, nhưng hiện nay đã mở rộng sang các loại rong biển và trầm tích. Carbon xanh lam có khả năng cô lập carbon với hiệu suất cao, thời gian lưu trữ lâu, là bể chứa carbon lớn nhất và hoạt động mạnh nhất trên trái đất.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hệ sinh thái biển có thể lưu trữ carbon với tỷ lệ cao gấp 2 - 5 lần so với rừng nhiệt đới trên cùng một đơn vị diện tích. Carbon được lưu trữ trong trầm tích biển có thể giữ lại trong nhiều thiên niên kỷ, khiến các hệ sinh thái này trở thành bể chứa carbon dài hạn quan trọng.
Trong đó, rừng ngập mặn được đánh giá có khả năng lưu trữ carbon vượt trội nhờ cấu trúc rễ và thân cây. Đơn cử, sau 2 năm triển khai thí điểm hoạt động đo đếm lượng carbon lưu trữ trong rừng ngập mặn tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Trong số 3 loại cây đặc trưng gồm bần, mắm, đước thì lượng tăng trưởng cacbon bình quân hàng năm của rừng mắm là cao nhất với 8,06 tấn/ha, trong khi đó rừng bần là 6,93 tấn/ha và rừng đước là 5,32 tấn/ha. Trung bình tăng trưởng toàn khu vực là 6,77 tấn/ha/năm (tương đương 24.8 tấn CO2/ha/năm). Trên thị trường carbon tự nguyện hiện nay, mỗi tấn CO2 có giá dao động từ 5-10 USD, thì giá trị kinh tế của mỗi ha rừng ngập mặn thí điểm có thể mang lại khoảng 124 - 248 USD/năm.
Ngoài ra, rong biển cũng đang dần được chú ý như một nguồn xử lý carbon tiềm năng. Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam có diện tích nuôi rong biển tiềm năng lên tới 1 triệu ha, với khả năng sản xuất 600.000 đến 700.000 tấn rong biển khô mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng chỉ đạt 150.000 tấn, cho thấy còn nhiều dư địa để phát triển. Về khả năng cô lập carbon, rong biển có thể hấp thụ CO2 với hiệu suất cao hơn rừng từ 2 đến 5 lần, một số loài rong biển lớn có thể hấp thụ tới 20 lần. Do đó, việc mở rộng nuôi rong biển có thể tạo ra khả năng lưu trữ carbon đáng kể, giúp ngành nuôi trồng thủy sản tăng thu nhập thông qua tín dụng carbon xanh.

Hệ sinh thái biển có thể lưu trữ carbon với tỷ lệ cao gấp 2 - 5 lần so với rừng nhiệt đới
Hợp tác chặt chẽ để hóa giải thách thức
Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng theo các chuyên gia, việc đo lường carbon từ biển đang có nhiều thách thức. Rừng ngập mặn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều và thay đổi địa chất, điều này khiến cho việc thu thập dữ liệu trở nên khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và chi phí cùng với công nghệ hiện đại cũng như đội ngũ cán bộ chuyên môn cao. Ngoài ra, các hoạt động phát triển nông nghiệp và thủy sản có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái biển, gây tổn thất đáng kể đến trữ lượng carbon và chức năng sinh thái. “Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên là một bài toán khó, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương”, ông Trần Quang Bảo khẳng định.
Không chỉ vậy, hiện khung pháp lý vẫn còn thiếu đồng bộ. Mặc dù đã có Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm phát thải khí nhà kính, nhưng hiện thiếu hướng dẫn cụ thể về giao dịch, định giá và quyền sở hữu tín chỉ carbon. PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam dẫn chứng, nước ta chưa có quy định rõ ràng về quyền sở hữu carbon rừng, khiến giao dịch và phát triển thị trường gặp khó khăn. Ngoài ra, dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố gần đây cho biết, tổng diện tích rừng cả nước hiện nay có thể tạo ra 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon dư thừa mỗi năm. Trong khi đó, phát thải ròng của Việt Nam tăng từ 150,9 triệu tấn CO2 năm 2000 lên 420,7 triệu tấn năm 2020, dự kiến đạt 1.500 triệu tấn vào năm 2050. Chính vì vậy, nhu cầu bù trừ phát thải bằng tín chỉ carbon càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Để phát huy tiềm năng từ carbon xanh lam, bà Jennifer Morris, CEO của tổ chức The Nature Conservancy, đã đưa ra 4 định hướng quan trọng để phát triển nguồn cung tín chỉ carbon tự nhiên và lâu dài trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đầu tiên, cần đầu tư vào các dự án chất lượng cao với cơ sở khoa học rõ ràng và minh bạch. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tiếp cận thị trường carbon tự nguyện là rất cần thiết. Đây là những người trực tiếp bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển, phải được hưởng lợi một cách công bằng từ những giá trị mà họ tạo ra thông qua việc bán tín chỉ carbon. Điều này không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn khuyến khích sự tham gia của người dân vào công tác bảo tồn. Đồng thời, cần tích hợp carbon xanh lam vào các chiến lược quốc gia để thực hiện Thỏa thuận Paris. Các quốc gia nên xem carbon xanh lam như một phần không thể thiếu trong các kế hoạch hành động quốc gia về khí hậu, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng hấp thụ CO2 của các hệ sinh thái biển. Cuối cùng, tăng cường hợp tác toàn cầu trong phục hồi rừng ngập mặn, cỏ biển và rạn san hô rất quan trọng, điều này đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực phối hợp của cộng đồng quốc tế.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khai-thac-tiem-nang-tin-chi-carbon-tu-bien-166694.html