Ở nhiều địa phương miền Tây của tỉnh Quảng Trị những người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thường nửa đêm rọi đèn ra suối để săn loài cá "điên" sống dưới những con suối dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Theo đó, mỗi khi hoàng hôn buông xuống, những người đàn ông lại rọi đèn mang lưới vào suối để bắt loài cá đặc trưng của địa phương có lên là Mát. Sở dĩ gọi chúng như vậy vì loài cá này thường sống ở các khe suối mát lạnh, nước sạch, không bị ô nhiễm.
Theo người dân địa phương, cá Mát có kích thước khá nhỏ, con to nhất cũng chỉ bằng 2 đầu ngón tay người lớn. Loại cá này thường chỉ có trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 5 Âm lịch, số lượng cá mát không nhiều nên cá mát tươi ít được bán ra thị trường hoặc nếu bán ra thì sẽ có giá rất cao.
Người dân địa phương cũng hay gọi cá Mát là "cá điên" vì chúng tỏ ra khá tinh ranh. Dưới dòng suối trong vắt chúng có thể lởn vỡn trước mặt như chọc tức con người rồi thoắt cái lại lặn mắt tăm. Do đó, để bắt được loại cá này, những người săn cá phải ngâm mình dưới suối nhiều giờ và thả lưới.
Ngoài thả lưới thì người dân địa phương còn có một cách khác để bắt loài "cá điên" là lội dưới những khe suối rọi đèn pin cho chúng chói mắt bơi yên một chỗ rồi sau đó dùng những chiếc nỏ tự chế để bắn.
Bắt cá Mát dù khá vất vả nhưng khi bắt được cá những người dân địa phương lại được trải nghiệm một cảm giác rất thú vị là nổi lửa sưởi ấm và nướng, thưởng thức những con cá tươi ngon vừa bắt được.
Theo những người sành ăn ở Quảng Trị thì thịt cá Mát rất ngọt và chắc nhưng để tìm mua được loài cá này thì không phải lúc nào cũng có.
Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị thì cá Mát khi được bắt về có thể chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, kho nghệ… Nhưng đặc biệt nhất là món treo cá mát.
Để làm món cá Mát treo người dân thường chọn những con cá to và tươi ngon nhất sau đó mổ bụng lấy sạch ruột, đánh sạch vảy rồi mang treo lên giàn bếp lửa chừng một ngày khi cá khô lại thì mang vào chấm với muối ớt để thưởng thức.
NGUYỄN VƯƠNG