Nửa nhiệm kỳ tái cơ cấu nền kinh tế: Tạo được dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 31 của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều mục tiêu, chính sách đã phát huy tác dụng như tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ để sử dụng linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho tăng trưởng.

Chiều 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trả lời trước Quốc hội về một số nội dung liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa, xử lý trách nhiệm để thất thoát, lãng phí theo Nghị quyết 74 của Quốc hội…

Mô hình tăng trưởng chưa có thay đổi đáng kể

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tiễn của các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết, các ý kiến đã gợi mở cho Chính phủ nhiều giải pháp rất có ý nghĩa trong điều hành trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Làm rõ thêm một số nội dung về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, căn cứ vào Nghị quyết 31 của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54 để triển khai. Tháng 4/2022, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trong đó nêu cụ thể 14 mục tiêu và 102 nhiệm vụ. Tất cả những nhiệm vụ này hiện đang được các bộ, ngành và các địa phương triển khai.

Sáng 6/11, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) nêu vấn đề kết quả cơ cấu lại nền kinh tế còn hạn chế. Đến nay còn 28/102 nhiệm vụ đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt; 21/30 chỉ tiêu khó đạt mục tiêu đề ra. Đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp ưu tiên thời gian tới.

Trong câu hỏi thứ hai, đại biểu cho rằng nhiều năm qua NSNN cho giáo dục, đào tạo, văn hóa còn thấp; việc phân bổ còn dàn trải, cào bằng, thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân, chỉ tiêu, nhiệm vụ, cơ cấu lại, đổi mới việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo, văn hóa...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ đây là chương trình 5 năm, do mới thực hiện 2 năm nên chưa hoàn thành toàn bộ. Trong đó có 37 nhiệm vụ đã hoàn thành, 28 nhiệm vụ đang triển khai và đang hoàn thiện để có văn bản phê duyệt, 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch. Trong 23 chỉ tiêu, có 10 chỉ tiêu khả năng hoàn thành và một số chỉ tiêu khó thực hiện trong thời gian tới.

Thực tế, theo Phó Thủ tướng, sau 2 năm triển khai nhiều mục tiêu và chính sách đã phát huy tác dụng như tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ để sử dụng linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho tăng trưởng. Các thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp… tiếp tục phát triển.

“Trong thời gian qua đã khai trương sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và thị trường chứng khoán đang phấn đấu để tiến tới từ cận biên sang thị trường mới nổi” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói. Nhiều mục tiêu khác như mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp, phát triển hạ tầng… cũng đã được quan tâm thúc đẩy.

Mặt khác, một số chỉ tiêu chưa đạt, cần phải phấn đấu và nỗ lực trong thời gian tới như tăng năng suất lao động, tỷ trọng chi cho khoa học, công nghệ, hay cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng cũng chưa thay đổi đáng kể.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy mạnh hoàn thiện các mục tiêu cơ cấu lại những lĩnh vực trọng tâm, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước…

Đối với ý kiến đại biểu về phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực giáo dục, văn hóa và xã hội, Phó Thủ tướng khẳng định Quốc hội, Chính phủ cũng rất quan tâm để bố trí nguồn lực cho hai lĩnh vực này.

Bình quân hàng năm, ngân sách bố trí khoảng 14,7% tổng chi cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong kế hoạch đầu tư công cũng dành khoảng 3,7% chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Lĩnh vực văn hóa cũng ngày càng được quan tâm, đơn cử như vừa qua đã bố trí gần 2.000 tỷ đồng để tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử.

Tuy vậy, đúng như nhiều đại biểu nêu, nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, còn tình trạng dàn trải, phân bổ trong nhiều năm và sử dụng không hết dự toán, Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực xã hội; sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư tài chính, hợp tác công tư để huy động các nguồn lực. Trước mắt, giải pháp cần làm là khẩn trương sửa đổi Nghị định 32 để đặt hàng, đấu thầu… nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng NSNN.

Toàn cảnh phiên trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Toàn cảnh phiên trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu với cổ phần hóa

Tiếp tục trả lời về vấn đề kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, sau khi Nghị quyết 74 được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, việc triển khai ở các bộ, ngành kết quả cũng chưa như mong muốn. Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm và xử lý những vi phạm, tồn tại, liên quan đến trách nhiệm, nhằm thực hiện công tác THTK, CLP có hiệu quả.

Một vấn đề khác cũng được Phó Thủ tướng trình bày tại phiên họp là cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN. Theo Phó Thủ tướng, cả trong nhiệm kỳ trước và nửa nhiệm kỳ này, việc cơ cấu lại DNNN đều chậm. Giai đoạn trước chỉ thực hiện được 30%. Trong 10 tháng năm 2023, kết quả cũng rất khiêm tốn.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó có bất ổn của thị trường tài chính trong nước, tác động của dịch bệnh khiến nhu cầu đầu tư bị hạn chế. Hơn nữa, đặc thù của các doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay đều là những doanh nghiệp rất khó khăn và những doanh nghiệp lớn. Có những doanh nghiệp, tổng công ty khi cổ phần hóa thì sự tham gia của xã hội chỉ đạt khoảng 1% như Genco1, Genco2, Genco3... Đặc biệt các trình tự, thủ tục, các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này rất phức tạp…

Trước thực tế này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc và chỉ đạo các ngành, các cấp để đẩy nhanh tiến độ, rà soát và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là đại diện chủ sở hữu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Giải quyết dứt điểm vướng mắc giữa chi thường xuyên và chi đầu tư

Liên quan tới nội dung được trao đổi giữa các cơ quan về việc dùng chi thường xuyên hay chi đầu tư để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục đầu tư, Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành, rà soát các luật, các văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ tình hình thực tế để có đề xuất tổng thể để giải quyết dứt điểm việc này.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nua-nhiem-ky-tai-co-cau-nen-kinh-te-tao-duoc-du-dia-cho-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-138962.html