Nửa tháng, VN-Index mất 36 điểm, tâm lý e ngại bao trùm lên nhà đầu tư

Chị Ngọc Trâm (34 tuổi, Q. Đống Đa, Hà Nội, là nhà đầu tư chứng khoán lâu năm) cho biết, kể từ sau dịp nghỉ lễ 2/9 đến nay, chị không thực hiện bất kỳ giao dịch nào tại sàn vì thấy dấu hiệu rung lắc. Thực tế, chỉ từ đầu tháng 9 đến nay, VN-Index giảm mạnh hơn 36 điểm kèm theo thanh khoản yếu.

 VN-Index lao dốc, đánh mất mọi nỗ lực sau phiên “bùng nổ” chỉ trong 1 tháng. Ảnh minh họa

VN-Index lao dốc, đánh mất mọi nỗ lực sau phiên “bùng nổ” chỉ trong 1 tháng. Ảnh minh họa

Sắc đỏ lan rộng, dòng tiền dè dặt

Mở phiên đầu tuần, 16/9/2024, VN-Index kết thúc với 1.239 sau khi giảm gần 13 điểm (tương đương với mức giảm 1%), chỉ số chính thức về dưới ngưỡng 1.240 điểm.

Như vậy, kể từ phiên tăng mạnh gần 29 điểm vào ngày 16/8/2024 phục hồi về ngưỡng 1.250 điểm, chỉ số VN-Index dường như đang "đánh mất" mọi nỗ lực trong vòng 1 tháng qua, khi quay về vùng điểm trước phiên "bùng nổ".

Sắc đỏ lan rộng thị trường với 469 mã giảm và 227 mã tăng. Cùng lúc đó, thanh khoản thị trường gia tăng trước áp lực bán mạnh, đạt hơn 13.400 tỷ đồng, tăng 15% so với phiên trước. Tuy nhiên, nhìn chung, dòng tiền vẫn có sự dè dặt so với thời điểm trước đó 2 tuần.

Cụ thể ở trường hợp chị Ngọc Trâm (34 tuổi, Q. Đống Đa, Hà Nội), là nhà đầu tư lâu năm, kể từ sau dịp nghỉ lễ 2/9 đến nay, chị không thực hiện bất kỳ giao dịch nào tại sàn: "Từ cuối tháng 8, tôi đã thấy thị trường có dấu hiệu rung lắc khá nhiều nên cũng dè dặt hơn trong giao dịch. Tới giờ, cũng chưa có tín hiệu cụ thể nào khởi sắc nên tạm thời tôi đặt mục tiêu bảo toàn tài sản là quan trọng nhất, ngoài ra, nếu có cơ hội thì sẽ bán bớt cổ phiếu để hạ tỷ trọng".

"Sắc đỏ" tiếp tục chiếm lấy toàn thị trường

"Sắc đỏ" tiếp tục chiếm lấy toàn thị trường

79% nhóm ngành giảm giá

Toàn thị trường có 19/24 nhóm ngành giảm giá (79%), trong đó nhóm bất động sản "nối dài" đà tiêu cực từ tuần trước khi giảm gần 1,5%, với sự góp mặt của nhiều mã lớn như VHM (Vinhomes, HOSE), VIC (Vingroup, HOSE), PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE), NVL (Novaland, HOSE), DIG (DIC Group, HOSE).

Nhóm cổ phiếu tài chính: ngân hàng và chứng khoán cũng ghi nhận diễn biến không mấy khả quan như: HCM (Chứng khoán TPHCM, HOSE) giảm 3,4%, VIX (Chứng khoán VIX, HOSE) giảm 2,2%, CTG (VietinBank, HOSE) giảm 0,7%, TPB (TPBank, HOSE) giảm 0,8%,…

Ngoài ra là các nhóm ngành thép, tiêu dùng và dầu khí cũng chìm trong sắc đỏ, giảm khoảng 1%.

Chỉ có nhóm Hóa chất còn giữ được cân bằng đến hết phiên nhờ GVR (Công nghiệp Cao su Việt Nam, HOSE) tăng 0,9%, DDV (DAP - VINACHEM, HOSE) tăng 0,6%, DPM (Phân bón - Hóa chất Dầu khí, HOSE) tăng 0,6%,…

NAB tăng đỉnh, ngược dòng với bối cảnh thị trường (Ảnh: SSI iBoard)

NAB tăng đỉnh, ngược dòng với bối cảnh thị trường (Ảnh: SSI iBoard)

Ngược dòng thị trường, "điểm sáng" xuất hiện ở NAB (Nam Á Bank, HOSE) "tăng trần" hơn 6%, đạt thị giá cao nhất lịch sử 17.500 đồng/cp, giúp chỉ số thu hẹp biên độ giảm.

Kế tiếp là D2D (Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2, HOSE) và BMP (Nhựa Bình Minh, HOSE) cũng lần lượt hút dòng tiền mạnh trước bối cảnh ảm đạm của thịt trường, tăng lần lượt 5,25% và 2,86%.

Sau 2 phiên liên tiếp bán ròng vào cuối tuần trước, khối ngoại có động thái đảo chiều mua ròng trở lại, đạt hơn 240 tỷ đồng, dẫn đầu là TCB (Techcombank, HOSE) là 70 tỷ đồng, NAB (Nam Á Bank, HOSE) là 54 tỷ đồng,...

Ngược lại, ở chiều bán ròng, HSG (Tôn Hoa Sen, HOSE) dẫn đầu với 43 tỷ đồng, MWG (Thế giới Di động, HOSE) là 41 tỷ đồng, VCI (Chứng khoán Vietcap, HOSE) là 34 tỷ đồng.

Tâm lý chờ tín hiệu kinh tế rõ ràng

Trước xu hướng "trầm lắng" hiện nay của thị trường, giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu thông tin tích cực từ nền kinh tế để tạo động lực tăng trưởng cho thị trường.

Theo ông Đỗ Thanh Sơn, trưởng phòng tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset, có thể thấy rõ kinh tế vẫn còn khá mong manh, mọi sự chú ý tập trung vào (1) tác động từ việc suy thoái tại các thị trường lớn, (2) phục hồi 2 quý cuối năm không như kỳ vọng, (3) chính sách của Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới có thể tạo ra nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là chính sách ngoại thương.

Ngoài ra, toàn thị trường đang chờ các thông tin từ kinh tế vĩ mô, điển hình là động thái hạ lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 9 này.

Mặc dù đang trong xu hướng tiêu cực, song, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng, thị trường còn dư địa tích cực để tăng trưởng trong những tháng cuối năm, như: bối cảnh thị trường bất động sản đang dần phục hồi, kéo theo đó sẽ là nhiều nhóm ngành khác cũng sẽ tăng trưởng cùng: sắt thép, vật liệu xây dựng,… Cùng với đó là nền kinh tế phục hồi sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng.

Ông Sơn cho biết thêm, mặc dù còn chịu áp lực bán của khối ngoại, nhưng, lực bán được cho là sẽ sớm suy giảm nửa cuối tháng 9 nhờ dòng vốn đã có tín hiệu trở lại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng có thể là một tín hiệu tích cực cho thị trường thời gian tới.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nua-thang-vn-index-mat-36-diem-tam-ly-e-ngai-bao-trum-len-nha-dau-tu-20240916173109495.htm