Nửa thế kỷ bảo tồn di sản của đôi thi sĩ Đông Hồ, Mộng Tuyết

Hơn 50 năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - cháu họ của nữ sĩ Mộng Tuyết đã lưu giữ những di sản của hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết để lại. Tại nhà lưu niệm Đông Hồ, hàng ngày, bà Hoa quét dọn và sắp xếp từng trang thơ để lưu giữ cho thế hệ sau những kiệt tác văn học.

Nhiều người dân địa phương và khách du lịch khi đến TP. Hà Tiên (Kiên Giang) quen với hình ảnh bà Nguyễn Thị Thanh Hoa ngoài 70 tuổi vẫn ngày ngày mở cửa, quét dọn nhà lưu niệm Đông Hồ.

50 năm qua, đều đặn 7 giờ 30 phút mỗi ngày, bà Hoa lại mở cửa nhà lưu niệm để người dân và khách du lịch tham quan tác phẩm của hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết. Nhà lưu niệm trở thành ngôi nhà thứ hai và là nơi lưu giữ tuổi thanh xuân của bà Hoa.

Theo bà Hoa, bà sống cùng gia đình hai nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết từ lúc bà mới 6 tuổi. Sau khi nhà thơ Đông Hồ mất, bà Hoa không lập gia đình, sống cùng nữ sĩ Mộng Tuyết giúp nữ sĩ lưu giữ những tác phẩm thơ văn. Đến năm 1995, nữ sĩ Mộng Tuyết mất, bà Hoa ở lại nhà của nữ sĩ để sắp xếp và bảo tồn các tác phẩm văn học của hai nhà thơ.

“Với tôi, hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết như cha mẹ. Tôi hiểu sinh hoạt hàng ngày và sở thích lưu giữ, sắp xếp các tập thơ văn của hai nhà thơ, từ đó các tập thơ văn đều được tôi sắp xếp đúng hiện trạng trước đây. Giường, bàn, tủ đựng sách, thơ tôi giữ lại để các thế hệ sau tìm hiểu. Đối với tôi, việc bảo tồn không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui khi được kể lại những câu chuyện cho các thế hệ”, bà Hoa nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho bà Nguyễn Thị Thanh Hoa vì có thành tích xuất sắc đóng góp về đất và tài sản cho địa phương trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho bà Nguyễn Thị Thanh Hoa vì có thành tích xuất sắc đóng góp về đất và tài sản cho địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bà Hoa kể, khi còn trẻ bà thường ngủ và sinh hoạt tại nhà lưu niệm Đông Hồ để chăm sóc cây và dọn vệ sinh, lớn tuổi bà ở nhà lưu niệm ban ngày và chiều về nhà với người thân. Bà Hoa thường nhổ cỏ, tưới cây tại nhà lưu niệm Đông Hồ.

Nhà lưu niệm Đông Hồ có 1.144 quyển sách; 446 bức tranh, ảnh; 937 tờ báo, tạp chí được bà Hoa sắp xếp ngay ngắn theo từng mục để người dân dễ tìm. Trên bàn thờ của hai nhà thơ hương khói đều được bà dâng hàng ngày.

Khi người dân và khách du lịch đến tham quan nhà lưu niệm, bà Hoa trở thành hướng dẫn viên giới thiệu về tác phẩm của hai nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết.

Anh Nguyễn Thanh Nhân - sinh viên Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Nhà lưu niệm sạch, các cuốn thơ, văn được xếp ngay ngắn. Chúng tôi đến đây để làm đề tài nghiên cứu và được bà Hoa hướng dẫn tận tình. Bà kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm của bà lúc sống cùng gia đình hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết, đó là tài liệu sống quý giá giúp chúng tôi hoàn thành đề tài nghiên cứu”.

Quá trình lưu giữ, bảo tồn các hiện vật, bà Hoa gặp khó khăn, trong đó khó khăn nhất vẫn là sức khỏe, vì thế bà Hoa bàn giao nhà lưu niệm Đông Hồ và di sản của hai nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết cho UBND TP. Hà Tiên quản lý, còn bà về sống tại khu phố 1, phường Đông Hồ. Tuy nhiên, bà Hoa vẫn thường xuyên đến nhà lưu niệm để kể cho khách du lịch nghe những câu chuyện về hai nhà thơ.

Với những đóng góp cho việc bảo tồn văn học, nghệ thuật, bà Hoa vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc đóng góp về đất và tài sản cho địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhà lưu niệm Đông Hồ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

“Bà Hoa là một trong những gương tiêu biểu và có hành động đẹp trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tại TP. Hà Tiên. Việc làm của bà đóng góp cho sự phát triển văn hóa truyền thống của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên Liêu Khắc Dũng nói.

Bài và ảnh: ĐĂNG VƯƠNG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/nua-the-ky-bao-ton-di-san-cua-doi-thi-si-dong-ho-mong-tuyet-12578.html