Vị quan nào từng đòi chặt chân người thân vì xin chức tước?
Ông không chỉ là người có vai trò quyết định với cơ nghiệp nhà Trần mà còn để lại những giai thoại về tính chính trực, liêm minh mà ít người có.
Ông chính là Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264), quê làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Trần Thủ Độ được biết đến là người đoạt vương vị cho nhà Trần, cũng là người mang trọng trách gánh vác hoàng triều Trần thời kỳ đầu, mở ra vương triều huy hoàng. Với võ công thượng thừa, tài chỉ huy quân sự, ông đã đánh Đông, dẹp Bắc, dần đưa đất nước vào ổn định.
Không chỉ là người có vai trò quyết định với cơ nghiệp nhà Trần, Trần Thủ Độ còn để lại những giai thoại về tính chính trực, liêm minh mà ít người có.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, bấy giờ có kẻ căm tức ông, vào gặp vua Trần Thái Tông, khóc mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Vua lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Trần Thủ Độ biết. Nghe xong, ông trả lời rằng: “Quả có đúng như những lời hắn nói thật", xong đem tiền, lụa mà thưởng cho.
Theo sách Việt sử giai thoại, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (vợ Trần Thủ Độ) có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại. Bà về dinh khóc bảo với chồng: "Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế".
Trần Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người này cứ theo sự thực trả lời. Trần Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa", sau đó lấy vàng, lụa thưởng rồi cho về.
Có lần, Trần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người được làm chức Câu đương (chức quan nhỏ ở xã), Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến.
Đối diện với người xin xỏ, Trần Thủ Độ bảo: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!”. Người đó van xin mãi mới được tha. Từ đó, không ai dám đến xin ông vì việc riêng nữa.
Nhiều nhà sử gia cho rằng, Trần Thủ Độ là người quyết liệt, mưu cao, kế sâu, biết nắm bắt cơ hội khi triều Lý suy yếu để lập nên vương triều Trần. Trước khi mất chỉ vài tháng, dù đã ở độ tuổi trên 70, Trần Thủ Độ vẫn dẫn người đi tuần nguồn sông ở Lạng Sơn. Chi tiết này đã chứng tỏ Trần Thủ Độ tận lực lo cho việc nước như thế nào.