Nửa thế kỷ chuyện 'trồng người' ở Cà MauBài 1: Dựng trường, mở lớp, tìm giáo viên
Từ 'vùng trũng' giáo dục khi giải phóng (30/4/1975), sau nửa thế kỷ, Cà Mau - vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đã có thể tự tin, tự hào để nói về một vùng đất hiếu học, vùng đất học. Một nhà giáo về hưu, được tăng cường từ miền Bắc vào để giảng dạy những năm đầu sau giải phóng, đã nói đại ý về giáo dục Cà Mau: 'Bác Hồ dạy 'mười năm trồng cây, trăm năm trồng người'. Cà Mau là đất lành, thế nên rừng ở Cà Mau mênh mông đước tràm, chim kéo về làm tổ. Con người Cà Mau thì có bản sắc, cá tính riêng, chúng tôi, những người làm nghề giáo chỉ có mặt và góp thêm những điều mình có, nhỏ bé thôi, để khơi mở nội lực lớn lao của tài nguyên con người nơi đây'.
Bài 1: Dựng trường, mở lớp, tìm giáo viên
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), tỉnh Cà Mau, sau đó là tỉnh Minh Hải, bước vào giai đoạn tái thiết và phát triển trong muôn vàn khó khăn. Dựng trường, mở lớp, tìm giáo viên để con em Cà Mau - Minh Hải, những thế hệ khởi đầu của quê hương, đất nước sau hòa bình, thống nhất được học hành, khơi mở tương lai từ ánh sáng con chữ, tri thức là khát vọng chung của ngành giáo dục.
Khởi đầu gian khó
Ðến hết tháng 9/1975, toàn tỉnh Cà Mau có 142 trường phổ thông chuyển sang hệ thống giáo dục mới gồm 3 cấp, từ cấp 1 (lớp 1 đến lớp 5), cấp 2 (từ lớp 6 đến lớp 9), đến cấp 3 (từ lớp 10 đến lớp 12) đã hoạt động có nền nếp. Năm học 1975-1976, toàn tỉnh Minh Hải có 153.380 học sinh phổ thông từ cấp 1 đến cấp 3 đã bước vào năm học mới - năm học đầu tiên sau giải phóng, tạo sinh khí mới cho chế độ mới; sách giáo khoa mới đã được phân phối kịp thời đến học sinh, thay thế toàn bộ sách giáo khoa cũ.
Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Thái Văn Long, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sau giải phóng, về cơ sở vật chất trường lớp học, phần lớn các điểm trường đều tạm bợ, tranh tre nứa lá, không có bàn ghế kiên cố, thiếu thốn phòng học nghiêm trọng, chủ yếu do chính quyền và Nhân dân tự xây dựng. Nhiều nơi, lớp học chỉ là những mái lá dựng tạm giữa rừng tràm, ven sông hoặc giữa đồng ruộng”.

Dù ở thời điểm nào, hoàn cảnh nào, người giáo viên luôn đặt học trò lên hàng đầu, tận tâm dạy dỗ, dìu dắt các em trên con đường tri thức và nhân cách. (Ảnh: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Danh Thị Tươi).
“Thời đó, thầy cô giáo và học sinh trong cảnh mùa mưa, nước ngập, dột ướt, học sinh phải đi bộ nhiều cây số qua kênh rạch, bì bõm trong bùn lầy để đến trường; mùa nắng thì oi bức, nóng nực. Tình trạng “ba ca học”, “hai lớp ghép”, “một phòng - nhiều lớp”... diễn ra phổ biến. Thiếu thốn thiết bị dạy học, sách giáo khoa khan hiếm, nhiều giáo viên phải tự chép bài lên bảng cho học sinh ghi theo, hoặc dùng những tài liệu cũ còn sót lại để giảng dạy”, ông Thái Văn Long chia sẻ thêm.
Số lượng giáo viên cực kỳ thiếu hụt, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa như U Minh, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển... Lúc ấy, đa phần giáo viên chưa qua đào tạo sư phạm bài bản, phần lớn chỉ có trình độ phổ thông hoặc đào tạo cấp tốc (các lớp sư phạm 9+1, 9+2, 9+3). Trong giai đoạn đầu sau giải phóng, chính sách hỗ trợ giáo viên còn hạn chế. Việc bồi dưỡng chuyên môn hay chuẩn hóa trình độ chưa đảm bảo.
Trình độ chuyên môn của giáo viên chưa đồng đều, do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều thầy cô không có điều kiện học hành bài bản. Một số nơi phải sử dụng “thầy giáo làng”, cán bộ địa phương kiêm nhiệm để đảm đương công tác giảng dạy. Ðời sống giáo viên rất khó khăn, thu nhập thấp, không có lương cố định, nơi ăn ở tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Có giáo viên phải “vác bảng đi dạy”, ở nhờ nhà dân, sống đạm bạc nhưng vẫn bám trụ với nghề vì tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”.
Tái thiết, hồi sinh, khởi sắc
Ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, thời điểm tiếp quản thị xã Cà Mau là nhân sự ngành giáo dục, cho biết: “Thời điểm đó, giáo dục ngó đâu cũng là khó khăn. Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên đều phải bắt đầu xây dựng lại từ xuất phát điểm rất thấp. Nhưng sự quan tâm, quyết tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự ủng hộ, đồng thuận, đồng hành của toàn xã hội, nhất là ý chí, nội lực, tinh thần vượt khó của ngành GD&ÐT, từ cán bộ quản lý đến giáo viên và học sinh, mọi thứ bắt đầu được tái thiết, hồi sinh mạnh mẽ”.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục chủ động trang bị thiết bị hiện đại như máy tính, internet, tivi phục vụ giảng dạy, tạo môi tường học tập hấp dẫn, hứng thú cho học sinh. (Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ A).
Chính nhờ sự kiên cường, tâm huyết và bản lĩnh ấy mà ngành giáo dục Cà Mau đã từng bước vượt qua nghịch cảnh, tạo nền tảng cho những bước phát triển vững chắc sau này. Mỗi ngôi trường được dựng lên, mỗi lớp học duy trì được sĩ số học sinh là một chiến công thầm lặng của những con người tận tụy, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao dân trí cho địa phương.
Hành trình ấy được khởi đầu, vun đắp thêm niềm tin, sức mạnh từ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên Cà Mau đã không ngừng nỗ lực, bám trụ với nghề bằng sự kiên trì, tâm huyết và niềm tin vào tương lai con em quê hương. Tiêu biểu nhất thời điểm bấy giờ là các phong trào Bình dân học vụ, thực hiện phong trào xóa mù chữ, diệt giặc dốt; hình ảnh những ngọn đèn dầu, mọi người cùng học với phương châm “người biết chữ dạy người chưa biết chữ”.
21 năm từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), đến khi tỉnh Minh Hải chia tách thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu (ngày 1/1/1997), ngành giáo dục Cà Mau đã có sự phát triển vượt bậc. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, toàn diện.
Ông Thái Văn Long đánh giá: “Ngành giáo dục tỉnh nhà đã gặt hái được những thành tựu phải nói là kỳ tích trong quá trình tái thiết, phát triển, trưởng thành. Toàn tỉnh đã thiết lập, xây dựng được hệ thống trường lớp theo hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, mạng lưới trường lớp rải đều ở các xã và các ngành học phát triển cân đối. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng hoàn chỉnh và khang trang, sạch đẹp. Tỷ lệ về số lớp trên 1 phòng học ngày càng giảm, trang thiết bị phục vụ dạy và học ngày càng hiện đại và tương đối đầy đủ, phục vụ cơ bản việc giảng dạy các môn học”.
Cùng với đó, tỷ lệ huy động học sinh đi học ở các bậc học, ngành học đều cao và tăng theo từng năm, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần. Ðây là lợi thế cơ bản giúp GD&ÐT của tỉnh có điều kiện để tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng GD&ÐT và công tác phổ cập giáo dục.
Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt hiệu quả ngày càng cao. Ðội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tăng cường chi viện từ các tỉnh, nhất là phía Bắc hầu hết đã ổn định và được thay thế dần là người địa phương, từng bước được đào tạo cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình và say mê với công việc.

Cơ sở trường lớp được đầu tư ngày càng khang trang, kiên cố, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh được học tập, vui chơi trong môi trường giáo dục an toàn. (Ảnh: Trường Tiểu học Ðông Thới 2).
Hệ thống giáo dục được đổi mới về cơ cấu và cơ chế, các loại hình giáo dục được đa dạng hóa ngày càng thích ứng với những đổi mới kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ đã được đẩy mạnh và đạt kết quả tốt. Chất lượng giáo dục cả học sinh phổ thông và học viên bổ túc có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lưu ban ngày càng giảm; tỷ lệ chuyển cấp, tốt nghiệp, thi đỗ vào đại học, cao đẳng... đạt mức bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Giáo dục bổ túc và chuyên nghiệp của tỉnh Cà Mau tuy còn non trẻ nhưng quy mô đào tạo đã được mở rộng, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực cho địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho người học kiếm việc làm và ổn định đời sống. Mạng lưới các trường chuyên nghiệp của tỉnh từng bước được hoàn chỉnh, đi vào hoạt động có nền nếp.
Nhà giáo Ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ vẫn còn vẹn nguyên những ấn tượng khó phai mờ về hành trình kỳ diệu của giáo dục Cà Mau, khi cho rằng: “Phải nói là giáo dục của Cà Mau từ khó khăn bủa vây cho đến diện mạo tươi mới, sinh khí phấn khởi, thành tựu tự hào chính là kết tinh từ công sức, tấm lòng, trí tuệ của cả hệ thống chính trị, xã hội, nhất là của nhiều thế hệ người làm công tác giáo dục địa phương. Sự nghiệp “trồng người trăm năm” của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc từ đó thêm vững tin, thêm sức mạnh để làm nên những kỳ tích mới”.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nua-the-ky-chuyen-trong-nguoi-o-ca-mau-a104899.html