Nửa thế kỷ ưu tiên phát triển giáo dục

Đến nay, Đồng Nai có hệ thống trường lớp và số lượng giáo viên, học sinh đứng thứ 5/63 tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở đào tạo nghề đã được hoàn thiện từ trung cấp đến đại học và có vị trí xứng đáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) tiếp cận với lập trình robot. Ảnh: C.Nghĩa

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Trịnh Hoài Đức (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) tiếp cận với lập trình robot. Ảnh: C.Nghĩa

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GDĐT) Trương Thị Kim Huệ cho biết: “GDĐT Đồng Nai đã có bước phát triển lớn mạnh sau nửa thế kỷ, kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có được thành quả đó là nhờ sự quan tâm đầu tư chiến lược của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, luôn coi GDĐT là quốc sách hàng đầu”.

Đi lên từ gian khó

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, ngành giáo dục Đồng Nai đứng trước vô vàn khó khăn, khi trường lớp và đội ngũ giáo viên thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa như: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu… phần lớn chỉ có trường lớp được dựng tạm. Học sinh từ các xã phải đi rất xa mới đến được trường đặt ở trung tâm xã, hoặc trung tâm huyện. Đội ngũ giáo viên không những thiếu mà trình độ còn hạn chế, chủ yếu là tốt nghiệp các khóa đào tạo trình độ trung cấp sư phạm. Đặc biệt, khoảng cách phát triển giáo dục giữa khu vực thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất lớn.

Ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), sau ngày giải phóng, phần đông đồng bào là người dân tộc thiểu số, không biết đọc, không biết viết. Thế nhưng hiện nay, xã đã có đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, với 100% số trường đều được công nhận trường chuẩn quốc gia. Giáo dục đã làm thay đổi cả nhận thức lẫn kinh tế của nhiều gia đình.

Nguyên Phó giám đốc Sở GDĐT Võ Ngọc Thạch cho hay, Đồng Nai đã tập trung phát triển giáo dục một cách đồng bộ, không để bất cứ người dân nào phải đứng ngoài chính sách giáo dục. Những đối tượng yếu thế còn được quan tâm nhiều hơn. Đơn cử như học sinh dân tộc thiểu số sau khi học hết bậc trung học cơ sở sẽ được ưu tiên chuyển đến học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh tại xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom). Các em không những được miễn học phí mà hàng tháng còn được chu cấp thêm kinh phí học tập.

Theo Sở GDĐT, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành có quy mô trường lớp, giáo viên và học sinh lớn thuộc tốp đầu cả nước với trên 920 trường từ mầm non đến phổ thông. Chỉ tính riêng ở bậc học mầm non và phổ thông, toàn tỉnh đã có trên 33 ngàn giáo viên và hơn 730 ngàn học sinh. Đồng Nai còn là một trong những địa phương phát triển mạnh hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, đứng thứ 2 ở vùng Đông Nam Bộ, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng Nai hiện có 188/922 trường từ mầm non đến trung học phổ thông được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (chiếm 20,6% tổng số cơ sở giáo dục toàn tỉnh). Mạng lưới trường học ngoài công lập của tỉnh đang đáp ứng chỗ học cho 145 ngàn học sinh các cấp học từ mầm non đến phổ thông (chiếm khoảng 19% số học sinh toàn tỉnh).

Nâng tầm giáo dục Đồng Nai

Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, ngành GDĐT tiếp tục được xác định có vị trí quan trọng với những bước đầu tư cụ thể. Trong định hướng của tỉnh, Đồng Nai sẽ có thêm một loạt cơ sở giáo dục mới, trong đó Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh mở cơ sở tại xã Phước Bình (huyện Long Thành); Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh mở cơ sở đào tạo ngành hàng không, ngành đường sắt tốc độ cao tại xã An Phước (huyện Long Thành); Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh mở phân hiệu tại phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa). Bên cạnh đó, tỉnh quy hoạch các khu đô thị về giáo dục đại học tại huyện Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh…

Với vị thế của mình trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, Đồng Nai đang được kỳ vọng phát triển một hệ sinh thái giáo dục chất lượng cao, gắn với kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc.

Theo Sở Tài chính, thời gian qua, có khá nhiều đơn vị đến Đồng Nai để tìm hiểu về cơ hội đầu tư các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo nghề chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao với ngành học đa dạng như: nhân lực hàng không, vận tải logistics, mở các cơ sở giáo dục phổ thông đến đại học đẳng cấp quốc tế. Trong tương lai không xa, Đồng Nai sẽ có trung tâm nghiên cứu hạt nhân và trung tâm nghiên cứu phát triển đường sắt tốc độ cao đã được quy hoạch tại xã Hàng Gòn (thành phố Long Khánh).

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (ở xã Long Phước, huyện Long Thành) Nguyễn Khánh Cường chia sẻ, dù chỉ là một trường đào tạo trình độ cao đẳng nhưng trong nhiều năm qua, được tỉnh quan tâm và tạo điều kiện, đến nay nhà trường đã có nhiều ngành trọng điểm về điện tử, điện lạnh, cơ khí chính xác đạt chuẩn trình độ của Vương quốc Anh, Mỹ và Úc. Trường đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ đào tạo nhân lực hàng không với những doanh nghiệp hàng không hàng đầu ở Việt Nam như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Hãng hàng không Vietjet Air, tiến tới cung cấp nhân lực hàng không cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng Lâm Thành Hiển cho biết, gần 30 năm qua, nhà trường đã nỗ lực trưởng thành từ những bước đi đầu tiên rất khó khăn, thử thách và đến nay đã trở thành một trường đại học có quy mô lớn của tỉnh. Để góp phần cung cấp nhân lực theo định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh, trường đã đào tạo các ngành mới như: logistics, trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó, trường không ngừng chuẩn hóa các ngành đào tạo theo chuẩn của ASEAN và Hoa Kỳ.

Phó giám đốc Sở GDĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay, với dân số đông, nhu cầu về trường lớp rất lớn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách hàng năm cho giáo dục lại có hạn nên những năm qua, Đồng Nai đã có sự chủ động và linh hoạt thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục ở tất cả các cấp học. Thời gian tới, ngoài phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và nhân lực chất lượng cao.

Đặng Công

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/giao-duc/202504/nua-the-ky-uu-tien-phat-trien-giao-duc-1ae1331/