'Núi nợ' 141 tỉ USD sắp đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc
Nỗ lực ngăn làn sóng vỡ nợ trái phiếu bất động sản của chính quyền Trung Quốc sẽ đối mặt với một thách thức lớn trong năm 2023: 958 tỉ NDT (tương đương 141 tỉ USD) trái phiếu sắp đáo hạn.
Trích dẫn số liệu của China Index Academy, tờ Caixin cho rằng các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ phải đối diện với sức ép thanh toán lãi khi lượng trái phiếu cả nội tệ và ngoại tệ trị giá 958 tỉ NDT (khoảng 141 tỉ USD) sẽ đáo hạn vào cuối năm 2023.
Con số này cao hơn 70 tỉ NDT so với năm ngoái, theo Liu Shui, chuyên gia nghiên cứu đến từ China Index Academy. Trong đó, lượng trái phiếu nội địa chiếm tới 2/3 tổng trái phiếu sắp đáo hạn.
Riêng trong quý đầu năm 2023, khoảng 263 tỉ NDT trái phiếu được các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc phát hành sẽ đáo hạn.
Trong số đó, gần 40 tỉ NDT trái phiếu nội tệ và gần 70 tỉ NDT trái phiếu ngoại tệ mà các nhà phát triển bất động sản phát hành giờ được xem là rủi ro hoặc căng thẳng, theo báo cáo của China Index Academy.
“Nhiều công ty bất động sản vẫn có nguy cơ bị vỡ nợ, bởi họ đối mặt với sức ép trả nợ ngày càng tăng, trong khi doanh số bán nhà vẫn chưa được phục hồi ổn định,” ông Liu viết trong báo cáo. “một số doanh nghiệp bị hạn chế nguồn cung tài chính, bởi vậy họ vẫn có rủi ro vỡ nợ.”
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, từng được Phó Thủ tướng Lưu Hạc mô tả như một “cột trụ” của nền kinh tế trong bài phát biểu tháng 12 năm ngoái, đã trải qua cuộc khủng hoảng kéo dài suốt hơn 1 năm qua.
Nhiều nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn, chủ yếu do doanh số bán nhà giảm và không thể huy động nguồn vốn mới, do một số biện pháp kiểm soát của chính phủ. Tình trạng khan vốn đã đẩy họ vào tình trạng căng thẳng tài chính chưa từng có tiền lệ, đẩy nhiều doanh nghiệp vào chỗ vỡ nợ hoặc đàm phán dài hạn với các chủ nợ để tái cấu trúc lại các cam kết trả nợ.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã vỡ nợ 149,6 tỉ NDT trái phiếu nội địa và 30 tỉ USD trái phiếu ngoại tệ, gấp 2,5 lần và 3,5 lần (theo thứ tự) so với năm 2021; theo dữ liệu của GF Securities.
3 doanh nghiệp lớn nhất bị vỡ nợ là China Evergrande Group, Yango Group và Sunac China Holdings, theo báo cáo trên. Ở thị trường trái phiếu ngoại tệ, 26 doanh nghiệp đã vỡ nợ, trong đó Sunac và Evergrande đứng đầu danh sách.
Như VietTimes đã đưa tin, chính quyền Trung Quốc mới đây công bố hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp có rủi ro nợ thấp, tăng nguồn vốn dành cho họ thông qua các khoản vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ở đại lục và Hong Kong.
Những động thái này là một phần trong chính sách hỗ trợ nhằm củng cố thị trường bất động sản, trong đó bao gồm chương trình hỗ trợ phát hành trái phiếu của chính phủ, hạn mức cho vay mới để hỗ trợ các dự án nhà chưa hoàn thiện và nới lỏng một số hạn chế với cơ chế cho vay để khuyến khích các ngân hàng giúp doanh nghiệp trả lãi trái phiếu bằng đồng USD.
Các biện pháp này dường như đã mang lại hiệu quả, ít nhất là đối với các doanh nghiệp lớn nhất.
Trong tháng 12 năm ngoái, 110 doanh nghiệp bất động sản lớn đã huy động được 101,8 tỉ NDT, tăng 84,7% so với tháng 11 và 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của hãng China Real Estate Information Corp. (CRIC).
Phần lớn trong số đó được huy động trên thị trường trái phiếu nội địa, chiếm tới 83,3 tỉ NDT trong tổng số, tăng 83,4% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, tính toàn năm 2022, huy động vốn của 100 doanh nghiệp này đã giảm 38% xuống còn 824 tỉ NDT, theo CRIC, khi mà nhiều doanh nghiệp đang căng thẳng gặp khó khăn khi vay tiền hoặc bán tài sản để huy động tiền./.
Theo Nikkei Asia