Núi rác ở Ấn Độ bốc cháy khiến cư dân ngạt thở vì khói độc
Các nhân viên cứu hỏa ở thành phố Kochi, miền nam Ấn Độ hôm 7-3 đã làm việc cật lực để kiểm soát khói độc lan rộng sau khi một bãi rác bốc cháy cách đây 5 ngày khiến khu vực này bị bao phủ trong làn khói dày đặc.
Bãi rác Brahmapuram cao chót vót ở bang Kerala là “ngọn núi rác” mới nhất của nước này bắt lửa, làm phát ra khí thải mê-tan và một lượng nhiệt lớn nguy hiểm, đồng thời làm tăng thêm những thách thức về khí hậu ở Ấn Độ.
Các nhà chức trách khuyên cư dân trong thành phố hơn 600.000 người ở trong nhà hoặc đeo khẩu trang N95 nếu họ ra ngoài. Các trường học đóng cửa vào ngày 6-3 do ô nhiễm, các quan chức cho biết.
Theo sở cứu hỏa Kerala, ngọn lửa bùng phát vào tuần trước. Nguyên nhân chưa được xác định, nhưng các vụ cháy bãi rác có thể được kích hoạt bởi khí dễ cháy từ rác đang phân hủy. Các hình ảnh và video do các quan chức công bố cho thấy các nhân viên cứu hỏa đang chạy đua để dập tắt ngọn lửa đang bốc lên.
Trong khi ngọn lửa đã được dập tắt phần lớn, một đám khói dày đặc và khí metan vẫn tiếp tục bao trùm khu vực, làm giảm tầm nhìn và chất lượng không khí của thành phố, đồng thời tỏa ra mùi hangdai dẳng.
Sở cứu hỏa cho biết một số lính cứu hỏa đã ngất xỉu vì khói.
Theo GHGSat, cơ quan giám sát khí thải qua vệ tinh, Ấn Độ tạo ra nhiều khí mê-tan từ các bãi rác chôn lấp hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Khí mê-tan là khí nhà kính phổ biến thứ hai sau carbon dioxide – nhưng nó là tác nhân mạnh mẽ hơn gây ra khủng hoảng khí hậu vì nó giữ nhiều nhiệt hơn.
Là một phần trong sáng kiến “Ấn Độ sạch”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết các nỗ lực đang được thực hiện để loại bỏ những núi rác này và biến chúng thành các khu vực xanh. Mục tiêu đó, nếu đạt được, có thể giảm bớt phần nào nỗi khổ của những cư dân sống dưới bóng của những bãi rác khổng lồ này – và giúp thế giới giảm lượng khí thải nhà kính.
Brahmapuram chỉ là một trong số 3.000 bãi rác ở Ấn Độ tràn ngập rác thải đang phân hủy và thải ra khí độc.
Được đưa vào vận hành vào năm 2008, bãi rác trải rộng trên 16 mẫu Anh.
Nghiên cứu cho biết thêm, bãi rác tiếp nhận khoảng 100 tấn chất thải nhựa mỗi ngày, trong đó chỉ khoảng 1% phù hợp để tái chế. Nghiên cứu cho biết 99% còn lại được đổ thành đống tại địa điểm này.
Theo Ủy ban chống ô nhiễm của chính phủ, không có quy trình xử lý chất thải chính thức nào ở hầu hết các thành phố của Ấn Độ. Những người nhặt rác từ các khu ổ chuột gần đó thường leo lên những gò đất cao chót vót và bới rác để kiếm vài xu mỗi ngày, nhưng họ không được đào tạo về cách phân loại rác đúng cách.
Trong một số trường hợp, rác được đốt đơn giản tại các bãi rác lộ thiên trên đường.
Năm ngoái, lính cứu hỏa đã làm việc trong nhiều ngày để dập tắt ngọn lửa sau khi đám cháy bùng phát tại bãi rác Ghazipur của Delhi – bãi rác lớn nhất của thủ đô.