Núi rừng Gia Lai đẹp huyền ảo trong ống kính của nhiếp ảnh gia 9X
'Buổi sáng ở núi rừng Gia Lai đẹp nhẹ nhàng khó tả. Những làn sương mai sớm, dòng sông mây bồng bềnh trôi một cách huyền ảo', Ngô Thành Công, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Ngô Thành Công sinh ra và lớn lên ở thành phố Pleiku, Gia Lai. Gắn bó với nhiếp ảnh 7 năm nay, Thành Công đam mê ghi lại những khoảnh khắc đẹp và ấn tượng của phố núi Tây Nguyên.
Chia sẻ với Zing.vn, chàng trai sinh năm 1992 bộc bạch: ”Nhiếp ảnh cho mình niềm vui rất lớn vào mỗi sớm bắt đầu ngày mới. Mình yêu thiên nhiên núi rừng, cũng như khí hậu nơi này. Nên phong cảnh là chủ đề chính mà mình thường chụp”.
Tự tin với am hiểu về quê hương mình, Công hào hứng chia sẻ về Gia Lai với bất cứ ai muốn khám phá vẻ đẹp của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này. Theo Công, thành phố Pleiku thật sự đẹp và quyến rũ vào thời điểm từ tháng 10 đến cuối tháng 2. Đây cũng là khoảng thời gian đẹp nhất của Tây Nguyên. Thời điểm đó, khí hậu mát mẻ, sáng se lạnh, chiều man mác tê tê. Đặc biệt, ở đây có rất nhiều mùa hoa dại đẹp.
Mở đầu cho mùa hoa dại Tây Nguyên là hoa muồng vàng tháng 10. Gia Lai những ngày sang thu, hoa muồng vàng nở rộ, tô điểm một vùng rộng lớn trong sắc vàng rực rỡ. Những bức ảnh ghi lại tại nông trường chè Bàu Cạn, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai.
Tháng 11, mùa hoa dã quỳ vàng rực khắp núi đồi cho đến phố xá, nhiều nhất ở núi lửa Chư Đăng Ya, núi đá Pleiku và đường vào thành phố sát núi lửa Hàm Rồng.
Sự kết hợp màu sắc tự nhiên của hoa và cỏ đuôi chồn chen nhau đua thắm, tạo nên những góc hoa thật đẹp giữa ruộng khoai lang thẳng tắp.
Khoảng thời gian tháng 12 tới tháng 2 năm sau cũng là lúc thích hợp để bạn chụp những bức ảnh nghệ thuật ở các địa điểm nổi tiếng của Gia Lai. Đặc biệtt, nơi Công yêu thích nhất và muốn giới thiệu là đường thông biển hồ Chè. Con đường trải dài 2 hàng thông trăm tuổi ở biển hồ Chè, huyện Chư Păh đã mang đến người nghệ sĩ trẻ rất nhiều cảm xúc và khoảnh khắc đẹp đến ngỡ ngàng.
Sáng sớm, con đường thông ẩn hiện giữa màn sương, hiện lên vẻ đẹp kỳ ảo. Sự xuất hiện của con người khiến khuôn hình trở lên sống động, chân thực nhưng vẫn mộng mơ. Công nói rằng Pleiku và Gia Lai xưa rất đẹp, thông kín khắp ngả đường, không thua gì Đà Lạt. Hồi đó, sương mù tới 9h, giờ đây chỉ còn trong trí nhớ của nhiều người. Do đô thị hóa, Gia Lai thay đổi và dần mất đi nét đẹp hoang sơ trước kia. Đó cũng là lý do nhiếp ảnh gia trẻ rất yêu chủ đề ảnh sương và mong muốn lưu giữ lại chút gì đó về vẻ đẹp này.
Không chỉ vậy, buổi sáng Gia Lai còn làm say đắm lòng người theo một cách khác. Đứng trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, bạn có thể ngắm bình minh tuyệt đẹp với biển mây bồng bềnh trôi. Theo kinh nghiệm của Công, để săn được khoảnh khắc này, bạn phải dậy thật sớm. Leo núi mất khoảng 30 phút và đợi bình minh lên vào thời điểm hơn 5h, bạn bấm máy và bắt trọn cảnh tượng huy hoàng.
Vẻ đẹp của núi Hàm Rồng trong sương sớm cũng mang đến những cảm xúc khó tả. Ngọn núi lửa được xem là nóc nhà của TP Pleiku có không khí rất trong lành. Mây giăng phủ kín đỉnh núi trong sương khói mờ mờ tạo nên một khung cảnh lãng mạn.
Một bức tranh thanh bình và thơ mộng khác là ngôi chùa Bửu Minh huyền ảo trong làn sương sớm. Nằm giữa một vùng đồi chè bạt ngàn, chùa Bửu Minh dựa lưng vào núi Tiên Sơn, bên cạnh là dòng sông và dãy núi cao hùng vĩ. Bửu Minh cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Tây Nguyên.
Không chỉ là buổi sớm mai, cảnh sắc thiên nhiên Gia Lai còn hiện lên đầy sức quyến rũ qua những bức ảnh Công chụp khi lang thang cuối tuần dạo chơi, khám phá. Cánh rừng cao su Chư Păh bạt ngàn với hai hàng cây cao vút là một bức tranh tuyệt đẹp mà bạn ngỡ như không phải ở Việt Nam.
Cùng những bức ảnh chụp tại hồ T’nưng (Biển Hồ), một thắng cảnh của Gia Lai nổi tiếng trong câu hát “đôi mắt Pleiku biển hồ đầy” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Buổi chiều lộng gió ở “đôi mắt Pleiku “ hiện lên thật đẹp, thật yên bình và sâu lắng qua ống kính của Ngô Thành Công.
Khi giới thiệu về mảnh đất quê hương, Công không quên gợi ý những món ăn vặt đậm chất núi rừng mà bạn nhất định phải thử khi đến phố núi này. Đó là món phở khô Gia Lai, có 2 tô (một đựng phở và một đựng nước lèo), khá giống hủ tiểu nhưng vị rất lạ. Hay bún mắm cua, một món ăn có mùi không hề dễ chịu nhưng nếu ăn được bạn có thể sẽ nghiện...
Gia Lai chưa phải mảnh đất du lịch. Các điểm đến hoang sơ và ít khai thác kinh doanh nên rất đáng để bạn khám phá. Người Gia Lai thật thà, chất phác và hiếu khách. Đừng ngại hỏi thăm khi gặp khó khăn trên đường đi, những người dân địa phương sẽ nhiệt tình chỉ dẫn cho bạn. Ngoài ra, khi đến Gia Lai, bạn nên tránh mùa hè. Vì trời mưa nhiều, bạn sẽ khó khăn trong việc di chuyển, khám phá.
Theo Độc giả Ngô Thành Công
(Dẫn nguồn news.zing.vn)