Núi Thần Tài, nơi đến không muốn về…

Chỉ bắt đầu bằng một mạch ngầm nước khoáng nóng chảy ra từ lưng chừng núi, những người làm du lịch ở núi Thần Tài đã biến nơi đây thành một khu phức hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phong cách Nhật Bản. Đây là nơi nhiều du khách đến đều không muốn về.

Phần bể ngâm ở hạ lưu suối khoáng nóng được bao phủ bởi màu xanh của cây lá - Ảnh: THIÊN PHONG

Phần bể ngâm ở hạ lưu suối khoáng nóng được bao phủ bởi màu xanh của cây lá - Ảnh: THIÊN PHONG

Lần theo dấu vết long huyệt

Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài (thuộc thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng gần 40 km.

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây là một không gian mang hơi thở Nhật Bản mà linh hồn chính là con suối khoáng nóng tự nhiên chảy từ lưng chừng núi rồi lách qua những kẽ đá xuống tận chân núi. Con suối này được thổi hồn một cách huyền ảo khi phân tầng thành nhiều bậc khác nhau từ cao xuống thấp. Ở mỗi bậc, mức nóng sẽ thấp dần. Ở bậc dưới cùng, lòng suối được tạo thành một bể bơi tự nhiên với diện tích khoảng 200 m2 và nhiệt độ hơn 30 độ C. Ở bậc thứ hai có diện tích nhỏ hơn nhưng nhiệt độ cao hơn khoảng 10 độ C.

Đây là nơi được nhiều người chọn để ngâm mình tĩnh dưỡng. Ở ngay bên trái của bậc này, những người thiết kế đã khéo léo tách dòng suối ra một nhánh nhỏ được bao quanh bởi những phiến đá để phục vụ việc ngâm chân với nước khoáng nóng. Ở ngay gần suối khoáng nóng này là tháp Onsen. Đây là nơi phục vụ tắm khoáng (hay còn gọi là tắm tiên) - một loại hình tắm truyền thống của người Nhật Bản và là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhất để thư giãn, giảm mệt mỏi, căng thẳng.

Người dân địa phương cho biết suối khoáng nóng của núi Thần Tài khởi nguồn từ đỉnh thiêng Bà Nà và được bao bọc hai bên bởi núi Thanh Long, núi Bạch Hổ và phát lộ tại long huyệt thôn Phú Túc - mà người dân địa phương hay gọi bằng tên huyệt Long Hồ. Gốc tích có phần huyền bí này đã dẫn chúng tôi đi tìm long huyệt.

Để đến được điểm này, chúng tôi phải lách qua mấy lần những lối xẻ dọc ngang trên sườn núi. Càng lên cao mặt suối càng nhỏ dần nhưng hơi nóng từ dòng nước càng bốc lên mờ ảo. Khi đến lưng chừng núi, một phiến đá lớn “mọc” ra ngay chính giữa lối đi. Ở ngay dưới chân của phiến đá này có một dòng nước phun ra từ lòng đất. Từ điểm mở nguồn này, nước được dẫn theo những kẽ đá xuống dưới. Đây chính là huyệt Long Hồ.

Huyệt Long Hồ, nơi khởi phát Huyệt Long Hồ, nơi khởi phát mạch nguồn suối khoáng nóng mạch nguồn suối khoáng nóng nằm lưng chừng núi Thần Tài Ảnh: THIÊN PHONG

Huyệt Long Hồ, nơi khởi phát Huyệt Long Hồ, nơi khởi phát mạch nguồn suối khoáng nóng mạch nguồn suối khoáng nóng nằm lưng chừng núi Thần Tài Ảnh: THIÊN PHONG

Chị Bích Hương, Giám đốc truyền thông Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài cho biết, huyệt Long Hồ là điểm khởi nguồn đầu tiên của suối khoáng nóng núi Thần Tài và cũng là nơi long mạch phát lộ dòng khí của đất trời. Dòng nước từ huyệt Long Hồ phun ra không lớn nhưng chưa bao giờ ngừng. Nhiệt độ cao nhất của nước ở huyệt Long Hồ có thể lên đến trên 75 độ C. “Mạch nguồn này như là món quà của trời đất ban tặng cho núi Thần Tài. Từ đây, khu du lịch này nên hình hài và toát lên những giá trị riêng như hiện tại”, chị Bích Hương chia sẻ.

Giữ gìn giá trị xanh

Với diện tích hơn 160 ha, Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài có được khí hậu đặc trưng của khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa nên có bốn mùa trong ngày. Dưới bàn tay tài hoa của những nhà thiết kế hàng đầu đến từ Nhật Bản, khu du lịch này vẫn giữ được màu xanh để nơi đây được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.

Màu xanh của cây lá có mặt khắp mọi ngõ ngách, thậm chí là xen giữa những lối đi chính là điểm đặc biệt của nơi này. Nhìn từ trên cao, khu du lịch càng khiến người ta ngạc nhiên vì sự hòa quyện vào thiên nhiên của mình. Toàn bộ những công trình kiến trúc nhân tạo được xây dựng trong khu đều gắn liền với hệ thống cây xanh mướt mắt. Những lối đi cũng được thiết kế thành những đường luồn dưới các tán cây rừng.

Chị Bích Hương cho biết, đây chính là sự đặc biệt của núi Thần Tài. “Giữ tối đa màu xanh là tôn chỉ của khu du lịch. Chúng tôi giữ màu xanh vì chúng tôi đang sống giữa núi rừng. Núi rừng ban tặng cho khu du lịch này những giá trị không đo đếm được nên chúng tôi phải tôn trọng và bảo vệ những giá trị đó”, chị Bích Hương nói.

Cho đến nay, khu du lịch đã và đang tích cực nghiên cứu, thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển hệ sinh thái bền vững nhằm duy trì cảnh quan thiên nhiên xanh mát, đảm bảo sự đa dạng sinh học. Trong đó quan trọng nhất là bảo vệ nguồn nước khoáng nóng tự nhiên bằng việc thường xuyên kiểm tra, xử lý nguồn nước, đồng thời tăng cường trồng rừng, phủ xanh đất trống, từng bước làm giàu rừng, góp phần chống biến đổi khí hậu.

Trong người mà ngẫm đến ta…

Tại Quảng Trị cũng có một suối khoáng nóng mang đầy đủ vẻ đẹp cũng như giá trị về sức khỏe. Đó là suối Klu, tại xã Đakrông, huyện Đakrông. Tuy nhiên, số phận của suối nước nóng Klu đang quá khác biệt so với suối khoáng nóng núi Thần Tài.

Suối Klu cũng bắt nguồn từ ngọn núi Đồng Cho với um tùm cây xanh phủ bóng. Dọc dòng suối này cũng được thiên nhiên ban tặng cho hệ sinh thái và cảnh quan kỳ vĩ. Mấy năm trước, tỉnh Quảng Trị đã có chiến lược đưa vào khai thác du lịch con suối nước nóng tuyệt đẹp này nhưng sau một thời gian giao về cho các hội, đoàn thể địa phương khai thác, người đến với Klu thưa dần. Chưa có sự đầu tư đúng mức, dịch vụ chưa hiện đại, đa dạng là những điểm thiếu của khu du lịch này.

Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư-Thương mại và Du lịch Quảng Trị cho biết, lãnh đạo tỉnh đã nhận ra tiềm năng của suối nước nóng Klu từ rất sớm. Tỉnh đã quy hoạch khu này lên đến 30 ha. Trong nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư, trung tâm đã mời gọi rất nhiều lần và đã có một số doanh nghiệp tiếp cận, khảo sát lập dự án. Mẫu nước ở đây được đưa đi xét nghiệm và cho ra kết quả rất tốt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào quyết định đầu tư để biến suối nước nóng này thành một khu du lịch đẳng cấp như các tỉnh lân cận.

Thiên Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/du-lich/nui-than-tai-noi-den-khong-muon-/179357.htm