Núi Thiều sạt lở, người dân bất an
Từ năm 2021 trở lại đây, tại khu vực chân núi Thiều (thôn Thiều Xá 2, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện các vết sạt lở lớn, thậm chí có nhiều tảng đá lớn đã lăn vào sát khu dân cư gây mất an toàn cho người dân.
Người dân lo lắng
Là gia đình có vườn và nhà nằm ngay sát với vị trí sạt lở, bà Nguyễn Thị Định - người dân trú tại thôn Thiều Xá 2 cho biết: Gia đình bà sinh sống ở đây đã lâu và chứng kiến nhiều vụ sạt lở khá nghiêm trọng. Đặc biệt, vết sạt trượt cũng như khối lượng đất đá tràn xuống khu dân cư năm sau luôn lớn hơn năm trước. Vào mùa mưa bão, các thành viên trong gia đình luôn phải cắt cử người theo dõi để kịp sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm.
“Các hộ sinh sống dưới chân núi luôn trong tình trạng bất an, thấp thỏm vì không biết núi sẽ lở khi nào. Vất vả nhất là vào những đêm mưa to gió lớn, cả nhà không ai dám ngủ vì còn phải thức canh chừng. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở để người dân yên tâm sinh sống” - bà Định bày tỏ.
Cùng có chung tâm trạng như bà Định, ông Vũ Minh Tâm - người dân sống ngay dưới vết sạt của núi Thiều phản ánh: Thời gian gần đây, đất đá trên núi rơi xuống nhà đã làm thiệt hại nhiều tài sản của gia đình. Đặc biệt đã có những tảng đá lớn nặng hàng chục tấn lăn xuống ngay sát với tường nhà. Mỗi khi mưa lớn, gia đình ông luôn phải đề phòng và sẵn sàng sơ tán nếu có tiếng động lớn trên núi. “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Nhà nước khẩn trương lập dự án xử lý cấp bách tình trạng sạt lở ở núi Thiều. Mới đây, lãnh đạo tỉnh, huyện cũng xuống họp dân để lên phương án khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì, chúng tôi rất lo lắng” - ông Tâm nói.
Theo quan sát thực tế của phóng viên, tại khu vực sạt trượt của núi Thiều, vách núi thẳng đứng có vết sạt trượt dài từ đỉnh xuống chân núi. Phía đỉnh núi có nhiều tảng đá nằm chênh vênh chờ sạt. Phía dưới khuôn viên vườn nhà các hộ dân, nhiều tảng đá lớn nằm ngổn ngang. Nhiều tảng đã sạt trượt xuống làm hư hỏng tài sản của người dân. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng nêu trên là do trước đây núi Thiều đã bị khai thác một khối lượng lớn đất, gây mất chân bám. Hiện nay, tại thôn Thiều Xá 2 có 3 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và 4 hộ khác ảnh hưởng gián tiếp khi thiên tai xảy ra và đá lăn từ chân núi vào sát nhà.
Khẩn trương xử lý
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng, UBND xã Cầu Lộc đã tổ chức cắm biển, khoanh vùng, lập rào chắn cảnh báo tại khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, không để người dân, vật nuôi đi vào khu vực này; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với thiên tai và xây dựng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Hoàng Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc cho biết: UBND xã Cầu Lộc đã báo cáo cụ thể về tình trạng sạt lở tại núi Thiều, đồng thời có tờ trình gửi UBND huyện Hậu Lộc thẩm định phương án thi công chống sạt lở khu vực thôn Thiều Xá 2, với tổng giá trị đầu tư là hơn 700 triệu đồng.
“UBND huyện Hậu Lộc đã chấp thuận phương án thi công do UBND xã Cầu Lộc làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nếu phương án này sớm được triển khai sẽ đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ổn định, ngăn được tình trạng sạt lở núi ngày một nghiêm trọng trước ảnh hưởng của thiên tai” - ông Thủy nói.
Về phương án xử lý điểm sạt lở tại thôn Thiều Xá 2, xã Cầu Lộc, ông Trịnh Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Trước tình trạng sạt lở tại núi Thiều, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân địa phương, ngày 21/10, UBND huyện Hậu Lộc đã cùng đại diện các sở, ban, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, thành lập đoàn kiểm tra thực địa. Huyện cũng đã thống nhất với phương án xử lý cấp bách mà UBND xã Cầu Lộc trình.
Cụ thể, diện tích khu vực phải thi công là 1,1ha trên đất rừng sản xuất của các hộ dân. Phương án thi công theo lớp bằng, lần lượt từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, xúc bốc bằng máy xúc; góc dốc bờ laluy chống sạt lở là 45 độ, đai bảo vệ tại từng tầng có chiều rộng 2m và trồng cây keo trên các mặt tầng chống sạt lở, mương thu nước có tổng chiều dài 211m đảm bảo thu gom nước chảy tràn sau quá trình thi công, thời gian thi công khoảng 10 tháng kể từ ngày dự án được tỉnh phê duyệt…
Theo ông Trịnh Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tình trạng sạt lở tại núi Thiều cần phải được xử lý một cách rốt ráo, cấp bách. Huyện đã yêu cầu xã hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt dựa án. Ngay sau khi dự án được chấp thuận, chủ đầu tư là UBND xã Cầu Lộc sẽ bắt tay ngay vào thi công để sớm đem lại sự yên tâm cho nhân dân.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nui-thieu-sat-lo-nguoi-dan-bat-an-10265019.html