Nước biển dâng gây nguy cơ các quốc đảo Thái Bình Dương bị xóa sổ
Tình trạng nước biển dâng không chỉ nhấn chìm các quốc đảo mà còn có nguy cơ làm mất chủ quyền và quốc tịch công dân các đảo.
Đó là lý do các quốc đảo Thái Bình Dương nỗ lực vận động sửa đổi các luật quốc tế, khi sự biến đổi khí hậu đe dọa sự hiện hữu của họ.
“Biến đổi khí hậu dẫn đến mực nước biển dâng là một vấn đề trăn trở của nhiều quốc đảo Thái Bình Dương, và như với các tai nạn biến đổi khí hậu khác, các quốc đảo này đang ở tuyến đầu trong việc thách thức luật quốc tế phát triển theo một hướng đúng đắn và công bằng”, ông Fleur Ramsay, trưởng chương trình Pasifica thuộc tổ chức phi lợi nhuận Environmental Defenders Office ở Úc nhận định như vậy.
Ông Ramsay cho biết có những thiếu sót khi phát triển luật quốc tế. Ví dụ theo luật quốc tế, đã có những tranh luận về việc các bộ tộc du mục tuyên bố chủ quyền những mảnh đất mà cha ông họ từng đi qua trong lịch sử. Tuy nhiên, chưa có sự tranh luận về chủ quyền đi qua biển trong lịch sử của công dân các quốc đảo.
Vấn đề nan giải là công dân ở các đảo này không muốn rời khỏi đất đai do cha ông để lại. Cô Eseta Vusamu người Fiji nói: “Nếu kêu gọi chúng tôi ra đi, thì không dễ có chuyện chúng tôi tự nguyện rời khỏi đất đai của tổ tiên, nơi còn có mồ mả của cha ông chúng tôi”.
Tokou là làng của Vusamu cùng với nhiều làng ven biển khác ở Fiji đã bị bão Winston tàn phá năm 2016, khiến 3.000 dân làng phải rời khỏi nơi ở của họ.
Đã có nhiều chứng cứ về sự mất các đảo trên Thái Bình Dương. Từ năm 1947 đến 2014 đã có 6 đảo nhỏ thuộc quần đảo Solomon biến mất hoàn toàn, theo một báo cáo đăng trên tạp chí Environment Research Letters hồi năm 2016. Nghiên cứu đã xác định sự mất hoàn toàn các đảo đá ngầm và các đảo khác đang bị lở sụp bờ biển nghiêm trọng, dẫn đến việc di dời một số cộng đồng.
Trong báo cáo vào đầu năm nay, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã lưu ý những rủi ro đối với các khu vực ven biển và hệ sinh thái do bị ngập nước và lũ lụt vì mực nước biển dâng và độ cao của sóng biển tăng lên.
Vấn đề bảo vệ chủ quyền là chủ đề thảo luận thường xuyên của nhiều nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Những quyền lợi về hàng hải và tài nguyên mà các quốc đảo này có thể bị mất khi mất đất đã là một phần trong những cuộc đàm phán tại cuộc họp của tổ chức Các quốc đảo đang phát triển (SIDS) ở Thái Bình Dương trong tuần này ở Samoa.
Các cuộc họp diễn ra sau cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) vào tuần trước, nơi mà những nhà lãnh đạo của các quốc đảo Thái Bình Dương thúc đẩy những thay đổi nhằm có thể bảo vệ quốc đảo khi họ mất lãnh thổ do xói mòn và mực nước biển dâng cao.
Tại UNGA, các nhà lãnh đạo của Tuvalu, Marshall và Kiribati đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các quốc đảo bằng nhiều cách: bảo tồn chủ quyền của các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt với mối đe dọa hiện hữu của nước biển dâng, tài trợ cho các chương trình thích ứng và hỗ trợ một sáng kiến có tên Dự án di sản các quốc gia đang trỗi dậy.
Dự án nói trên được khởi xướng nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để bảo tồn chủ quyền, di sản và quyền của các quốc đảo san hô ở Thái Bình Dương, những quốc gia đang bị sự biến đổi khí hậu đe dọa.
Các quốc đảo sẽ lên kế hoạch toàn diện để kêu gọi quốc tế xây dựng và tài trợ cho những dự án thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu, giúp cộng đồng địa phương duy trì sinh kế; đồng thời bảo vệ kho lưu trữ sống động về văn hóa và di sản độc đáo của từng quốc đảo san hô ở Thái Bình Dương.
Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của các nước Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Canada.
Khi các chuyên gia đưa ra cảnh báo về khả năng không thể sinh sống của quần đảo Marshall, Tổng thống David Kabua cũng đã phải cho xây dựng tường đê chắn sóng để bảo vệ đảo.
Thủ tướng quốc đảo Tuvalu, ông Karors Natano đang phải chạy đua để cứu quốc đảo nhỏ bé của mình khỏi bị "chết đuối". Ông cho cải tạo đất để nâng cao mặt bằng đảo Tuvalu lên thêm 4 - 5m so với mực nước biển.
Thủ tướng Natano mô tả mực nước biển dâng cao đã ảnh hưởng đến mọi thứ, từ đất trồng trọt, đến nhà cửa, đường sá và đường dây điện đều bị cuốn trôi. Ông nói chi phí kiếm sống trở nên quá sức chịu đựng, khiến các gia đình phải rời đi và bản thân quốc gia cũng sẽ biến mất: “Cứ thế này thì các hòn đảo của chúng tôi sẽ không còn tồn tại”.
Thủ tướng Natano cũng lưu ý rằng Tuvalu và các nước láng giềng ở Thái Bình Dương “không làm gì để gây ra biến đổi khí hậu”. Mức đóng góp vào phát thải carbon của họ chiếm chưa đến 0,03% tổng lượng khí thải của thế giới. Nhưng điều này không có nghĩa các nước ấy không bị tàn phá bởi tình trạng trái đất ấm lên và nước biển dâng.
Ông Natano nói: “Trong thế kỷ này, nhiều quốc đảo Thái Bình Dương sẽ mất lãnh thổ đáng kể vì nước biển dâng, với vài đảo hoàn toàn trở nên không thể ở được. Chúng tôi cần có một quy định quốc tế nhằm bảo vệ các nước như Tuvalu được tồn tại vĩnh viễn”.
Tổng thống Vanuatu, ông Nikenike Vurobaravu kêu gọi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) bắt đầu xem xét tình trạng biến đổi khí hậu. Vanuatu đề xuất ICJ cho ý kiến tư vấn (không bắt buộc phải thi hành) để làm rõ cách thức áp dụng các luật quốc tế hiện hành nhằm tăng cường hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ con người và môi trường.
Nếu thành công, ý kiến tư vấn của ICJ sẽ đề cập nghĩa vụ của các quốc gia tham gia luật pháp quốc tế phải bảo vệ những quyền của các thế hệ hiện tại và tương lai trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.