Nước châu Phi đầu tiên gửi xe tăng cho Ukraine, Đức nói gì về Leopard?
Morocco đã trở thành nước đầu tiên tại châu Phi gửi xe tăng tới Ukraine, trong khi Berlin vẫn tiếp tục thận trọng trước kế hoạch cung cấp Leopard 2 cho Kiev.
Ngày 22/1, báo Menadefence (Algeria) cho biết Morocco sẽ gửi cho Ukraine lô xe tăng T-72B. Con số cụ thể không được tiết lộ. Một số nguồn tin cho rằng sẽ có 20 xe tăng sẽ đến Ukraine.
Trước đó, Morocco đã mua lô xe tăng gồm 148 T-72s, 136 T-72B và 12 T-72BK từ Belarus theo hợp đồng giai đoạn 1999-2000.
Hiện xe tăng được vận chuyển đang được sửa chữa tại xưởng công ty Excalibur ở thành phố Sternberk (Czech) để đạt tình trạng tốt nhất. Trước đó, bức ảnh đăng tải ngày 9/1 về chuyến thăm của Thủ tướng Czech Petr Fiala tại khu vực này cho thấy một số xe tăng thuộc biên chế của Morocco đang trong quá trình sửa chữa.
Theo Mendadefence, Morocco đã đưa ra quyết định nêu trên dưới áp lực tại hội nghị thượng đỉnh Ramstein về Ukraine diễn ra ngày 26/4/2022. Tại sự kiện này, Morocco và Tunisia là hai đại diện đến từ vùng Bắc Phi.
Cùng ngày, tờ Spiegel (Đức) dẫn các nguồn tin cho biết từ mùa Hè năm 2022, Bộ Quốc phòng Đức đã đưa ra một danh sách gồm các loại xe tăng Leopard có khả năng được chuyển đến Ukraine. Theo đó, hiện quân đội Đức có tổng cộng 312 xe tăng Leopard 2 thuộc các dòng khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có 212 chiếc thuộc các dòng 2A5, 2A6, 2A7, 2A7V sử dụng được, 100 chiếc còn lại cần phải sửa chữa.
Trong số 212 chiếc sẵn sàng, có một số hiện đang được sử dụng trong các trung tâm huấn luyện. Đây sẽ là các xe tăng phù hợp nhất để cung cấp cho Ukraine. Theo tờ Spiegel, chiếc xe tăng đời 2A5 cũng phù hợp với “gói” xe tăng Leopard của các đồng minh khác như Ba Lan, quốc gia có mẫu 2A4 rất giống nhau.
Tuy nhiên, sự khác biệt về kỹ thuật giữa các dòng xe tăng mà Đức và một số nước đồng minh khác sử dụng vẫn là một vấn đề.
Trong khi xe tăng Đức hầu hết đã được trang bị bộ điều khiển điện tử cho tháp pháo, nhiều xe Leopard khác ở châu Âu là loại thủy lực. Sức khác biệt về mặt kỹ thuật này có thể gây khó khăn cho việc huấn luyện quân đội sử dụng cũng như về bảo dưỡng và sửa chữa tại Ukraine.