Nước chưa qua xử lý vẫn xả thẳng ra môi trường

Làm gì để tái sinh những dòng sông chết? Vấn đề sẽ không có lời giải thỏa đáng nếu ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp sản xuất, những làng nghề và cả trong một bộ phận người dân chưa được nâng lên.

Theo cơ quan chức năng, tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường rất thấp, trong khoảng 12 triệu m3 nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước hiện nay mới có khoảng 1,5 triệu m3 được xử lý, còn lại phần lớn đang xả thẳng ra môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, giá nước sạch sinh hoạt ở Việt Nam rất thấp, “chúng ta gọi 1 cú điện thoại đã mất tiền bằng mua cả khối nước rồi”. Bên cạnh đó, giá dịch vụ xử lý nước thải ra môi trường cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Ở các nước Liên minh chau Âu (EU), sử dụng 1m3 nước là 2 Euro, trong khi phí nước thải gấp đôi: 4 Euro. Xử lý nước thô thành nước sạch đơn giản hơn xử lý nước thải để đưa vào môi trường nhưng chúng ta chưa có giá dịch vụ mà chỉ thu 10% dịch vụ phí bảo vệ môi trường.

Ông Điệp cho rằng, cơ chế giá như vậy không hấp dẫn các nhà đầu tư xây dựng hệ thổng xử lý nước xả thải, phí 10% chỉ đủ cho các công ty cấp thoát nước duy trì hoạt động thường xuyên, không đủ để nâng cao, cải tạo chất lượng nguồn nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

"Tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường rất thấp, trong khoảng 12 triệu m3 nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước hiện nay mới có khoảng 1,5 triệu m3 được xử lý, còn lại phần lớn đang xả thẳng ra môi trường” - ông Điệp cho biết.

Với câu hỏi: Khi nào người dân Việt Nam có thể uống nước sạch tại vòi như nhiều quốc gia khác? Theo ông Điệp, nhiều nước đầu tư đồng bộ từ nhà máy đến mạng lưới đường ống nên uống ngay tại vòi được. Còn ở ta, đường ống dẫn nước tới các khu dân cư đầu tư chưa đồng bộ, lắp đặt trong nhiều giai đoạn khác nhau nên chưa bảo đảm uống được nước sạch tại vòi.

Một số đô thị lớn cũng mong muốn hiện thực hóa việc uống nước tại vòi. Nhưng ông Điệp cho rằng, ngay tại Hà Nội, TPHCM vẫn có tình trạng xen lẫn mạng lưới đường ống nước cũ được đầu tư từ rất nhiều năm với đường ống nước mới nên chất lượng không đảm bảo.

Về việc giá nước sạch có sự khác nhau giữa các địa phương, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, giá nước phụ thuộc vào các yếu tố, như giá lấy nước thô, giá điện, giá nhân công, tỷ lệ thu hồi nước sạch, và chi phí đầu tư các nhà máy nước. Trong đó, chỉ riêng chi phí lấy nước thô tại các địa phương cũng có sự chênh lệch lớn, chẳng hạn ở miền Tây nước mênh mông nhưng muốn lấy nước thô đạt chuẩn xử lý thành nước sạch thì khó khăn hơn nhiều lần các vùng khác.

Ví dụ: Một nhà máy nước sạch tại Long An phải lấy nước thô đạt chuẩn từ sông Tiền khu vực Đồng Tháp cách nhà máy khoảng 40km về để xử lý thành nước sạch. Như vậy, chi phí lấy nước thô về xử lý có chỗ chỉ tốn 2.000 đồng/m3, có chỗ tốn tới 5.000 đồng/m3. Hà Nội cũng đã từng đối mặt với khó khăn bị mất nước khi đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ hồi tháng 10/2022.

Tuy nhiên, đó chỉ là giá nước thô. Còn nếu như nguồn nước thô ấy (từ những dòng sông) bị ô nhiễm thì sao, lại là vấn đề khác.

Chính vì thế, việc cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm là một trong những mục tiêu quan trọng. Nói như ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước thì Việt Nam luôn xác định nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước.

Trong thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, ban hành nhiều thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước. Ngày 27/12/2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia lần đầu tiên tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong công tác cải tạo, phục hồi các dòng sông ô nhiễm ở đô thị.

Ông Nguyễn Minh Khuyến.

Ông Nguyễn Minh Khuyến.

Ông Khuyến cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch là “cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xã hội hóa”.

Quy hoạch cũng đề ra kế hoạch cải thiện, phục hồi hàng loạt dòng sông, đoạn sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm có vai trò quan trọng trong việc cấp nước, duy trì bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh.

“Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu đổi mới, kiện toàn các Ủy ban lưu vực sông, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trong quy hoạch đồng bộ. Và như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai với những dòng sông trong lành làm đẹp cảnh quan đồng thời mang lại nguồn nước cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất” - ông Khuyến nói.

N.Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nuoc-chua-qua-xu-ly-van-xa-thang-ra-moi-truong-10267023.html