Nước cờ có tính toán

Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ thái độ cứng rắn rằng quốc hội nước này sẽ không phê chuẩn nghị định thư liên quan tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong điều kiện hiện nay.

Đây được coi là nước cờ có tính toán của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các thành viên NATO chưa khi nào êm ả.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự cố ngoài vòng kiểm soát của Chính phủ Thụy Điển, khi một người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu đốt bản kinh Koran ngay gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm, đột nhiên trở thành cớ để Ankara tiếp tục trì hoãn tiến trình phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Stockholm. Từ khi Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin vào NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu hai nước thắt chặt chính sách đối với cộng đồng người Kurd nhập cư để đổi lấy sự nhất trí của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra danh sách 130 nhà hoạt động người Kurd được cho là có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoặc với chi nhánh của PKK tại Syria, hai tổ chức bị Ankara đặt ngoài vòng pháp luật, cùng với một số thành phần đối lập bị cáo buộc dính líu tới cuộc đảo chính bất thành năm 2016 cần bị trục xuất. Cả Thụy Điển và Phần Lan đã phải chấp nhận một số nhượng bộ bao gồm cả việc giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một nhà hoạt động người Kurd, song vẫn chưa thỏa mãn những đòi hỏi của Ankara.

Vụ đốt kinh Koran trong cuộc biểu tình tại Stockholm ngày 21/1 giống như đổ thêm dầu vào lửa. Tổng thống Erdogan gọi đây là hành động “phỉ báng”. Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson vốn dự kiến diễn ra ngày 27/1 nhằm thuyết phục Ankara tháo gỡ rào cản đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Tuy nhiên, con đường khó khăn của Thụy Điển khi bước vào NATO không phải là ngoại lệ. Nhà phân tích Camille Grand, cựu Phó Tổng Thư ký NATO và hiện là chuyên gia nghiên cứu Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Pháp, cho biết quá trình gia nhập NATO của hầu hết các nước đều xuất hiện những vấn đề mới, bởi “đây là cơ hội hiếm có để giải quyết các tranh chấp song phương".

Năm 2020, Macedonia đã buộc phải đổi tên là Bắc Macedonia để Hy Lạp ngừng phủ quyết đơn gia nhập. Trong lịch sử NATO, thời hạn từ lúc đệ đơn đến lúc thành thành viên chính thức thường là một năm rưỡi đến hai năm. Phần Lan và Thụy Điển mới chỉ đệ đơn vào tháng 5 năm ngoái và đã nhận được sự nhất trí của 28 trong số 30 nước. Do đó, thời gian chờ đợi chưa phải quá dài.

Dù chưa chính thức được kết nạp, Phần Lan và Thụy Điển từ lâu đã được coi là "đặt một chân trong NATO". Quân đội hai nước có khả năng hiệp đồng tác chiến đầy đủ với các thành viên khác, đại diện hai nước được phép tham dự gần như toàn bộ các cuộc họp của NATO. Hơn nữa, các nước lớn trong NATO đã cam kết bảo đảm an ninh cho cả hai trong quá trình xét duyệt hồ sơ gia nhập.

Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ có thể nằm ở những hướng khác. Trước hết là thông điệp đối nội. Tổng thống Erdogan đã thông báo tổng tuyển cử vào giữa tháng 5 tới, sớm hơn một tháng so với dự kiến, nhưng uy tín của ông và đảng cầm quyền Công lý và phát triển (AKP) gần đây suy yếu do tình hình kinh tế khó khăn.

Vào cuối mùa Thu, lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên đến hơn 80%, đến cuối năm ngoái giảm bớt nhưng vẫn tới 64%. Có thời điểm hệ thống ngân hàng tưởng chừng như sụp đổ. Phe đối lập, hiện đang tương đối phân tán, đã công kích kịch liệt các chính sách của chính phủ. Nếu liên kết được với nhau thì phe đối lập có triển vọng giành thắng lợi.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Erdogan một mặt phải thực hiện nhiều biện pháp lấy lòng cử tri, mặt khác phải quay sang khuếch trương chính sách đối ngoại nhằm "làm đẹp" bản tổng kết nhiệm kỳ. Các điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cho phía Thụy Điển rất khó đáp ứng, nhất là việc phải giao nộp nhiều nhà hoạt động người Kurd đã tị nạn nhiều năm ở đây.

Vụ một số phần tử cực hữu đốt kinh Koran không phải là sự kiện lớn so với các hành động quá khích chống Hồi giáo xảy ra tại phương Tây suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, đây là những vấn đề người Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm, đó là nguồn cơn để nhà lãnh đạo được cho là có quan điểm dân tộc chủ nghĩa đưa ra những phản ứng quyết liệt.

Một nguyên nhân khác, đó là Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép đối với Thụy Điển nhằm đạt được những nhượng bộ từ Mỹ. Lâu nay, Tổng thống Erdogan luôn tìm cách tranh thủ tình hình quốc tế để tạo ra lợi ích, đồng thời củng cố vị thế quốc tế của cá nhân ông và đất nước nói chung. Thổ Nhĩ Kỳ vừa bán máy bay không người lái, trang thiết bị quân sự cho Ukraine nhưng vẫn giữ quan hệ với Nga và không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhờ đó đã nhận được sự hỗ trợ tài chính quý giá của Moskva để tạm thời vượt qua cú sốc kinh tế giữa mùa Hè.

Trong trường hợp Thụy Điển, đích ngắm của Tổng thống Erdogan lại là Washington. Thổ Nhĩ Kỳ muốn gây sức ép buộc Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16 thế hệ mới nhất để bù đắp việc bị Washington loại khỏi chương trình chế tạo F-35 vì lý do Ankara đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Ông Erdogan tính toán Mỹ có thể phải nhượng bộ bởi kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Thế nhưng, chưa chắc ý định này có thể thực hiện được, bởi một quyết định như vậy phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, mà trong thời điểm hiện nay, nhiều thượng nghị sỹ phản đối quyết liệt.

Liệu tính toán của Tổng thống Erdogan có thành công hay không? Nhiều chỉ dấu cho thấy bế tắc ngoại giao giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ còn kéo dài vài tháng nữa và rất khó giải quyết khi liên minh cầm quyền tại Stockholm, được đảng cực hữu ủng hộ, tỏ ra không muốn nhượng bộ thêm. Tổng thống Erdogan tuyên bố sẵn sàng đồng ý lá đơn xin gia nhập của Phần Lan, nhưng Helsinki chưa vội vã. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30/1, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto khẳng định nước ông “vẫn muốn gia nhập cùng với Thụy Điển” và lập trường này sẽ không thay đổi.

Chuyên gia Camille Grand đặt câu hỏi: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể khăng khăng đặt mâu thuẫn song phương lên cao hơn những lợi ích của Phần Lan và Thụy Điển hay không ?”. Thực tế, Ankara khó cưỡng lại sức ép của các nước còn lại trong NATO, vì về lâu về dài Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ qua NATO.

Mặc dù có một số điểm tương đồng trong chính sách đối ngoại với Nga, song trong chính sách an ninh đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, Moskva không thể được xem là phương án thay thế cho liên minh Đại Tây Dương. Trong nội bộ NATO, Thổ Nhĩ Kỳ thường được coi là nước có quan điểm khác biệt, nhưng không phải nước duy nhất đi ngược lại quan điểm của số đông. Không ít trường hợp Pháp thậm chí còn có thái độ quyết liệt hơn.

Giới phân tích nhận định lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ khó thay đổi trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Ông Soner Cagaptay, Giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ của Viện nghiên cứu Washington đánh giá cho dù kết quả cuộc tổng tuyển cử thế nào đi nữa, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập của Thụy Điển.

Ông Cagaptay cho rằng nếu phe đối lập giành thắng lợi, chính quyền mới sẽ tìm cách xích lại gần Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ để thu hút nguồn vốn đầu tư toàn cầu vực dậy nền kinh tế, dẫn đến việc đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn. Trong trường hợp Tổng thống Erdogan nắm quyền thêm một nhiệm kỳ, ông cũng sẽ buộc phải cải thiện quan hệ với hai đối tác lớn nhất nêu trên và chấp nhận cho Phần Lan, Thụy Điển vào NATO để thuyết phục họ ủng hộ chính phủ mới sau bầu cử.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nước cờ của Thổ Nhĩ Kỳ mang tính chất mặc cả. Kể cả trường hợp mọi diễn biến thuận lợi, việc hai nước Bắc Âu trở thành thành viên NATO khó xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7 năm nay.

Tiến Nhất (Phóng viên TTXVN tại Pháp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nuoc-co-co-tinh-toan-20230201162118840.htm