Nước cờ cuối trong chính sách Trung Đông của Tổng thống Donald Trump

Trong bối cảnh chính trường Mỹ đang có những thay đổi với việc cơ quan chức năng đã khởi động quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho đội ngũ của ông Joe Biden, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thực hiện chuyến công du tới một loạt nước Trung Đông.

Động thái trên được đánh giá như một "nước cờ cuối" thể hiện quyết tâm tạo ra những điểm nhấn đáng chú ý trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với khu vực này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) cùng Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi (phải, hàng trên) thị sát vùng núi Bental trên Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, gần biên giới Syria ngày 19/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) cùng Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi (phải, hàng trên) thị sát vùng núi Bental trên Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, gần biên giới Syria ngày 19/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới quan sát nhận định những mục tiêu quan trọng trong chuyến đi của ông Pompeo tới Trung Đông lần này là bảo vệ các di sản về đối ngoại được tạo ra trong 4 năm cầm quyền của chính quyền Tổng thống Trump, tiếp tục củng cố quan hệ đồng minh với các nước Arab, tạo cầu nối cải thiện quan hệ giữa Israel và các nước Arab, cũng như tìm cách siết chặt hơn các chính sách đối phó với Iran. Điều này có thể tạo ra những trở ngại cho chính quyền của ông Biden trong việc theo đuổi một chính sách Trung Đông cân bằng hơn, nhất là việc đưa Mỹ quay trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) từng ký với Iran dưới chính quyền của Tổng thống Barak Obama.

Tại Israel, việc ông Pompeo trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm một khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, vùng đất Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967, được xem như sự công khai ủng hộ của chính quyền Tổng thống Trump đối với hoạt động mở rộng các khu định cư Do Thái, bất chấp Liên hợp quốc và đa số các nước trên thế giới, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, coi hoạt động này của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở hòa bình Trung Đông. Đồng thời, ông Pompeo đã công bố các quy định cho phép những sản phẩm được sản xuất tại đây và xuất khẩu sang Mỹ sẽ được gắn mác “Made in Israel".

Trên thực tế, đúng 1 năm trước, Mỹ đã thay đổi lập trường về các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, theo đó Washington không còn coi các khu định cư của Israel là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố "Mỹ ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực Bờ Tây". Tuyên bố trên đánh dấu sự đảo ngược chính sách của Mỹ trong vòng 40 năm qua đối với các khu định cư Do Thái, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Israel, song đã làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và người Palestine, cũng như khoét sâu sự chia rẽ giữa Washington và các đồng minh truyền thống ở châu Âu, vốn luôn khẳng định hoạt động định cư của Israel làm xói mòn triển vọng giải pháp hai nhà nước cũng như triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài tại Trung Đông.

Đặc biệt, ông Mike Pompeo cũng đã đến thăm Cao nguyên Golan, trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến khu vực mà Israel chiếm đóng của Syria trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ nước mình, hành động không được Liên hợp quốc và hầu hết cộng đồng quốc tế công nhận. Năm 2019, Washington đã công nhận yêu sách chủ quyền của Israel đối với những nơi thuộc vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa Syria, Israel, Liban và Jordan này, dù các chính quyền Mỹ trước đây đều không thừa nhận việc Israel kiểm soát Cao nguyên Golan.

Có thể nói, những động thái và tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong chuyến công du lần này sẽ tiếp tục củng cố hơn nữa mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel, song phần nào "phủ nhận" những cam kết của Washington đối với Palestine trong "thỏa thuận thế kỷ" do chính Mỹ thúc đẩy. Palestine đã coi đây là bước đi thể hiện sự đồng tình với hành vi chiếm đóng, trong khi Syria gọi là động thái "khiêu khích" có thể "cổ xúy Israel tiếp tục cách tiếp cận thù địch". Quan trọng hơn, vấn đề này có thể được xem như một trong những trở ngại chính tác động đến chính sách Trung Đông của chính quyền ông Biden.

Dù ông Biden từng nhiều lần tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ quay trở lại quan điểm từ lâu của Washington coi Bờ Tây và Cao nguyên Golan là lãnh thổ bị chiếm đóng, song sẽ rất khó khăn để chính quyền sắp tới của Mỹ "cân bằng, dung hòa" được chính sách Trung Đông mà không ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Israel, khi chính quyền Tổng thống Trump rõ ràng thể hiện "sự thiên vị" đối với Tel Aviv. Mặc khác, bản thân đảng Dân chủ vốn có truyền thống ủng hộ Israel, nên khả năng ông Biden có thể đảo ngược các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump về Trung Đông và xây dựng nó trên một nền tảng mới, cũng khá mờ mịt.

Với những tín hiệu "cổ súy" từ phía chính quyền Tổng thống Trump hiện nay, Israel rõ ràng có cớ để thúc đẩy việc mở rộng các khu định cư Do Thái, trước khi phải dừng lại trước sức ép của cộng đồng quốc tế và có thể từ chính quyền mới ở Mỹ. Kịch bản này đã từng diễn ra nhiều lần trong quá khứ. Đáng chú ý, Israel vừa công bố kế hoạch xây dựng 1.257 ngôi nhà ở Givat Hamatos, một cộng đồng ở ngoại ô Jerusalem. Dự án bị trì hoãn từ lâu này được coi là đặc biệt gây tranh cãi vì nó có thể chia cắt các cộng đồng người Palestine liền kề và khiến việc chia sẻ Jerusalem giữa Israel và một nhà nước Palestine trong tương lai trở nên khó khăn hơn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) trong chuyến thăm Cao nguyên Golan, ngày 19/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) trong chuyến thăm Cao nguyên Golan, ngày 19/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, chặng dừng chân của ông Pompeo ở Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có vai trò như một động lực để Mỹ tiếp tục hàn gắn mối quan hệ giữa Israel với các nước Arab. Mỹ muốn nhân rộng hơn nữa các hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab, như với UAE và Bahrain thời gian qua, nhằm hướng tới mục tiêu quan trọng hơn tại khu vực. Mối quan hệ hòa bình giữa Israel và các nước Arab có thể sẽ trở thành nền tảng quan trọng nhất để Mỹ tạo ra một mặt trận thống nhất hơn trong việc đối phó, kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực này. Điều này cho thấy trong thời gian cuối nhiệm kỳ, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel nhằm bảo vệ các nền tảng đã được xây dựng trong suốt 4 năm qua.

Tại Qatar, điểm dừng chân cuối cùng, ngoài các vấn đề của khu vực Trung Đông, ông Pompeo cũng thảo luận việc thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban, vốn có dấu hiệu đình trệ trong thời gian gần đây. Một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên sau nhiều vòng đàm phán tại Doha (Qatar) sẽ là cơ sở quan trọng để Mỹ đẩy nhanh hơn tiến trình cắt giảm binh sĩ đồn trú tại Afghanistan, theo kế hoạch rút từ 4.500 người xuống còn 2.500 người vào ngày 15/1/2021. Nếu hoàn tất được kế hoạch rút quân trên, tiến tới chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến "hao người tốn của" kéo dài gần 2 thập niên qua tại Afghanistan, chính quyền Tổng thống Trump có thể tạo ra một bước ngoặt mới về chính sách, không chỉ tại quốc gia Tây Nam Á này mà còn đối với cả chiều hướng can dự của Mỹ tại nhiều khu vực, điểm nóng trong tương lai.

Những diễn biến trong chuyến công du có lẽ là cuối cùng của ông Pompeo trên cương vị ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông rõ ràng cho thấy đây không chỉ là một chuyến thăm xã giao thông thường, mà là nước đi có tính toán. Chuyến thăm tiếp tục khẳng định các cam kết của chính quyền Tổng thống Trump trong việc theo đuổi các chính sách Trung Đông, nhiều khả năng sẽ tác động không nhỏ tới toàn bộ chính sách của Mỹ đối với khu vực quan trọng này thời gian tới.

Đại Thắng (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nuoc-co-cuoi-trong-chinh-sach-trung-dong-cua-tong-thong-donald-trump-20201124120507804.htm