Nước cờ mới của Ukraine khi 'không muốn bị bỏ lại với hai bàn tay trắng'
Trong bối cảnh phải đối mặt với hỏa lực vượt trội từ Nga và nguồn viện trợ vũ khí từ các đồng minh ngày càng bấp bênh, Ukraine đang đẩy mạnh tự chủ trong sản xuất quốc phòng - một hướng đi đòi hỏi nguồn tài chính lớn từ các nước phương Tây.
Không muốn bị bỏ lại với hai bàn tay trắng
Tiếng búa đập và máy khoan vang vọng trong một nhà máy tại miền Trung Ukraine, nơi công nhân đang lắp ráp các xe bọc thép chở quân nhân cỡ lớn - những phương tiện mà binh lính Ukraine sẽ sớm đưa vào chiến đấu. Âm thanh ồn ã ấy phần nào phản ánh giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột với Nga.

UAV của Ukraine trên tiền tuyến. Ảnh: Reuters
Trước sự thiếu ổn định của nguồn cung từ bên ngoài, Ukraine đã tăng đáng kể năng lực sản xuất vũ khí trong nước. Theo ông Vladislav Belbas - Giám đốc điều hành của Ukrainian Armor, một công ty tư nhân vận hành nhà máy xe bọc thép, sản lượng của nhà máy trong năm ngoái đã tăng gấp đôi so với năm trước đó. Dù vậy, ông nhấn mạnh: “Chừng đó vẫn chưa đủ. Chúng tôi cần sản xuất nhiều hơn nữa".
Quan điểm này phản ánh sự thay đổi nhận thức tại Ukraine sau hơn ba năm rưỡi xung đột. Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện lập trường thiếu nhất quán trong hỗ trợ Ukraine khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính bền vững của sự hậu thuẫn từ Washington - nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Kiev. Gần đây, chính quyền ông Trump đã tạm ngừng một số thương vụ chuyển giao vũ khí, sau đó lại đảo ngược quyết định và đồng ý bán vũ khí cho các đồng minh châu Âu để họ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, ngay cả khi nguồn cung vũ khí từ phương Tây được duy trì, khối lượng viện trợ vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu phòng thủ của Ukraine. Trước thực tế đó, Kiev đang thay đổi cách tiếp cận. Thay vì chỉ đề nghị viện trợ vũ khí, Ukraine hiện kêu gọi các nước hỗ trợ tài chính để họ tự sản xuất vũ khí trong nước.
Chiến lược này bao gồm mạng lưới các công ty quốc doanh và tư nhân sản xuất xe quân sự, động cơ, thiết bị điện tử, vũ khí và đạn dược.
Thời điểm chiến sự bùng phát vào năm 2022, Ukraine chủ yếu phụ thuộc vào pháo, đạn và súng máy do phương Tây viện trợ. Tuy nhiên, theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, hiện nay nước này đã tự sản xuất khoảng 40% số vũ khí sử dụng tại tiền tuyến và đang đặt mục tiêu tăng mạnh tỷ lệ này.
Minh chứng rõ nét nhất về năng lực tự chủ đang gia tăng là việc sản xuất máy bay không người lái (UAV) - hiện đã trở thành công cụ chiến đấu phổ biến trên khắp chiến trường và gần như được sản xuất hoàn toàn trong nước.
“Điều đó không khiến chúng tôi yên tâm tuyệt đối nhưng mang lại niềm tin tinh thần rằng chúng tôi sẽ không bị bỏ lại với hai bàn tay trắng", Tổng thống Zelensky phát biểu hồi tháng 2 về sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
Nút thắt của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine
Để có thể mở rộng hơn nữa năng lực sản xuất quốc phòng, Ukraine cần thêm tiền. Theo bà Olena Bilousova, chuyên gia công nghiệp quốc phòng tại Trường Kinh tế Kiev, Ukraine có năng lực công nghiệp để sản xuất thiết bị quân sự trị giá tới 35 tỷ USD mỗi năm, nhưng hiện mới chỉ sản xuất được khoảng 15 tỷ USD do không đủ khả năng tài chính.
“Vấn đề tài chính là nút thắt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi", bà Bilousova chia sẻ trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
Năm ngoái, một thỏa thuận với một số quốc gia đồng minh đã mang lại hơn 500 triệu USD cho các nhà sản xuất vũ khí của Ukraine. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm nay nhưng vẫn còn cách xa so với nhu cầu thực tế để thu hẹp khoảng cách giữa năng lực sản xuất và nguồn tài trợ. Kiev hiện đang tìm cách huy động thêm hỗ trợ tài chính từ nhiều nước hơn.
Áp lực sản xuất càng gia tăng khi Nga tiếp tục mở rộng các cuộc tấn công UAV và tên lửa. Ngân sách quốc phòng năm nay của Nga lên tới ít nhất 150 tỷ USD, gấp khoảng 3 lần so với Ukraine.
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte gần đây cho biết, Nga hiện sản xuất lượng đạn dược trong 3 tháng nhiều gấp 3 lần toàn bộ NATO trong một năm. Sự chênh lệch lớn này đang giúp Nga chiếm ưu thế lớn về hỏa lực trên chiến trường, kể cả ở những lĩnh vực mà Ukraine từng có lợi thế như máy bay không người lái.
Tại thành phố Kostiantynivka ở miền Đông, nơi đang chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt, binh lính Ukraine cho biết UAV tấn công của Nga giám sát chiến trường ngày đêm, sẵn sàng khai hỏa vào bất cứ thứ gì di chuyển.
Cách Ukraine đối phó với hỏa lực vượt trội từ Nga
Trước hỏa lực vượt trội của đối phương, Ukraine buộc phải thích ứng.
Dựa trên phản hồi từ các đơn vị chiến đấu, công ty Ukrainian Armor đã bắt đầu sản xuất các phương tiện thiết kế riêng để tránh bị UAV phát hiện trên chiến trường, bao gồm một loại xe địa hình nhẹ có thể đạt tốc độ tới 145km/giờ nhằm vượt qua các UAV tấn công.
Ukrainian Armor cũng đang sản xuất một loại phương tiện không người lái cỡ lớn, thể hiện xu hướng tự động hóa ngày càng rõ trên chiến trường. Đây thực chất là một “xe mẹ”, được thiết kế để chở theo các phương tiện điều khiển từ xa nhỏ hơn đến tiền tuyến. Những phương tiện nhỏ hơn này sẽ làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược đến các vị trí chiến đấu, trong khi “xe mẹ” đóng vai trò trạm tiếp sóng để truyền tín hiệu.
Ông Belbas cho biết các phương tiện robot được thiết kế nhằm cứu sống các binh lính và giúp họ tránh khỏi những nhiệm vụ nguy hiểm như tiếp tế cho tiền tuyến.
Tuy nhiên, các đổi mới công nghệ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng của công ty. Phần lớn dây chuyền sản xuất vẫn tập trung vào các khí tài truyền thống như súng cối, loại vũ khí có thể hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết.
Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, quân đội Ukraine sử dụng lựu pháo tự hành Caesar để tấn công các vị trí của Nga. Giờ đây, họ chủ yếu chuyển sang một loại pháo do chính Ukraine sản xuất là Bohdana, với gần 20 phương tiện được chế tạo mỗi tháng, các quan chức Ukraine cho hay.
Chuyên gia công nghiệp quốc phòng Bilousova cho biết hiện Ukraine sản xuất nhiều hệ thống pháo mỗi tháng hơn toàn bộ các quốc gia châu Âu cộng lại. Riêng với súng cối, ông Belbas ước tính từ năm ngoái Ukraine đã hoàn toàn tự chủ về cả ống phóng và đạn pháo, đánh dấu một bước tiến lớn so với thời điểm đầu cuộc xung đột khi gần như toàn bộ đạn pháo đều phải nhập khẩu.
Kiev cũng đã khởi động các kế hoạch phát triển vũ khí công nghệ cao hơn như hệ thống phòng không. Tuy nhiên, những hệ thống hiện đại này đòi hỏi chi phí phát triển và sản xuất rất lớn, điều mà Kiev không thể tự mình gánh vác. Ông Belbas cho biết, ngay cả các hợp đồng đơn giản hơn với Bộ Quốc phòng Ukraine để sản xuất thêm súng cối cũng không được thực hiện do thiếu kinh phí.
Để mở rộng lựa chọn, Kiev gần đây đã khởi xướng một sáng kiến mới, mời các nước đồng minh cho phép đặt nhà máy sản xuất vũ khí Ukraine trên lãnh thổ của họ.
Theo mô hình này, Ukraine sẽ cung cấp chuyên môn kỹ thuật, trong khi các đối tác phương Tây đảm bảo vốn và cơ sở hạ tầng sản xuất nằm ngoài tầm tấn công của Nga. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên chính thức ủng hộ kế hoạch này vào đầu tháng 7 và Tổng thống Zelensky cho biết “nhiều thỏa thuận tương tự sẽ còn tiếp tục được ký kết”.
Trước hai mối đe dọa là việc Nga mở rộng tấn công và Mỹ giảm các cam kết với NATO, châu Âu cũng đang tăng tốc chi tiêu quốc phòng và đẩy mạnh sản xuất vũ khí.
“Ukraine cần đầu tư. Các bạn cần kỹ năng và công nghệ. Mọi thứ chúng tôi đang xây dựng để bảo vệ Ukraine cũng sẽ giúp bảo vệ các bạn", ông Zelensky nói với các đồng minh phương Tây trong chuyến thăm Rome hồi đầu tháng 7.